Việc lan truyền tin giả, còn gọi là fake news, đang trở thành mối lo ngại lớn khi truyền thông xã hội ngày càng phát triển. Không những làm xói mòn lòng tin của độc giả vào truyền thông, tin giả còn gây ra hàng loạt hậu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Hệ lụy
Kết quả cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu báo chí của hãng tin Reuters (Anh) thực hiện ở 37 quốc gia cho thấy, trong năm 2018, tỷ lệ người đọc tin tưởng tin tức được đăng tải duy trì ở mức 44%. Tuy nhiên, ở một số nước, tỷ lệ này vẫn ở mức rất thấp. Xét theo loại hình truyền thông, mức độ tin cậy của người đọc đối với các phương tiện truyền thông truyền thống vẫn cao hơn so với các trang mạng xã hội.
Theo kết quả khảo sát của tổ chức YouGov, chỉ có 23% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng các thông tin được đăng tải trên truyền thông xã hội. Trong khi đó, 54% cho biết họ lo ngại về tính xác thực của những thông tin phát tán trên Internet. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 23% người Mỹ thừa nhận từng chia sẻ tin giả, trong đó có đến gần một nửa số người được thăm dò biết đó là thông tin giả.
Tin giả được nhắc tới nhiều hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền. Dù ông Donald Trump dùng cụm từ với ý nghĩa bó hẹp chỉ những tờ báo chống lại ông, nhưng nó đang được thế giới nhắc tới với ý nghĩa rộng hơn nhằm chỉ những hình thức thông tin đang nở rộ nhanh chóng, lan truyền những mẩu tin hay những câu chuyện bịa đặt vì một mục đích nhất định. Trong lúc mạng xã hội trở thành kênh thông tin trên Internet, tin giả, tin sai đặt bên cạnh những thông tin xác thực trên Internet làm người đọc khó nhận biết thực hư. Càng được like, càng được chia sẻ nhiều, hậu quả của những tin đồn thất thiệt này càng nghiêm trọng.
Theo kết quả khảo sát của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), tin giả lan truyền trên Twitter nhanh hơn cả các thông tin đúng sự thật khi phân tích 126.000 tin đồn được lan truyền trong 3 triệu người. Nhiều người đổ lỗi cho Facebook là thủ phạm phát tán thông tin sai lệch trên mạng trong những năm gần đây. Ngoài Facebook và Twitter còn có ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp cũng đang hứng búa rìu dư luận do phát tán tin tức giả.
Hậu quả của nạn tin tức giả đã dẫn đến nhiều câu chuyện gây chấn động dư luận gần đây tại Ấn Độ. Giữa tháng 7, chỉ vì các tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, 2 người đàn ông sống tại bang Assam đã bị người dân đánh đến chết vì bị nghi ngờ là đối tượng bắt cóc trẻ em trong một đoạn video bị cắt ghép được đăng tải trên WhatsApp. Trong vài tháng qua, ở vùng nông thôn Ấn Độ đã xảy ra một số vụ đánh chết người chỉ vì tin giả lan trên mạng xã hội. Cảnh sát Ấn Độ cho biết họ gặp khó khăn trong việc kêu gọi người dân ở vùng nông thôn tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Tin giả xuất hiện mà không được kiểm chứng rồi được chia sẻ trên mạng, một số kênh truyền thông địa phương đã đăng lại thông tin này và vô tình biến tin giả thành tin thật.
Tin giả còn được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ mục đích tuyên truyền. Vụ việc xảy ra hồi tháng 5 vừa qua tại Ukraine là một ví dụ. Dư luận thế giới, đặc biệt ở Nga, không khỏi bất ngờ khi giới chức an ninh Ukraine cho biết nhà báo Nga Arkady Babchenko vẫn còn sống, sau khi đưa ra thông báo nhà báo này đã bị ám sát tại nhà riêng ở Kiev. Phía Ukraine nói rằng họ đã phát hiện ra một âm mưu ám sát nhằm vào Babchenko và do vậy, Cơ quan an ninh quốc gia Ukraine đã dàn dựng vụ việc để nghi phạm lộ diện.
Phản ứng trước động thái này của Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói việc Ukraine dàn dựng vụ việc rõ ràng là một “chiêu trò truyền thông”. Tờ Guardian (Anh) cho rằng với hành động này, Ukraine đã tự gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của chính mình và của báo giới nói chung. Tin giả còn gây kích động thù hằn và làm nhũng nhiễu thông tin nội bộ ở một số quốc gia. Trong tháng 3 năm nay, Indonesia đã bắt giữ hàng loạt kẻ quá khích và bôi xấu lãnh đạo nước này trên mạng xã hội. Từ vụ bắt giữ nói trên, cảnh sát Indonesia còn phát hiện một mạng lưới hoạt động, sản xuất các tin tức giả mạo nhằm gây bất ổn chính trị và thậm chí là làm nhũng nhiễu thông tin về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này. Thông qua WhatsApp, mạng lưới này còn dùng các tin tức giả mạo và ngôn từ thù hận để kích động sự phân chia tôn giáo, sắc tộc.
Nỗ lực ngăn chặn
Theo Malay Mail, tính đến nay, đã có 53 quốc gia tham gia 143 sáng kiến chống nạn tin giả. Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu mới nhất tham gia cuộc chiến chống tin giả. Hạ viện Pháp ngày 4-7 đã thông qua dự luật chống tin giả ngay lần đọc đầu tiên trước phiên toàn thể, sau những tranh luận gay gắt thời gian qua trong xã hội Pháp. Dự luật nhằm điều chỉnh luồng thông tin trước các cuộc bầu cử tổng thống. Trong 3 tháng trước cuộc bầu cử, ứng cử viên hoặc đảng của ứng cử viên đó có thể yêu cầu một thẩm phán ra lệnh ngăn chặn sự lan truyền các tin tức giả mạo.
Trong khi đó, tại Brazil, bộ môn “Phân tích truyền thông” đã trở thành môn học bắt buộc ở các trường học. Với bộ môn này, các em học sinh sẽ được tìm hiểu về cách phát hiện và ngăn chặn các tin tức giả. Tại lớp học, các học sinh 11-15 tuổi được hướng dẫn các kỹ năng thận trọng khi lướt web hay khi chia sẻ các bài viết đăng tải trên mạng xã hội. Ở châu Á, Indonesia là một trong những quốc gia có hành động mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại những tin giả thông qua việc tuyên truyền giúp người dân biết sử dụng Internet và mạng xã hội cho mục đích đúng đắn, đồng thời thiết lập một danh sách các trang web đáng tin cậy do nhà nước kiểm duyệt.
Dưới sức ép ngày càng tăng của dư luận, Google, Facebook và Twitter đã cam kết nỗ lực ngăn chặn việc truyền bá các tin tức giả mạo trên mạng xã hội. Trong tuần qua, công ty mẹ của WhatsApp là Facebook đã đưa ra các quảng cáo toàn trang trên một số tờ báo in ở Ấn Độ để người dùng WhatsApp suy nghĩ cẩn thận về các thông điệp họ nhận được và cung cấp 10 mẹo để phát hiện tin tức giả mạo. Quảng cáo cũng cho thấy kế hoạch của Facebook tung ra một tính năng mới cho người.
Trong khi đó, YouTube vừa cam kết sẽ chi 25 triệu USD để chống lại nạn tin tức giả mạo trên nền tảng chia sẻ video trực tuyến của mình. Đây là một phần của sáng kiến Google News trị giá 300 triệu USD mà Google khởi xướng hồi tháng 3.
Để cụ thể hóa điều này, YouTube sẽ hiển thị các bản xem trước và các liên kết tới nguồn nội dung câu chuyện thông qua các kết quả tìm kiếm. Một số video sẽ được dẫn link tới Bách khoa toàn thư mở Wikipedia hoặc Britannica để người xem có thể tự đối chiếu nội dung và đưa ra kết luận cho mình.
Khi tin giả lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội thì dư luận đã đề cập đến việc trách nhiệm của báo chí truyền thống, nhất là trong bối cảnh độc giả vẫn chọn đây là kênh thông tin mang lại nội dung xác thực. Trên thế giới, một số cơ quan báo chí ở châu Âu đã lập liên minh nhằm đối phó với tin giả trước khi diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng.
Theo nhận định của Reuters, tin giả là vấn nạn, nhưng cũng là cơ hội để báo chí chính thống tập trung vào cải tiến chất lượng cũng như gia tăng kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.
Theo Phương Nam / sggp.org.vn