Câu hỏi:
Tôi hiện đang hưởng Hartz IV, tuổi cao sức yếu, thỉnh thoảng lại phải về Việt Nam chữa đông y. Mới đây bên sở lao động mời lên yêu cầu tôi nộp đơn xin hưởng hưu non. Họ bảo, nếu không họ sẽ tự đệ đơn cho tôi. Thực ra lương hưu tôi dù về hưu đủ tuổi cũng chẳng được là bao, vài trăm Euro/tháng là cùng, kiểu gì cũng phải xin trợ cấp xã hội, tôi giải thích họ vẫn không chịu. Vậy xin hỏi tôi phải làm gì để được hưởng tiếp tiêu chuẩn Hartz IV. (TVT).
Trả lời:
Điều 12 a, Bộ luật Xã hội SGB II đưa ra các loại tiêu chuẩn xã hội được xếp theo thứ tự áp dụng ưu tiên cho từng đối tượng (vor- rangige Leistung), trích nguyên văn như sau: „Người được hưởng tiêu chuẩn xã hội có trách nhiệm đệ đơn xin cấp tiêu chuẩn xã hội khác, nếu như điều đó tránh được, xóa bỏ được, hoặc làm giảm nhu cầu đòi hỏi cần giúp đỡ. Khác với câu 1, người được hưởng tiêu chuẩn xã hội có trách nhiệm: 1. Tới tròn 63 tuổi, nhận hưởng hưu non vì lý do tuổi tác..“. Như vậy, Jobcenter đòi người hưởng Hartz IV tròn tuổi 63 đệ đơn xin hưởng hưu non (về hưu bắt buộc), hoàn toàn đúng luật, do tiêu chuẩn hưu non được xếp ưu tiên trước Hartz IV. Đây cũng là một chính sách gây tranh cãi, cho rằng chỉ là một thủ thuật nhằm mục đích làm đẹp con số hưởng Hartz IV thấp. Tuy nhiên áp dụng luật bao giờ cũng phải xét từng trường hợp cụ thể. Trường hợp Qúy độc giả TVT liệu có đúng không, có thể tham khảo các trường hợp ngoại lệ nêu dưới đây.
Bản chất lương hưu: Dùng để thay thế tiền lương lao động. Nó cũng được dùng để bảo đảm tài chính cho những người hưu non vì lý do tuổi tác hoặc sức khỏe không thể làm việc tiếp. Theo Điều 35-42 SGB VI, một khi đã nhận lương hưu non sẽ mất quyền hưởng Hartz IV, bất kể lương hưu bao nhiêu, về hưu ở độ tuổi nào. Tiền Hartz IV sẽ được trả cho tới tháng chuyển sang hưởng lương hưu. Nếu lương hưu non không đủ sống, người dưới 65 tuổi được quyền hưởng tiêu chuẩn trợ giúp cuộc sống (Hilfe zum Lebensunterhalt), trên 65 tuổi hưởng trợ cấp cơ bản cho tuổi già (Grundsicherung im Alter) theo Bộ luật SGB XII.
Quy định 58-ziger-Regelung. Quy định này được đưa ra trước năm 2007, nhằm bảo đảm cho người hưởng Hartz IV không phải đệ đơn hưởng hưu non, ngoại trừ trường hợp họ được hưởng nguyên lương hưu. Bởi với người về hưu ở 63 tuổi thay vì đủ tuổi 65, sẽ bị cắt 7,2% lương hưu. Với tuổi về hưu hiện quy định 67 tuổi sẽ bị cắt 14,4%. Quy định trên đã bị bãi bỏ từ năm 2008, thay bằng Điều 12 a SBG II nói trên.
Người hưởng Hartz IV từ chối về hưu bắt buộc. Khi đó, Jobcenter có thể đệ đơn thay. Trong số đó có những đối tượng như phụ nữ, người tàn tật, thất nghiệp lâu dài, sinh trước năm 1953 và những người đã có 35 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Họ buộc phải đệ đơn xin hưu non, dù bị khấu trừ lớn. Tuy nhiên có 2 nhóm hưởng Hartz IV có thể được ngoại trừ về hưu bắt buộc:
(1) Nhóm rơi và hoàn cảnh khó khăn quá mức chịu đựng nếu phải về hưu bắt buộc. Được điều chỉnh bởi luật Unbilligkeitsverordnung. Thuộc nhóm trên, gồm những người:
– Đang hưởng tiền thất nghiệp loại I nhưng phải đệ đơn xin thêm Hartz IV mới đủ sống. Họ được ngoại trừ chừng nào còn hưởng tiền thất nghiệp loại I. Bởi tiền thất nghiệp loại I được xếp hạng ưu tiên hưởng đầu tiên.
– Trong vòng 6 tháng tới, họ có thể được hưởng lương hưu toàn phần tức không bị cắt giảm dù về hưu non. Qúy độc giả TVT có thể kiểm tra độ tuổi của mình để áp dụng.
– Chừng nào họ còn làm thêm ở mức trên 450 Euro/tháng tức có đóng bảo hiểm bắt buộc hoặc có thu nhập kinh doanh tương đương. Thời gian lao động phải tối thiểu 15 giờ/tuần.
Chứng minh được rằng trong vòng 6 tháng tới có hợp đồng lao động toàn phần chắc chắn hoặc giấy đăng ký kinh doanh.
(2) Nhóm có những lý do đặc biệt, như: Không thuộc đối tượng có nhu cầu cần giúp đỡ, nhưng nằm trong hộ gia đình hưởng Hartz IV. Hoặc nếu phải hưởng hưu non sẽ phải đệ đơn xin trợ cấp xã hội, trong khi đó chỉ cần một thời gian nữa thì lương hưu đủ bảo đảm trang trải cuộc sống không cần xin trợ cấp.
Án lệ. Tòa án tiểu bang Brandenburg cũng đã đưa ra một danh sách cụ thể những dấu hiệu cần lưu ý khi xét ngoại trừ (án số: L 28 AS 2330/13 B ER). Theo đó, phải lưu ý thời gian và mức trợ cấp sẽ nhận, các khoản thu nhập sẽ có, hay thời gian kéo dài bệnh. Qúy độc giả TVT có thể trình lý do này để chống lại quyết định đòi về hưu bắt buộc của Jobcenter.
Khi bị đòi phải về hưu non. Trước hết cần gặp cơ quan hưu trí, để họ giải thích rõ có thuộc đối tượng buộc phải về hưu sớm hay không. Nếu có thì điều kiện như thế nào. Nếu câu trả lời có, thì kiểm tra lại mình xem có thuộc trường hợp ngoại trừ không. Nếu đúng thì phải đệ đơn chống lại quyết định của Jobcenter với lý do mình thuộc diện ngoại trừ. Sau đó cung cấp hồ sơ bằng chứng cho họ. Trong trường hợp câu trả lời không chắc chắn, thì tốt nhất vẫn cứ đệ đơn chống lại. Thời gian xét đơn vẫn được hưởng Hartz IV, cũng có nghĩa kéo dài được thời gian chờ hưởng hưu sớm, mức khấu trừ lương hưu nhờ đó thấp hơn.
Khi chống lại Jobcenter. Có Jobcenter không cho phép chống quyết định bắt buộc về hưu như mọi quyết định pháp lý, hay hành chính khác. Tuy nhiên đã bị Tòa án Xã hội NRW, án số L 19B371/09 AS ER bác bỏ. Nếu người hưởng Hartz IV không đệ đơn, Jobcenter cũng không được cho đó là lý do thiếu hợp tác, đe dọa cắt Hartz IV, mà họ chi có thể tự đệ đơn. Bởi đệ đơn tại một cơ quan công quyền khác, không thuộc khái niệm hợp tác quy định tại Điều 5 SGB II.
Theo án số B 4 AS 21/10 R của Tòa án Xã hội Liên bang, hay án số L 19 AS 544 B Er cuả Tòa án Xã hội tiểu bang NRW, Jobcenter cũng không được phép cắt tiêu chuẩn Hart IV với lý do ngài có thể hưởng lương hưu không còn thuộc diện cần giúp đỡ (nhưng thực ra chưa hưởng). Nghĩa là một khi người hưởng Hartz IV không chịu đệ đơn xin lương hưu hoặc chống lại quyết định về hưu bắt buộc, Jobcenter chỉ còn cách tự họ đệ đơn, không được phạt họ cắt giảm tiêu chuẩn.
Lẽ dĩ nhiên đơn chống lại không có tác dụng trì hoãn, hoặc tạm ngừng thủ tục đệ đơn xin lương hưu.
Nếu Jobcenter không trả lời đơn chống lại, hoặc bác bỏ đơn chống cho rằng không được phép (unzulässig) và tiếp tục đòi người hưởng Hartz IV phải đệ đơn xin hưu sớm, hay đòi mang hồ sơ liên quan tới để làm thủ tục, thì cần đệ đơn khẩn cấp tới toà án xã hội, yêu cầu ra án quyết nhanh (tức không mở phiên tòa xét xử). Tòa sẽ ra án quyết nhanh đòi Jobcenter phải tạm đình chỉ. Đệ đơn ra toà cũng cần thiết cả trong trường hợp nếu đơn chống bị Jobcenter từ chối và đe doạ sẽ kiện ra tòa. Đơn kiện trong trường hợp trên không cần luật sư, nghĩa là không mất phí tổn luật sư.
Chú ý: Trong thủ tục xin Hartz IV có thủ tục ký thỏa thuận hòa nhập lao động (Eingliederungsvereinbarung). Nếu trong thỏa thuận có điều khoản yêu cầu đệ đơn xin hưu sớm, thì không nên ký thỏa thuận này. Ai chẳng may ký, sẽ bị Jobcenter cắt giảm tiêu chuẩn Hartz IV nếu sau từ chối đệ đơn. Tuy nhiên nếu đã trót lỡ ký trong trường hợp này vẫn có thể đệ đơn khẩn cấp ra tòa chống lại. Tòa sẽ xem xét cả quyết định cắt giảm lẫn quyết định bắt buộc về hưu sớm.
Trần Nguyễn