Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới sẵn sàng cho nhiệm kỳ thứ tư?

“Đây có lẽ là cuộc đua bầu cử kỳ lạ nhất trong lịch sử”, một tờ báo Đức đã bình luận về cơ hội duy trì quyền lực thêm một nhiệm kỳ nữa của Thủ tướng Angela Merkel.

Bà Merkel, 63 tuổi, thường được ca ngợi là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, đã bước vào chiến dịch vận động tranh cử trong một bầu không khí khá yên bình. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng của nữ chính khách hiện tại đối với nước Đức và trên bình diện châu Âu vẫn có sự ổn định đến không ngờ.

Chỉ còn một tháng cho đến cuộc bầu cử cuối cùng, Thủ tướng Angela Merkel dường như đã sẵn sàng bước tiếp một nhiệm kỳ thứ tư với vai trò nhà lãnh đạo của một quốc gia được cho là ít muốn có một sự thay đổi, theo AFP.

“Merkel hoặc Merkel – có lẽ đó là lựa chọn duy nhất của nước Đức?”, một chương trình trò chuyện chính luận trên kênh truyền hình Đức đã mô tả như vậy, sau các cuộc điều tra dư luận cho thấy đảng Bảo thủ của bà Merkel đang rộng cửa thắng trước đối thủ là đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

“Thậm chí sau 12 năm chứng kiến sự lên ngôi của bà Merkel, quốc gia của chúng ta có vẻ như không có tâm trạng cho sự thay đổi”, tờ Die Welt viết trong một bài xã luận. “Mọi thứ đang đi quá tốt khiến cho người Đức chẳng thể có bất kỳ sự bất mãn sâu sắc nào với Chính phủ”, bài viết nhấn mạnh.

Thường được ca ngợi là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel đang bước đi một cách ung dung trên con đường chính trị vẫn còn thênh thang ở tuổi 63. Một nhân vật chính trị ổn định đến hiếm hoi trong thế giới đầy bất ổn với sự xuất hiện của Brexit, hay làn sóng dân túy đã giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Đã có những nhận định cho thấy, lãnh đạo SPD Martin Schulz – người đề ra cương lĩnh tranh cử đấu tranh cho một nước Đức công bằng hơn – sẽ là đối thủ khó lường của bà Merkel.

Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng cam kết của ông cho sự bình đẳng thu nhập hay nỗ lực đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng đang thất bại trong việc gây ấn tượng với dân chúng.

Sau một cuộc thăm dò với tỷ lệ ủng hộ đột biến hồi đầu năm nay mà báo chí gọi tên là “hiệu ứng Schulz”, sức hút của cựu ứng viên chủ tịch Nghị viện châu Âu một thời dường như đã phai nhạt dần. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy đảng Bảo thủ của bà Merkel đang nắm giữ tỷ lệ ủng hộ vào khoảng 38-40%, trong khi SPD chỉ có từ 22-25%.

Tuy nhiên, các nhà quan sát đã cảnh báo, các cuộc thăm dò chỉ mang tính chất tham khảo. Gần một nửa trong số toàn bộ cử tri Đức (46%) vẫn chưa đưa ra quyết định của mình, một cuộc điều tra do viện Allensbach công bố trong tuần này chỉ rõ. Trong khi đó, với lời thề sẽ chiến đấu “đến phút cuối cùng”, ông Schulz đã tăng cường các đòn công kích vào bà Merkel, cáo buộc nhà lãnh đạo đương nhiệm làm xói mòn nền dân chủ với việc từ chối diễn giải tầm nhìn phát triển cho nước Đức trong tương lai.

Trên thực tế, bà Merkel luôn từ chối tham gia “đối đầu” với đối thủ và thậm chí luôn thận trọng trong việc tránh nhắc đến tên đối thủ của mình mỗi lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Khi được hỏi liệu Thủ tướng Đức đã có một kế hoạch dự phòng trong trường hợp cuộc bầu cử không được như mong đợi, bà Merkel tự tin nói trong cuộc phỏng vấn với thời báo tài chính Handelsblatt rằng: “Tôi hoàn toàn tập trung vào chiến thắng”.

Đã có những lời cảnh báo về sự sụp đổ chính trị của nữ chính khách trong thời điểm cuộc khủng hoảng tị nạn lên tới đỉnh điểm vào năm 2015, khi gần 900.000 người tị nạn được cho phép vào nước Đức. Chính sách hào phóng đối với người tị nạn, bất chấp những tranh cãi về việc khủng bố có thể trà trộn vào châu Âu cùng làn sóng dân túy trỗi dậy, dường như đã không làm sứt mẻ hình ảnh uy tín của bà Merkel.

“Đây có lẽ là cuộc đua bầu cử kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Đức”, bình luận viên Heribert Prantl của tờ Sueddeutsche Zeitung bình luận. “Không có một gợn gió nào, không có bất kỳ ai quan tâm đến một cơn gió của sự thay đổi”. Nhiều nhà phân tích cũng đồng tình với quan điểm, nước Đức chuẩn bị đi qua một mùa bầu cử yên ắng đến khó tin, điều hiếm khi xảy ra đối với các quốc gia châu Âu trong vài năm trở lại đây. “Cuộc bầu cử Đức rất khó hiểu đối với bất kỳ ánh mắt quan sát nào từ bên ngoài, vì gần như không có sự phân cực nào”, nhà khoa học chính trị Timo Lochocki từ Quỹ German Marshall của Mỹ nói với AFP.

Nếu giành chiến thắng trong ngày 24/9 tới đây, với nhiệm kỳ đến năm 2021, bà Merkel sẽ đạt dấu mốc trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất ở châu Âu với 16 năm tại nhiệm – gấp đôi so với quy định tối đa hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ và dài hơn cả con đường chính trị của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Theo Quốc Anh / nguoiduatin.vn