Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức nói Trump gây áp lực về Iran

Ảnh minh họa: pixabay.com

Bộ trưởng Quốc phòng Đức xác nhận Trump dọa tăng 25% thuế ôtô để thúc đẩy các nước châu Âu tố Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

“Lời đe dọa này là thật”, Annegret Kramp-Karrenbauer, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nói trong cuộc họp báo hôm 16/1 ở London, Anh trong chuyến làm việc với người đồng cấp Ben Wallace về hợp tác quân sự hậu Brexit.

Lời xác nhận được bà Kramp-Karrenbauer đưa ra sau khi phóng viên hỏi về một bài báo nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bí mật cảnh báo Pháp, Đức và Anh rằng Mỹ sẽ áp “25% thuế xe châu Âu” nếu họ không kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 với Iran.

Trump từng dọa tăng thuế với châu Âu gần đây. Giới ngoại giao châu Âu khẳng định họ đã đưa ra quyết định về nguyên tắc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp vì Iran đã rút khỏi thỏa thuận trước đó, nhưng không tuyên bố chính thức theo đề nghị từ phía Trung Quốc.

Do đó, các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng lời đe dọa của Trump không ảnh hưởng đến việc châu Âu từ bỏ chính sách “níu kéo” thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Hôm 14/1, ba nước Anh, Pháp, Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp của thỏa thuận hạt nhân 2015, chính thức cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Trump thay thế thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran bằng một thỏa thuận mới, nhằm đảm bảo Tehran không phát triển vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau đó phản đối đề xuất này, tuyên bố Tehran đang làm giàu uranium vượt quá mức trước khi thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc năm 2015. “Áp lực gia tăng lên Iran nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tiến trình”, Rouhani phát biểu trên truyền hình Iran.

Sau vụ Mỹ hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 3/1, Iran tuyên bố bỏ mọi giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân.

Tehran đã rút dần cam kết trong JCPOA nhằm trả đũa việc Washington rút khỏi thỏa thuận này năm 2018 và áp các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Iran.

Nhật Duy (Theo Guardian)

Nguồn: vnexpress.net