Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Điều gì chờ bà Merkel sau đàm phán thành công?

Đồ họa: Trung Hiếu

Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối cùng cũng thành công trong đàm phán lập liên minh nhưng cũng còn cả giai đoạn dài phía trước.

Ngày 12/1, Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đã kết thúc quá trình đàm phán 24 tiếng đồng hồ và xuyên đêm để hoàn thành quá trình đàm phán thành lập liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) do ông Martin Schulz lãnh đạo.

Bản thỏa thuận dài 28 trang về những nguyên tắc cơ bản để bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập một chính phủ mới trong vài tuần tới.

Phát biểu sau cuộc đàm phán thành công, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi đã ở đây suốt 24 giờ. Tôi từng không dám chắc rằng chúng tôi sẽ thành công. Tôi đã dự đoán rằng đối thoại sẽ rất khó khăn nhưng các bên đã hành động với tinh thần tìm kiếm giải pháp”.

Lãnh đạo SPD Martin Schulz thừa nhận 24 tiếng đồng hồ đối thoại trôi qua với nhiều “giai đoạn sóng gió”.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sức mạnh kinh tế và chính trị của nước Đức sẽ được tận dụng để xây dựng một châu Âu vững mạnh hơn” – ông nói.

Ông Schulz cũng tin tưởng cho biết SPD và liên đảng CDU – Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) đã chuẩn bị trước được nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán sơ bộ sắp tới.

Bước ngoặt này có thể mở đường cho CDU/CSU và SPD tái lập “liên minh đảng lớn” đã nắm quyền kiểm soát chính phủ suốt 8 năm qua.

Thoả thuận này cần phải được các thành viên của SPD phê duyệt ở Quốc hội vào ngày 21/1 tới.

Reuters cho biết, nhiều thành viên SPD lo sợ “bắt tay” với phe bảo thủ một lần nữa sẽ khiến đảng suy yếu hơn.

Liên kết với SPD được cho là “đặt cược” tốt nhất đối với Thủ tướng Merkel để thành lập một chính phủ ổn định sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn là Đảng Xanh và là đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại.

SPD từng là một phần của “liên minh đảng lớn” với đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước.

Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm ngoái, với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, SPD đã tuyên bố trở thành phe đối lập.

Tuy nhiên, lãnh đạo SPD đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Nếu có sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía lãnh đạo Martin Schulz, ngay ngày 21/1, sau khi các thành viên SPD bỏ phiếu ở Quốc hội, cuộc đàm phán chính thức về thành lập liên minh Chính phủ 3 đảng CDU/CSU và SPD sẽ lập tức được tiến hành, về cơ bản sẽ xác định chương trình chính trị của Đức trong 4 năm tới.

Năm 2013, khi bà Merkel tìm kiếm liên minh hiện tại với SPD, quá trình này mất 3 tuần.

Lãnh đạo Đảng CSU Horst Seehofer nói ông hy vọng một chính phủ mới sẽ được đưa ra trước khi lễ Phục sinh vào ngày 1/4.

Trong các nội dung mà Thủ tướng Merkel đã đạt được với SPD, 2 bên đã thống nhất rằng cần phải có một giới hạn trên về số người tị nạn đến từ 180.000- 220.000 người/năm.

Hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận về đoàn tụ gia đình cho người tị nạn. The đó, những người tị nạn sẽ không được đưa gia đình đến Đức cho tới khi luật mới được thành lập- luật mới sẽ hạn chế các thành viên gia đình người tị nạn tới Đức 1.000 người/tháng.

Các bên đã đồng ý giảm “thuế liên bang” – một khoản thuế cho tất cả các công dân người Đức đi đến Đông Đức – được giảm xuống 10 tỷ euro vào năm 2021.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, bà cam kết hợp tác chặt chẽ với Pháp, “tăng cường sức mạnh của khu vực sử dụng đồng euro, để châu Âu có thể chống chọi với các cuộc khủng hoảng toàn cầu tốt hơn”.

SPD cũng đề cập tới việc tăng thuế nhưng bản thỏa thuận 28 trang không đề cập tới vấn đề này. Có nghĩa khả năng trong 4 năm tới, Chính phủ Đức sẽ không tăng bất kỳ loại thuế nào.

Hãng truyền thông quốc gia Đức ARD nói rằng cuộc đàm phán thành lập liên minh lần này là cuộc chạy đua marathon đàm phán lâu nhất mà bà Merkel phải theo đuổi kể từ khi bà trở thành lãnh đạo nước Đức.

Kỷ lục trước đó của bà Merkel kéo dài 17 giờ, là cuộc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn Minsk cho Ukraine hồi tháng 2/2015, và 17 giờ đàm phán về việc khối sử dụng đồng tiền chung euro cứu Hy Lạp khỏi khủng hoảng tài chính, hồi 7/2017.

Theo Ngọc Dương / baodatviet.vn