TBVĐ- Nếu muốn tài sản hồi môn luôn thuộc về con đẻ ngay cả khi chúng ly dị, thì phải phải tặng chính đích danh con đẻ mình.
Trước đây sau khi đã cho con mình của hồi môn lúc cưới, bố mẹ cô dâu hoặc chú rể khó đòi lại được khi hôn nhân tan vỡ. Việc đó giờ đã khác, khi Toà án Liên bang xét xử một vụ án liên quan đến vấn đề trên, (án quyết số XII ZR 189/06, ngày 03.02.2010).
Tình tiết vụ án: khi con gái mình sống chung cùng bạn trai từ năm 1990 rồi lên kế hoạch cưới nhau vào tháng 2 năm 1996 và anh chồng tương lai muốn mua một căn hộ đang thanh lý, thì ông bà nhạc tương lai chuyển ngay vào tài khoản anh ta số tiền quy đổi lúc đó là chừng 29.000 Euro. Sau đó hai tháng, 25.000 Euro trong số tiền này được chuyển tiếp vào tài khoản thanh lý của toà án. Vào mùa thu cùng năm, cô con gái cùng bạn trai và đứa cháu sinh năm 1994 chuyển về sống tại đây, sau đó 1 năm hai người đăng ký kết hôn, năm 1999 đứa con thứ hai chào đời.
Năm 2002 đôi vợ chồng ly dị. Năm 2004 cuộc phân chia tài sản trước toà bất thành và căn hộ đó cho đến nay vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của anh con rể. Giờ thì bố mẹ vợ kiện con rể phải hoàn trả lại tiền. Toà án điạ phương bác đơn, tới toà án phúc thẩm tiểu bang không chấp nhận kháng đơn của nguyên cáo trên cơ sở viện dẫn những phán quyết trước đây của toà án liên bang.
Tới xét xử chung thẩm, Toà án Liên bang lại quay 180 độ, so với các án quyết trước đây của mình. Theo các phán quyết trước đây, nếu ông bà nhạc tặng hồi môn cho dâu rể nhân dịp thành hôn của chúng thì giữa các bên tồn tại mối quan hệ pháp lý riêng (Rechtsverhältnis eigener Art). Nghĩa là ông bà nhạc không đòi được lại của hồi môn nếu hai vợ chồng không có hợp đồng hôn nhân (Zugewinngemeinschaft).
Nhưng nay toà án không theo phán quyết đó nữa mà theo nguyên tắc “nền tảng giao dịch đổ vỡ” (Wegfalls der Geschäftsgrundlage) và nền tảng đó chính là cuộc sống chung của vợ chồng con cái với nhau phải được gìn giữ để được hưởng quyền lợi là số tặng vật đó. Khi hôn nhân tan vỡ thì nền tảng này coi như đổ vỡ. Vì vậy ông bà nhạc ít nhất có thể lấy lại phần nào đó theo thể thức giải quyết hoà hợp của toà án.
Hệ quả sự thay đổi phán quyết sẽ giúp cho các ông bà nhạc trong tương lai thành công hơn trong việc đòi lại của hồi môn đã tặng cho cô dâu chàng rể. Nếu muốn tài sản hồi môn luôn thuộc về con đẻ ngay cả khi chúng ly dị, thì phải phải tặng chính đích danh con đẻ mình.
Anh Tuấn