Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nặng lòng chuyện “dâu rể tây ta”

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cách đây nhiều năm hội người Việt nơi tôi sống tổ chức một buổi tọa đàm về văn hoá trong đó có đề cập đến đề tài con cái lấy vợ, chồng Tây hay Việt và cái nào hay hơn.

Tôi đưa ra ý kiến cho rằng: Lấy ai cũng được miễn là con mình hạnh phúc. Nhiều người phản đối trong đó có một ông nói thẳng thừng ông không thích rể Tây, khác biệt văn hoá chỉ một phần, cái chính là mình thấy không thoải mái mà con mình lấy Tây là mất gốc, mất luôn con.

Vài người cũng cùng quan điểm này, thậm chí không kém phần gay gắt. Họ cho rằng lấy Tây thì người Tây biết bố mẹ họ hàng là ai, khi sống còn khi chết, giỗ chạp cũng biết gì nên bố mẹ mất rồi thành ma đói. Chuyện tưởng bình thường nhưng đây là vấn đề tâm linh rất nhạy cảm.

Còn nhiều ý kiến khác nữa nhưng tựu trung là muốn con cái “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”.

Dù vậy vẫn có những người cùng quan điểm rộng mở như tôi. Xét về tâm lý thì đúng thế, ai chả muốn „Ta về ta tắm ao ta” nhưng tình yêu có tiếng nói riêng không thể như bài toán để đưa ra lời giải. Thấm thoắt những ông bố bà mẹ tham gia buổi hội thảo đó giờ đã nhiều người lên ông lên bà. Trong đó có một chuyện tôi muốn kể, tuy không phải là tình trạng chung nhưng cũng là một ví dụ.

Gia đình anh H. là người quen của tôi. Anh Chị chỉ có một cô con gái. Đến tuổi trưởng thành cô bé vẫn không được tự do giao du với bạn bè đặc biệt là bạn Đức nhưng rồi “hoa đến thì hoa nở”. Cô bé yêu một cậu người Việt nam cũng được bố mẹ đón sang từ nhỏ như cô.

Tưởng mọi việc đều êm thấm như mong muốn của bố mẹ là có rể ta, nào ngờ cậu người yêu lại là con một gia đình mà họ từng có mâu thuẫn với nhau. Thế là cả hai bên đều ngăn cấm nhưng không được. Cô con gái có thai. Tưởng “gạo nấu thành cơm” rồi xin bố mẹ hai bên chấp nhận. Nhưng khổ nỗi hai gia đình lời qua tiếng lại xúc phạm nhau nên không ai chịu nhường ai. Cuối cùng nhà gái tự tổ chức đám cưới cho con. Nhưng sống với nhau được 5 năm có hai con thì bọn trẻ chia tay. Cô gái đưa con về nhà cho bố mẹ nuôi và sau một thời gian cô sống cùng một bạn trai người Đức. Ở với bạn Tây không cưới nhưng hiện giờ cô nói là mình hạnh phúc.

Trên đây chỉ là một trường hợp đặc biệt, nhưng thông gia Việt với nhau không phải ai cũng „thông gia là bà con tiên” cả. Khi bố mẹ hai bên có vấn đề thì bọn trẻ cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Đến nhà anh chị N. lại là trường hợp có dâu ta. Cậu con trai anh chị đã tốt nghiệp đại học, một lần về thăm bà ngoại, cậu đem lòng yêu một cô gái làm nghề cắt tóc. Bố mẹ cậu biết tin ra sức ngăn cấm nhưng cậu vẫn cưới và đưa vợ sang, giờ họ đã có một đứa con trai nhưng bố mẹ không nhận cháu và dâu, còn cô dâu cũng không cần nhìn bố mẹ chồng.

Anh chị N. mất ăn mất ngủ vì con, rồi quyết định là nhà cửa mọi thứ sau này không cho cậu cả một chút nào. Và cậu còn cũng không màng tới. Lý do anh chị N. đưa ra là con trai anh sẽ vất vả khi đón vợ từ Việt Nam sang. Sự khác biệt nhiều thứ sẽ không có hạnh phúc nhưng con chị không nghe theo phân tích của bố mẹ. Với chúng tình yêu mới là quan trọng nhất, nhưng gần đây cậu con trai chị lại tỏ ra hối hận vì đúng là sự khác biệt về nhận thức và văn hoá rất cần có thời gian để kiểm chứng. Cậu lớn lên ở bên này còn vợ thì ở nhà sang khác biệt là chuyện đương nhiên. Mà vất vả cũng là sự thật. Vợ không biết tiếng và văn hoá Đức, cậu ngoài việc đi làm nuôi vợ con còn thêm con ốm đau vợ cũng chẳng biết đường nào mà đưa đi khám. Tình yêu nhạt dần nhưng còn con cái lại cũng không muốn bố mẹ thấy mình thất bại nên cậu vẫn cố dấu cuộc sống căng thẳng của mình.

Bên cạnh đó thì các cặp vợ chồng trẻ Việt- Việt kết hôn cũng khá đông và không phải ai cũng gặp vấn đề. Cùng chủng tộc, cùng một nền văn hoá họ thực sự có những lợi thế đáng kể. Vì thế đấy là mong muốn của nhiều bố mẹ Việt và hoàn toàn hợp lý.

Giờ sang dâu, rể Tây, cô Kim là một ví dụ. Cô được bố đón sang khi mười tuổi. Học xong đi làm cô sống với một người bạn trai Đức nhưng chưa kết hôn dù đã có ba đứa con.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cô bảo cưới xin rất tốn kém và không cần thiết, không cưới không có nghĩa là không hạnh phúc. Hơn mười sáu năm sống cùng nhau họ vẫn yêu nhau như ngày đầu dù cả hai đều rất bận rộn. Bố mẹ cô và bố mẹ người yêu quý mến nhau. Họ cùng nhau tạo điều kiện và thay nhau chăm sóc các cháu, tôi thấy rất ổn.

Trường hợp V.A. con gái chị M., bạn tôi cũng lấy chồng Tây. Các cháu đã có hai con và bố mẹ hai bên đều vun đắp. Đôi vợ chồng trẻ Việt Đức hoà hợp không có vấn đề gì khúc mắc về văn hoá. Bạn bè cùng trang lứa cũng vậy, yêu thì lấy không phân biệt quốc tịch nào.

Cậu Đ., con bạn tôi lấy vợ Đức, họ cũng có hai con rồi, cô dâu cũng học những nấu những món ăn Việt để đãi bố mẹ chồng. Anh Chị khoe không có vấn đề gì. Trong khi đó có trường hợp vì bị bố mẹ ngăm cấm yêu người nước ngoài có cháu đã chọn con đường quyên sinh như tôi từng biết, thật đau lòng.

Nhìn vào thực tế thì nỗi lo của các bậc cha mẹ như đã nêu là không có căn cứ. Các con sinh ra ở Đức là tự nhiên thấm nhuần văn hoá Đức nhiều hơn văn hoá Việt và đấy là một thực tế chúng ta bắt buộc phải chấp nhận. Vậy làm sao để không chỉ con cái hoà nhập tốt và hạnh phúc trong hôn nhân mà bố mẹ cũng hoà cùng niềm hạnh phúc đó? Chúng ta đều biết sự lựa chọn trong hôn nhân là quyền của con nhưng khi bố mẹ không đồng thuận thì hạnh phúc của con cái cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Dâu, rể Tây ta đúng là không đơn giản trong suy nghĩ của nhiều người nhưng thực tế lại không có gì nghiêm trọng. Nếu ta biết dung hoà giữa hai nền văn hoá thì dâu, rể Tây ta sẽ không còn khoảng cách lớn. Đặc biệt là sự tôn trọng lẫn nhau và cư xử ý nhị cùng với tấm lòng rộng lượng thì khoảng cách sẽ rút ngắn rất nhiều.

Chuyện trò với các con thế hệ thứ hai, nhiều bạn trẻ nói họ vẫn hướng tới cội nguồn và mong muốn khi bố mẹ qua đời sẽ ở lại đây để họ hương khói chăm sóc mộ phần của bố mẹ như những gì người Việt vẫn làm. Tôi cảm nhận được dù kết hôn với ai thì dòng máu Việt vẫn còn chảy trong tim con cháu chúng ta. Vậy hãy vì hạnh phúc của các con và nhìn vào thực tế hơn là những lo lắng không có cơ sở như nhiều người đã suy nghĩ.

Mai Anh