Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Năm Tý may mắn ngàn đời

Năm Hợi đi qua năm Tý lại đến, quả là thời gian thấm thoát thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai. Mưa xuân đầy bụi, hoa đào ngậm nụ. Con heo “Kỷ Hợi” đang bàn giao thời gian cho con chuột “Canh Tý”.

Ít ai ngờ họ hàng nhà chuột lại đông đảo với hơn 20 họ và khoảng 20.000 loài. Riêng họ nhà chuột lớn và chuột nhắt (Critidae) đã chiếm đến 1/4 các loài động vật có vú ở Bắc Mỹ. 

Thành viên của họ này sống ở nhiều môi trường khác nhau, nhưng chúng hiếm khi xuất hiện ở nhà con người. 

Trong số đó có thể kể chuột chân trắng, chuột đồng, chuột rừng, chuột bông. Những con chuột lớn và chuột nhắt phá phách nhất – chuột nhà và chuột Na Uy – thuộc về một gia đình có quê hương ở châu Âu là Muridae.

Song đó là chuột ở nhà, còn chuột thời gian cứ 12 năm lại về một lần và chuột trong văn học và nghệ thuật đã sinh ra thì ở mãi với người. Nhất là trong văn học nó hiện thân cho rất nhiều thân phận. 

Trong các bài ngụ ngôn của La Fontaine có đến 10 bài về con chuột. Tác giả đã mượn chuột để răn đời: Mèo và chuột già, Người xà ích, Chú mèo và chú chuột, Trận ẩu đả giữa chuột và cầy, Hai con chuột – cáo và quả trứng, Hội đồng chuột, Sư tử và chuột, Chuột tỉnh và chuột quê, Chuột và sò, Chuột ẩn dật. 

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam, chuột cũng nhiều lần xuất hiện. Chữ “mèo chuột, chim chuột” đã thành tiếng chế giễu trong tình trường. Dân quê nơi đồng ruộng, ai chẳng biết bài hát châm biếm:

Lại có những câu: Đầu voi đuôi chuột; Chuột sa chĩnh gạo; Thứ nhất đom đóm vào nhà/ Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn; Chuột chù húp nước giấm; Mặt chuột kẹp; Ướt như chuột lột (hay lội); Hoài hồng ngâm cho chuột vọc; Chuột chê xó bếp không nằm; Cháy nhà ra mặt chuột; Chuột chạy cùng sào. 

Câu đố dân gian thì có: Bốn anh cùng ở một nhà/ Cùng sinh một giáp, cùng ra một hình/ Một anh thi đỗ cống sinh/ Một anh quỷ quái như tinh trong nhà/ Một anh tính nết xấu xa/ Một anh ăn vụng cả nhà đều nghe. (Đó là bốn loại chuột: chuột cống, chuột nhắt, chuột chù, chuột đồng).

Trong nghệ thuật tạo hình, bức tranh dân gian theo dòng tranh Đông Hồ vẽ một chú rể chuột thi đỗ vinh quy bái tổ với cảnh “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. 

Chú chuột bảnh chọe ngồi trên lưng ngựa, đầu đội mũ cánh chuồn, trông ra dáng chú rể quan vừa đi vừa ngoái lại nhìn cô chuột. Cô chuột ngồi kiệu hoa, vẻ đài các. Cả bầu đoàn thê tử nhà chuột cùng đi với đám rước lọng vàng tán tía này.

Trong khi đó ở phía trên tranh, đại diện cho gia tộc chuột là mấy em chuột đang phải khúm núm kẻ bê chim, người xách cá đến lo lót cho mèo. Mèo đang phồng má, trợn mắt, giương râu, múa vuốt ra uy dọa dẫm. 

Trên bức tranh có đề mấy hàng chữ: “Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí. Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu” (nghĩa là: Đám chuột dâng cá kêu: chí, chí, chí. Chú mèo giữ lễ kêu: meo, meo, meo). Cũng còn có hàng chữ nằm ở góc trái phía trên: “Tác lạc” (nghĩa là: làm vui) “Khôn khôn đá co dễ. Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời”.

Theo các cụ, bức tranh này có sự gợi tứ từ câu chuyện ngụ ngôn dân gian “Đám cưới chuột”, nội dung câu chuyện là: “Gia đình nhà chuột lo việc tác thành cho hai con. 

Chuột mẹ ngoài việc lo trăm công nghìn việc của nhà đám: những là lo xem tuổi cho cô dâu chú rể, xem “ngày lành tháng tốt” để ăn hỏi xin cưới… lại còn lo một việc quan trọng nữa là lo lễ lót cho bác quan mèo già, những mong mèo thể tất để cho công việc chu toàn. 

Ngày cưới hỏi, họ hàng nhà chuột tưng bừng, hoan hỉ trong nghi thức phong tục cổ truyền. Hôn lễ cử hành đầm ấm, khiêm nhường chứ không ầm ĩ, phô trương. 

Bi kịch không xảy ra trong ngày cưới của “đôi trẻ chuột”, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con. Vợ chuột vừa qua cơn “vượt cạn”, những tưởng “mẹ tròn con vuông”, ngờ đâu khi ấy là lúc mèo già xuất hiện bắt đi tất cả đám con của chuột”.

Nói đến cái hay của năm Tý, Nguyễn Đình Chiểu tiên sinh, tác giả cuốn Lục Vân Tiên, đã nhiều lần nói tới Tý và chuột. Khi Lục Vân Tiên từ giã tôn sư để lên đường đi thi, thầy dạy, như biết trước, đã bảo Vân Tiên rằng công danh đâu đã đến tay và phải mù đui khổ sở, đến năm Tý mới khá:

Số con hai chữ khoa kỳ,

Khôi tinh đã rạng tử vi thêm lòa.

Hiềm vì ngựa hãy còn xa,

Thỏ vừa ló bóng gà đà gáy tan.

Bao giờ cho tới Bắc phương,

Gặp chuột ra đàng con mới công danh.

Và đúng đến năm Tý, Lục Vân Tiên đã chiếm bảng vàng sau khi sáng mắt:

Nửa đêm nằm thấy Ông tiên,

Đem cho linh dược mắt liền sáng ra…

…Năm sau lệnh mở khoa thi,

Vân Tiên vào tạ xin đi tựu trường.

Trở về thưa với thung đường,

Kinh sư ngàn dặm một đường thẳng ra.

Vân Tiên dự trúng khôi khoa,

Đương trong Nhâm Tý thiệt là năm nay.

Nhớ lời thầy nói thật hay

Bắc phương gặp chuột con rày nên danh.

Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu đến năm Tý đã từ mù hóa sáng, từ lênh đênh khổ cực đến bảng vàng chói lọi, từ đất nước ngả nghiêng đến vững vàng như bàn thạch:

Nhà yên, nước trị, dân bình,

Muôn đời ghi để thơm danh lâu dài.

Còn cụ Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm tới năm Tý cụ nói: Chuột sa chĩnh gạo nằm chơi…

Vậy năm Tý sẽ là năm có nhiều may mắn!

Theo Vũ Thiên Văn / tuoitre.vn