Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Kenya ban hành lệnh cấm túi nhựa khắt khe nhất thế giới

Ảnh minh họa: pixabay.com

Kenya đã ban hành lệnh cấm sản xuất, mua bán hoặc sử dụng túi nhựa được cho là khắt khe nhất thế giới, với mức phạt tối đa là 40.000 USD hoặc 4 năm tù giam.

Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 28/8 và là nỗ lực của Kenya nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa. Trước đó, hơn 40 quốc gia khác cũng đã cấm toàn bộ, cấm một phần hoặc đánh thuế cao đối với các loại túi nhựa dùng một lần, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Rwanda và Italia.

Mỗi năm, có hàng triệu túi nhựa trôi dạt ra các đại dương, trói lấy chân rùa biển, ngăn cản chim biển săn mồi hoặc bị cá voi, cá heo… nuốt vào trong bụng rồi tích dần lại cho tới khi những loài vật này chết đói.

Chuyên gia hải dương học Habib El-Habr, người đang cộng tác với chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc ở Kenya, cho hay: “Nếu cứ tiếp tục như thế này, vào năm 2050, lượng chất dẻo (nhựa) trong đại dương sẽ nhiều hơn cả cá”.

Theo ông El-Habr, các loại túi nhựa sẽ mất từ 500 – 1.000 năm để phân hủy và sẽ dần có mặt trong chuỗi thức ăn của con người thông qua cá và nhiều loài động vật khác. Tại một số cơ sở giết mổ ở Nairobi (Kenya), có những con bò chứa tới 20 túi nhựa trong dạ dày.

“Đây là điều chúng tôi chưa từng thấy cách đây 10 năm, nhưng giờ thì gần như diễn ra hàng ngày” – bác sĩ thú y Mbuthi Kinyanjui cho biết khi đang chứng kiến nhân viên giết mổ vứt đi những chiếc túi nhựa lấy ra từ dạ dày của bò.

Lệnh cấm mới của Kenya cho phép cảnh sát chú ý tới bất cứ ai mang theo dù chỉ một túi nhựa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường Kenya Judy Wakhungu nói rằng cơ quan thực thi pháp luật muốn hướng tới các nhà sản xuất và cung cấp túi nhựa trước tiên.

Trong 10 năm qua, lệnh cấm trên đã được đệ trình, xem xét và sửa đổi tới 3 lần để có thể đưa vào áp dụng chính thức. Mặc dù vậy, không phải mọi người dân Kenya đều đồng tình với quy định mới.

Ông Samuel Matonda, người phát ngôn Hiệp hội các nhà sản xuất Kenya, cho biết: sẽ có 176 nhà sản xuất phải đóng cửa kéo theo 60.000 người mất việc làm, bởi Kenya là nước xuất khẩu chính túi nhựa cho các quốc gia khác trong khu vực.

“Hiệu ứng dây chuyền sẽ rất nghiêm trọng. Nó thậm chí sẽ ảnh hưởng tới những phụ nữ bán rau ở chợ: khách hàng của họ sẽ mang đồ mua được về nhà như thế nào?” – ông Matonda nhấn mạnh.

Được biết, một số chuỗi siêu thị lớn ở Kenya như Carrefour (Kenya) và Kamumatt (Pháp) đã bắt đầu thay đổi để tuân thủ lệnh cấm. Thay vì túi nhựa, khách hàng có thể lựa chọn chứa đồ bằng túi vải của siêu thị.

Theo Hồng Anh / thoidai.com.vn