Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khủng hoảng ‘trước ngưỡng cửa’ khu vực đồng tiền chung châu Âu?

Sự kết hợp giữa giá cả và lãi suất ngày càng tăng chưa từng có trong lịch sử Eurozone đặt ra mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng nợ mới.

Theo nhận định của nhà khoa học chính trị Andrey Kadomtsev, cố vấn chính sách đối ngoại cho tổ chức Nhân quyền Ombudsman (Nga) trên trang web của Tạp chí Các vấn đề Quốc tế Nga (interaffairs.ru), suy thoái tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục trong quý thứ hai liên tiếp. Mặc dù sự suy giảm về động lực kinh tế vẫn còn nhỏ – chỉ khoảng 0,1% GDP, nhưng một số chuyên gia cho rằng đây là khởi đầu của thời kỳ khó khăn ở phía trước. Với việc các chủ sở hữu nước ngoài bán phá giá trái phiếu của Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng nợ mới của Eurozone đang cận kề.

Tháng 6/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), giống như cách cơ quan này đã làm một thập kỷ trước vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Eurozone trước đó, cam kết sẽ “làm bất cứ điều gì cần thiết” để ngăn các nước yếu rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố mạnh mẽ của ECB, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia vẫn phản ứng thận trọng. Thứ nhất, về lâu dài, ECB khó có thể bảo hiểm vô thời hạn các khoản nợ mới. Thứ hai, vào mùa thu năm ngoái, ECB đã buộc phải thừa nhận rằng các ước tính của họ về động lực lạm phát đã bị sai sót nghiêm trọng.

Trên thực tế, ECB đã để lạm phát vượt tầm kiểm soát. Kể từ đó, cơ quan này đã phải vật lộn với một tình thế tiến thoái lưỡng nan gần như bất khả thi: kiềm chế giá cả tăng cao, đồng thời ngăn chặn nợ nần và khủng hoảng ngân hàng.

Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, EU đã chi hơn 2 nghìn tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Kết quả là, nợ của một số quốc gia thành viên đã tăng vọt lên mức cao nguy hiểm mới. Đến cuối năm ngoái, nợ của Hy Lạp lên tới 171,3% GDP, Italy: 144,4, Bồ Đào Nha: 113,9, Tây Ban Nha: 113,2, Pháp: 111,6%. Những con số này cao hơn đáng kể so với cuộc khủng hoảng năm 2010 của đồng tiền chung châu Âu. 

Các cuộc khủng hoảng nợ thường được kích hoạt bởi nỗi sợ vỡ nợ của người đi vay, khi chi phí đi vay tăng nhanh hơn khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của họ. Ngày nay, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đang nỗ lực hết sức để kiềm chế lạm phát đã hoành hành ở các nước phương Tây kể từ nửa cuối năm 2021.

Một yếu tố khác là giá nguyên liệu thô và thực phẩm tăng cao do những nỗ lực bóp nghẹt Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế. Chính sách của các ngân hàng trung ương dẫn đến việc tăng lãi suất thực tế mà các chính phủ phải trả cho các khoản nợ của họ, trong khi lạm phát làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất thực bắt đầu vượt quá tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, các chính phủ nguy cơ rơi vào nợ nần chồng chất.

Trong khi đó, mùa hè năm nay ở châu Âu đang trải qua giai đoạn nắng nóng kỷ lục, khi mà theo Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, “hai phần ba châu Âu phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 5 thế kỷ qua””. Thời tiết càng nóng, vấn đề cung cấp năng lượng càng gay gắt.

Những tác động tiêu cực của thiên tai đang trở nên trầm trọng hơn bởi những quyết định chính trị. Châu Âu đã ngừng mua than của Nga, tìm cách “trừng phạt Moskva liên quan đến xung đột ở Ukraine”. Cuối năm ngoái, họ đã cấm mua dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển. Cuối cùng, các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Nắng nóng và hạn hán một lần nữa nguy cơ gây thiệt hại mùa màng cũng như sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện và điện hạt nhân. Thời tiết nóng và khô thường đi kèm với thời gian dài không có gió khiến nguồn cung cấp từ các trang trại gió giảm đáng kể. Giá năng lượng và lương thực có thể tăng trở lại, dẫn đến một đợt lạm phát mới. Trong tháng 6 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất cơ bản lên 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 2001.

Sự kết hợp giữa giá cả và lãi suất ngày càng tăng chưa từng có trong lịch sử Eurozone đặt ra mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng nợ mới. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhận thức được mối nguy hiểm này, bằng chứng là lợi suất trái phiếu chính phủ của Eurozone ngày càng tăng.

Tóm lại, Eurozone đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc giảm mức nợ, vốn đã tăng vọt trong đại dịch cũng như từ kết quả của việc hỗ trợ tích cực cho Ukraine, và cho phép các nước thành viên đầu tư vào nền kinh tế của họ sau những tác động bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Kể từ năm 2010, cuộc chiến chống lạm phát thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã khiến một số quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu rơi vào suy thoái và khủng hoảng nợ công.

Với tình hình hiện tại, ECB và các nhà hoạch định chính sách trong Eurozone sẽ phải đưa ra những lựa chọn thậm chí còn khó khăn hơn, trong bối cảnh rất mong manh khi lãi suất tiếp tục tăng trong nửa cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo interaffairs.ru)
Nguồn: baotintuc.vn