Năm 2013, Sieglinde Baumert, 46 tuổi, ngụ tại Geisa (Thüringen) ngừng trả phí phát sóng cho GEZ. Bà cũng làm ngơ trước những thư từ nhắc nhở đòi tiền, dọa xiết nợ trong những năm sau đó. Từ 04.02.2016 bà bị bắt giam tại trại tù Chemnitz.
Từ đầu năm 2013, không còn có thể coi truyền hình hay nghe đài „chui“ được nữa, mỗi hộ gia đình đều phải trả phí phát sóng. Trong luận án tiến sĩ, Anna Terschüren, nhân viên đài NDR, gọi đó là “thuế mục đích“ mà chính phủ không được quyền ban ra và cơ quan phát sóng không được quyền thu. Bài luận án đạt điểm tối ưu „Summa cum laude“ (tiếng La-tinh, từ thế kỷ 19 rất ít người nhận được điểm này và những giáo sư hay người lãnh giải Nobel được điểm luận án summa cum laude đều ở lại giảng dạy tại đại học), trong đó tác giả nhận định cả người sử dụng và người không sử dụng đều phải đóng phí phát sóng là „đi ngược lại quyền tự do hành động“. Bà Baumert chộp được bài luận án trên mạng và khởi sinh chống đối, với lập luận: nếu điều này là sai hiến pháp thì tòa công lý phải giải thích lý do hiệu lực của nó.
Chưa có giải thích cho việc này, nhưng Tòa án Hành chánh Liên bang tháng Ba vừa qua xác định phí phát sóng phù hợp hiến pháp. Truyền thanh và truyền hình cũng có thể bắt được qua máy tính, Tablets, Smartphone. Không thể nào chứng minh được là một hộ gia đình hoàn toàn không có thiết bị gì để bắt sóng. Ai cho rằng họ không trả phí cho cái họ không nghe, không xem hoặc không bấm phím, nhấp chuột, chỉ còn cách duy nhất là khởi kiện tại Tòa án Hiến pháp Liên bang. Baumert không nộp đơn kiện nên bị ngồi tù nửa năm, sau tù sẽ phải đi tìm việc mới vì khi bị bắt hợp đồng lao động bị hủy.
Dư âm còn lại là sự thiếu cân đối của án tù giam so với việc không trả lệ phí vì không sử dụng. Nó còn có thể là cái vỗ nhẹ của một con sóng khổng lồ, vì theo ước tính của „Tagesspiegel“ hiện 2,3 triệu người Đức chống đối không trả phí GEZ.