Tay đặt trước bụng, ngón tay cái và các đầu ngón tay chạm vào nhau để tạo thành hình kim cương – cử chỉ bàn tay hình thoi của bà Angela Merkel là thương hiệu dễ nhận biết nhất của nữ Thủ tướng Đức.
Cử chỉ tay “kim cương Merkel” có trang Wikipedia riêng, biểu tượng cảm xúc riêng. Bức tượng nhà lãnh đạo lâu năm của Đức tại bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds nổi tiếng ở London, Anh cũng có cử chỉ đặc biệt này.
Nhưng cử chỉ “kim cương Merkel”, trong tiếng Đức là “Merkel-Raute”, trở thành “thương hiệu” của nữ Thủ tướng Đức phần lớn là do tình cờ – từ một Merkel nhút nhát trước máy ảnh và không biết cách tạo dáng trong buổi chụp hình cho tạp chí Stern vào năm 2002.
Khi đó là người đứng đầu Đảng liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và 3 năm trước khi được bầu làm thủ tướng lần đầu tiên, bà Merkel “không biết phải làm gì với đôi tay của mình”, nhiếp ảnh gia Claudia Kempf sau này nhớ lại.
Bà Kempf nói với tờ Rheinische Post năm 2009 rằng: “Bà ấy để chúng buông thõng xuống khiến bà trông hơi cứng, hoặc đan chúng vào nhau”.
Vài tháng trước cuộc bầu cử ở Đức năm 2013, bà Merkel đã giải thích về cử chỉ khum tay hình kim cương: “Đó là về câu hỏi đặt cánh tay của bạn ở đâu” và hình thoi cũng thể hiện “một tình yêu nhất định của sự đối xứng”.
Từ niềm tin cá nhân…
Vào thời điểm đó, bà Merkel đang vận động cho nhiệm kỳ thứ ba. Quốc hội đưa ra yêu cầu đổi mới trong các cuộc bầu cử liên bang Đức, nhưng đảng CDU của bà đã quyết định về một chiến dịch mang đậm dấu ấn cá nhân.
Một bảng quảng cáo rộng 70 m, cao 20 m đã được dựng lên gần nhà ga trung tâm Berlin với hình ảnh bà Merkel, được ghép từ hơn 2.000 bức ảnh bàn tay, cùng khẩu hiệu “Tương lai của nước Đức trong những bàn tay tốt”.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã chỉ trích cái mà họ gọi là “sự sùng bái nhân cách trống rỗng”, trong khi đảng Xanh cho rằng “Nếu đây là chính trị, chúng ta đã rơi xuống mức rất thấp”.
Nhưng người phụ nữ có biệt danh trìu mến là “Mutti” đã thắng cử vài tuần sau đó và “kim cương Merkel” trở thành một trong những cử chỉ tay dễ nhận biết nhất trên thế giới, theo báo Guardian của Anh. Cử chỉ này cũng được ví như một cây cầu, một mái nhà bảo vệ.
Tiến sĩ Jochen Hoerisch, chuyên gia truyền thông tại Đại học Mannheim, nói với AFP: “Tôi tin rằng hình thoi Merkel ban đầu được chấp nhận một cách vô thức. Nhưng một khi đã được công chúng chú ý, cử chỉ này đã được Thủ tướng [Merkel] sử dụng một cách có ý thức như một thương hiệu”.
… tới công cụ chính trị
Ngay cả khi sắp rời khỏi chính trường, cử chỉ thương hiệu của bà Merkel một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trong chiến dịch bầu cử năm nay khi ứng cử viên thủ tướng đảng Dân chủ Xã hội (SPD), ông Olaf Scholz, đã sử dụng nó trên trang bìa tạp chí.
Ông Scholz để tay khum hình kim cương trong một buổi chụp ảnh cho Sueddeutsche Zeitung – một phần trong chiến lược của ông để khẳng định mình sẽ là người kế nhiệm bà Merkel, trái ngược với ông Armin Laschet – đối thủ từ đảng của bà Merkel.
Động thái này gây ra phản ứng dữ dội từ CDU và thậm chí từ chính bà Merkel. Nhưng kế hoạch của SDP đã thành công và đảng của ông Scholz đã giành được chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua. Ngày 8/12, quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu chính thức bầu ông Scholz làm thủ tướng tiếp theo của Đức./.