Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Còn hay không nạn phân biệt chủng tộc ở Đức?

Ảnh minh họa: Trần Hiếu

TBVĐ- Phân biệt chủng tộc không phải là một “di chứng” còn lại từ quá khứ, mà ngay trong thời đại này nó vẫn đang là một vấn đề nhức nhối.

Theo một thống kê của chính phủ cũng như qua xác nhận của Cục Cảnh sát hình sự Đức (Bundeskriminalamt) thì ngày nay, rất nhiều người Đức bài xích người Hồi Giáo, đặc biệt với phụ nữ Hồi Giáo vì trông họ “khác biệt” khi dùng khăn che đầu và mặt.

Chỉ trong vòng 10 năm từ 2001 đến 2011 đã xảy ra hơn 200 tội phạm liên quan đến các thánh đường Hồi Giáo ở Đức (Moscheen), bên cạnh đó là rất nhiều vụ bạo động, gây hỏa hoạn, chống đối người Do Thái. Hầu hết những vụ án này đều liên quan đến các phe cánh hữu cực đoan. Chỉ riêng trong năm 2011 đã xảy ra hơn 15.000 vụ án trong bối cảnh kỳ thị chủng tộc, bài ngoại như xâm phạm thân thể, tuyên truyền và xúi giục tẩy chay, chửi rủa.

Phân biệt chủng tộc là gì?

Nói đến phân biệt chủng tộc, không thể không nhắc đến chủ nghĩa quốc xã cũng như chủ nghĩa phát-xít Đức dưới thời Adolf Hitler (1933-1945). Những người Quốc xã (tiếng Đức vẫn gọi tắt là Nazi) quan niệm rằng, loài người được chia ra thành nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó có tộc Arya và tộc Do Thái là hai chủng tộc “không đội trời chung”.

Bởi người Nazi cho rằng, Arya là chủng tộc hoàn hảo độc tôn, là dòng dõi “quý tộc”, vượt xa tộc Do Thái cả về thể chất lẫn tư duy, vì thế tộc Arya có quyền cai trị và thống lĩnh tộc Do Thái. Dựa vào tư tưởng này, họ cũng cho rằng, tộc Arya có quyền tiêu diệt tộc Do Thái, bởi chỉ như vậy thì loài người mới phát triển cao xa hơn và giữ được “sự trong sạch” cho dòng dõi quý tộc.

Bài ngoại khác với phân biệt chủng tộc như thế nào?

Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử mà chúng ta có thể quan sát thấy ở Đức thời hiện đại này lại không giống với tư tưởng phân biệt chủng tộc vừa kể trên trong Thế Chiến II. Người ta không còn phân chia giai cấp giữa các chủng tộc, mà họ phân biệt giá trị của các nền văn hóa, các tôn giáo khác nhau.

Bài ngoại cũng tương tự như phân biệt chủng tộc nhưng là sự kỳ thị văn hóa, là một cuộc chiến văn hóa – nói cách khác, bài ngoại xuất hiện khi mọi người cảm thấy quyền lợi công dân của họ đang bị lấy đi bởi người nước ngoài.

Những hậu quả khôn lường

Nhìn lại những năm 1988-1993, khi làn sóng di dân lớn nhất tràn sang Đức với tổng số 7,3 triệu người vừa là tị nạn, vừa sang theo diện xuất khẩu lao động cũng như đoàn tụ gia đình, (trong khi chỉ 3,6 triệu người Đức quyết định di dân, rời khỏi Đức), thì tư tưởng bài ngoại trong lòng dân Đức ngày càng dâng cao – có thể nói rằng cũng do rất nhiều chính trị gia đã lạm dụng đề tài này khi tuyên truyền bỏ phiếu cho mình.

Có lẽ bất cứ người Việt nào sống tại Đức trong khoảng thời gian này cũng nhớ đến năm 1992, khi các thành viên của phe hữu cực đoan đã bao vây và tấn công một trại tị nạn tại quận Lichtenhagen ở thành phố Rostock. Sau khi những người tị nạn được sơ tán đi nơi khác, bọn chúng lại quay ra châm lửa đốt ngay tòa nhà bên cạnh, nơi có 150 người Việt tị nạn đang cư trú.

Cũng vào thời điểm đó, một nhóm phóng viên của đài truyền hình ZDF đang thực hiện chương trình trong căn nhà này. 3.000 dân Đức hiếu kỳ chỉ đứng xem và gào rú theo, thỏa mãn cảm giác bài ngoại nung nấu trong lòng. Bởi hàng xóm Đức ở xung quanh đã khóa hết các đường thoát hiểm từ căn nhà này sang các nhà xung quanh bằng xích sắt, vì thế tất cả người Việt cũng như nhóm phóng viên của ZDF buộc phải trèo lên nóc mái nhà để đợi cảnh sát tới cứu. Phải mất bốn ngày, cảnh sát mới có thể trấn an và giải quyết được cuộc nổi loạn đó, 204 cảnh sát bị thương nặng.

Từ năm 2000-2006, một kẻ ẩn danh đã lần lượt giết chết 8 nạn nhân rải rác trên nước Đức. Một trong số đó là ông Enver Simsek. Nạn nhân chết bởi 9 phát súng khi ông đang bán hoa ở chợ Nürnberg. Vụ án được điều tra rất lâu mà không thu được kết quả gì, cho đến nhiều năm sau, vào ngày 8-11-2011, một người đã ra tự thú. Đó là Beate Zschäpe – cùng với Uwe Mundlos và Uwe Bönhardt (đã tự vẫn trước đó), chúng từng là những kẻ cầm đầu một băng đảng Quốc xã ngầm (NSU). Phiên tòa xét xử Beate Zschäpe từ năm 2013 cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Những vụ án cả nặng và nhẹ vì lý do bài ngoại cho đến nay cũng chưa hề chấm dứt.

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Kể từ năm 2005, dưới thời thủ tướng Gerhard Schröder và chính phủ Đỏ-Xanh, người ta mới bắt đầu công nhận rằng Đức thật sự là một “đất nước nhập cư” (Einwanderungsland). Tuy nhiên, các chính sách hội nhập lại trở thành một trong những đề tài tranh luận gay gắt bởi nó mang khá nhiều nghịch lý. Ví dụ như từ năm 2008, những di dân nào muốn nhập quốc tịch Đức đều phải trải qua bài thi tiếng Đức và trắc nghiệm về lịch sử, xã hội Đức.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đã đặt câu hỏi: Nếu như đây là điều kiện bắt buộc để có được quốc tịch Đức thì vì sao dân Đức không phải làm bài thi này? Trong khi chưa chắc dân Đức có thể trả lời đúng được hết các câu hỏi về lịch sử, văn hóa Đức, ngay cả phần thi tiếng Đức. Rất nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng, bản thân di dân người Đức sang các nước khác cũng không học ngay ngôn ngữ hay sống theo phong tục, tập quán nước đó.

Cảnh giác với những chiêu trò dụ dỗ trẻ em

Rất nhiều các hội đoàn phe hữu cực đoan như đảng Quốc gia dân chủ Đức (NPD), còn gọi chung là Neonazis, từ nhiều năm nay đã có các chương trình quảng cáo, mời chào nhắm đến trẻ em và thanh thiếu niên. Họ chia sẻ tư tưởng và lôi kéo các em ngay trên phố, trong trường học và cả trên các trang mạng xã hội. Nguy hiểm nhất là: Các em nhỏ tuổi chưa hiểu đó là những người như thế nào? Họ làm vậy với mục đích gì? Vào những mùa bầu cử, thay vì tuyên truyền, các thành viên phe hữu cực đoan lại âm thầm đi lại rải rác ở nhà ga, bến xe. Sau khi những ấn phẩm đó lần lượt bị cấm, hội Neonazis tiếp tục tuyên truyền các tư tưởng bài ngoại lên mạng. Trong một nghiên cứu của trang jugenschutz.net, năm 2012, họ đã tìm ra hơn 7000 trang mạng trực tuyến và vô số bài viết của các đội ngũ phe hữu cực đoan trên các trang mạng xã hội.

Cẩm Chi