Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Hy Lạp đòi Đức bồi thường từ thời Đức quốc xã: Công cụ hóa quá khứ

Ảnh: Trung Hiếu

Hy Lạp bỗng dưng xới lại quá khứ, đòi Đức bồi thường cho những tổn hại mà Đức quốc xã gây ra trong khi biết thừa Đức sẽ không chấp nhận. Vậy quá khứ đã được Athen công cụ hoá cho mục đích đối nội hay đối ngoại? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Chính phủ Hy Lạp đã chính thức gửi công hàm tới chính phủ Đức yêu cầu tiến hành đàm phán về việc Hy Lạp đòi Đức bồi thường cho những tội lỗi và tổn hại mà chính quyền nước Đức quốc xã đã gây ra cho Hy Lạp trong nửa đầu thế kỷ trước. Ngày 19/4 năm nay, quốc hội Hy Lạp đã thông qua hẳn một nghị quyết về việc này.

Phía Hy Lạp đã chính thức khui lại chuyện quá khứ với nước Đức trước khi đất nước này có cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 7/7 tới và sẽ có chính phủ mới. Lật lại chuyện cũ này giữa Hy Lạp và Đức không thể không ảnh hưởng tiêu cực tới nội bộ của cả EU và NATO mà hai nước là thành viên.

Phía Đức luôn cho rằng chuyện bồi thường này đã được xử lý ổn thoả và dứt điểm từ lâu, bằng Hiệp ước London về xoá nợ và hoãn nợ quốc tế, bằng Hiệp ước 4+2 về thống nhất nước Đức, và bằng việc nước Đức đã bồi thường 115 triệu Deutsche Mark năm 1960 cho Hy Lạp. Hy Lạp không nghĩ như vậy. Năm 2016, một ủy ban bao gồm các nhà sử học và chuyên gia đã nghiên cứu và đi đến kết luận là nước Đức còn phải bồi thường cho Hy Lạp khoảng 290 tỷ Euro.

Hy Lạp thừa biết rằng nước Đức sẽ không chấp nhận yêu cầu này vì như thế sẽ tạo tiền lệ chính trị, đạo lý và pháp lý rất phức tạp và vô cùng tai hại đối với Đức. Nhưng quá khứ vẫn được Hy Lạp công cụ hoá bởi nó rất đắc dụng cả về đối nội lẫn đối ngoại. Nó khiến nước Đức khó xử. Nó khuấy động chủ nghĩa dân tộc mà đảng phái chính trị nào ở Hy Lạp cũng muốn tận dụng và lợi dụng. Nó tạo thế cho Hy Lạp trong EU và NATO và trong quan hệ với các thành viên diện tai to mặt lớn trong hai tổ chức này. Nó giúp Hy Lạp tập hợp những nước có cùng chủ ý ở châu Âu. Nó cho thấy chuyện quá khứ vẫn còn phủ bóng xuống hiện tại và tương lai của EU và NATO.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam