Chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có trong các loại nước ngọt, kem và kẹo cao su đang được xem xét đưa vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư.
Hãng tin Reuters dẫn thông báo ngày 29-6 của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ sẽ đưa chất tạo ngọt aspartame vào danh sách những chất có thể gây ung thư từ tháng 7 tới.
Cụ thể, IARC đã tiến hành đánh giá mức độ an toàn của chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có trong một số loại nước giải khát, kem hay kẹo cao su và sẽ công bố trong một báo cáo vào tháng 7.
Tuy nhiên, IARC vẫn đang xem xét xem aspartame sẽ được đưa vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư hay danh sách các chất gây ung thư.
Không những IARC, Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia về phụ gia thực phẩm (JECFA) cũng đang xem xét đưa aspartame vào danh sách các chất có thể gây ung thư và dự kiến công bố quyết định vào ngày 14-7 tới.
Còn nhiều tranh cãi xoay quanh aspartame
Bên cạnh đó, phán quyết này của IARC có thể làm bùng nổ một làn sóng tranh cãi bởi việc đưa chất aspartame vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư có thể khiến người tiêu dùng lo ngại.
Trước đây, từng có một số chất phụ gia khác vào danh sách các chất có nguy cơ gây ung thư khiến người tiêu dùng tẩy chay, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thực phẩm và buộc họ phải thay đổi công thức chế biến hoặc sử dụng các chất thay thế khác.
Theo các cơ quan quản lý của Mỹ và Nhật Bản, ngành công nghiệp cũng như các cơ quan quản lý lại lo ngại việc cả IARC và JECFA cùng công bố quyết định về chất aspartame cùng một thời điểm có thể gây ra nhiều nhầm lẫn.
Aspartame được sử dụng rộng rãi từ những năm 1980 như một chất tạo ngọt cho thực phẩm cũng như trong các loại thức uống giải khát có gas dành cho người ăn kiêng, trong kẹo cao su, ngũ cốc ăn sáng và cả thuốc ho.
Năm 1981, JECFA từng cho rằng aspartame an toàn nếu con người tiêu thụ một lượng hợp lý hằng ngày.
Ngày 27-3, bà Nozomi Tomita – một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản – đã gửi thư tay cho phó giám đốc WHO nhằm kêu gọi hai cơ quan trên cùng phối hợp nỗ lực xem xét chất aspartame để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn hoặc lo ngại nào với người tiêu dùng.
Ông Frances Hunt-Wood – tổng thư ký của Hiệp hội Chất làm ngọt quốc tế (ISA) – cũng nói với Reuters: “IARC không phải là cơ quan an toàn thực phẩm và đánh giá của họ về aspartame không toàn diện về mặt khoa học, chủ yếu chỉ dựa trên những nghiên cứu đã từng được công bố rộng rãi”.
Tuy mắc phải nhiều tranh cãi về vấn đề tiêu dùng nhưng đến nay từng có một số nghiên cứu chứng minh chất aspartame là nguyên nhân gây ung thư.
Cụ thể, một nghiên cứu được thực hiện năm ngoái ở Pháp với sự tham gia của khoảng 100.000 người đã cho thấy những người tiêu thụ một lượng lớn các chất tạo ngọt, trong đó có cả aspartame đều có nguy cơ mắc ung thư cao hơn thông thường một phần nhỏ.
Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Ramazzini (Ý) đầu những năm 2000 cũng đã báo cáo một số chứng ung thư ở chuột nhắt và chuột cống có liên quan đến chất aspartame.
Theo Uyên Phương / tuoitre.vn