Renia Spiegel bắt đầu viết nhật ký vào ngày 31/1/1939 mà không biết rằng ba năm sau mình sẽ qua đời khi vừa bước qua tuổi 18.
“Tôi muốn nói với ai đó về những nỗi lo lắng và niềm vui hàng ngày của mình, ai đó có thể cảm nhận tâm trạng của tôi, tin tưởng điều tôi nói và không bao giờ tiết lộ bí mật của tôi”, Renia giải thích lý do viết cuốn nhật ký từ trang đầu tiên.
Thiếu nữ Do Thái Renia sống cùng em gái Ariana ở nhà của ông bà tại Przemysl, thị trấn nhỏ phía đông nam Ba Lan vào thời điểm bắt đầu viết nhật ký, vài tháng trước khi Thế chiến II bắt đầu. Ở tuổi 15, Renia thầm thương Zygmunt Schwarzer, người cô “gọi yêu” là Zygu, hơn cô một tuổi. Chàng trai này là chủ đề chính trong cuốn nhật ký, với những bài viết bộc lộ cảm xúc đầy e thẹn của một thiếu nữ mới lớn.
Hai người đã trải qua nhiều tháng ngượng ngùng với nhau. Tới tối 20/6/1941, Zygmunt quyết định đẩy mối quan hệ lên một nấc thang mới khi cùng Renia trao nụ hôn đầu.
“Trời tối, chúng tôi không thể tìm thấy đường và lạc lối. Chuyện xảy ra quá đột ngột, bất ngờ, ngọt ngào và đầy lo sợ. Tôi không nói nên lời và bối rối khủng khiếp. Anh ấy nói: ‘Renuska, hãy trao anh một nụ hôn’. Trước khi tôi ý thức được, điều đó đã đến”, nhật ký có đoạn.
Hai ngày sau đó, Đức Quốc xã tuyên chiến với Liên Xô, chấm dứt hiệp ước không xâm lược lẫn nhau và đưa quân vào miền đông Ba Lan.
Đối với Renia, khi chiến tranh len lỏi vào cuộc sống thường nhật, tình yêu trở nên cần thiết, mang lại niềm an ủi mà cô vô cùng khao khát. “Số phận thật trớ trêu. Tôi và Zygu không chắc có thể sống sót. Nhưng khi đi dạo cùng anh ấy trên những con phố xa xôi, tôi cảm thấy hạnh phúc”, Renia viết trong nhật ký, vài tuần sau nụ hôn đầu.
Renia và cha mẹ của Zygmunt sau đó đều phải đi trốn để tránh bị đưa tới các trại tập trung giam người Do Thái do không có giấy phép lao động. Zygmunt đã tiếp quản cuốn nhật ký của Renia.
Những ngày tiếp theo, Zygmunt nỗ lực trong tuyệt vọng để cứu lấy “ba người quý giá nhất cuộc đời mình”, nhưng không thành công. Lính Đức Quốc xã cuối cùng tìm thấy nơi ẩn náu của ba người trên gác xép một ngôi nhà ở Przemysl.
“Ba phát súng! Ba mạng sống ra đi! Định mệnh đã đưa những người thân yêu nhất rời khỏi tôi. Cuộc đời của tôi chấm dứt rồi. Tất cả âm thanh tôi có thể nghe thấy chỉ là tiếng súng”, Zygmunt viết những dòng cuối cùng trong cuốn nhật ký. Renia bị phát xít Đức bắn chết vào ngày 30/7/1942, chưa đầy hai tháng sau khi cô tròn 18 tuổi.
Zygmunt bị đưa vào trại tập trung Auschwitz nhưng vẫn sống sót. Hiện chưa rõ cách ông cất cuốn nhật ký trước khi bị đưa vào trại và làm thế nào ông lấy lại được nó vào những năm 1950.
Sau khi thoát khỏi Auschwitz, Zygmunt tìm đường tới New York, nơi mẹ và em gái của Renia sinh sống và trao cuốn nhật ký cho họ. Ariana, em gái của Renia, đã đổi tên thành Elizabeth Bellak và hiện 88 tuổi. Bà cất cuốn nhật ký trong một hộp ký gửi an toàn suốt nhiều thập kỷ bởi không đủ can đảm để đọc.
“Renia đảm nhiệm thay vai trò mẹ chúng tôi khi bà ấy ở xa. Mỗi khi mở cuốn nhật ký tôi đều khóc vì có quá nhiều cảm xúc”, bà Bellak cho biết, kể thêm rằng Renia yêu thích sáng tác thơ và đã giành được nhiều giải thưởng trước chiến tranh.
Alexandra Renata Bellak, con gái của bà Bellak, là người nhận ra giá trị của cuốn nhật ký. Hồi năm 2014, cô tới gặp đạo diễn người Ba Lan Tomasz Magierski và nhờ ông giúp tìm kiếm một nhà xuất bản. Ông không những giúp Alexandra xuất bản sách, mà còn sản xuất một phim tài liệu có tên “Những giấc mơ tan vỡ” dựa trên cuốn nhật ký. Bộ phim được công chiếu tại một rạp ở Ba Lan hôm 18/9. Toàn bộ 700 trang nhật ký cũng đã được xuất bản tại 13 quốc gia, trong đó có Anh, Đức, Nga và Mỹ.
Nhà sử học Alexandra Garbarini, giáo sư tại Đại học Williams, bang Massachusetts, Mỹ, cho biết câu chuyện của Renia khá đặc biệt. “Tài liệu này cho thấy cuộc sống của một thiếu nữ trước và trong chiến tranh, cho tới khi cô phải tới sống ở khu biệt cư của người Do Thái và bị xử tử. Nó vô cùng hoàn hảo”, giáo sư giải thích.
Theo nhiều khía cạnh, Renia được coi là đại diện của hàng chục nghìn thiếu nữ sống cùng thời và bị tước đi mạng sống trước khi có thể tận hưởng trọn vẹn tuổi trẻ và mối tình đầu của họ. Cuốn sách về Renia còn được ví như phiên bản khác của Nhật ký Anne Frank, cô gái người Đức gốc Do Thái qua đời trong cuộc tàn sát Holocaust của phát xít Đức.
“Họ là hai người trẻ tuổi đã cứu lấy chính mình khỏi sự khủng khiếp của chiến tranh nhờ tình yêu sâu sắc dành cho nhau”, Marcel Tuchman, người kết bạn với cả Renia và Zygmunt trong thời chiến, trả lời phỏng vấn hồi năm 2016.
Ông Tuchman vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Zygmunt sau khi cả hai bị đưa tới Auschwitz, cùng sống sót và di cư sang Mỹ, nơi họ trở thành bác sĩ. Zygmunt mất năm 1992 ở tuổi 69 và Tuchman qua đời năm 2018 khi 97 tuổi.
Mitchell Schwarzer, con trai của Zygmunt, cho biết cha mình bị ám ảnh bởi cuốn nhật ký khi sao chép ra nhiều bản và đọc chúng suốt hàng giờ. “Vào một ngày nọ ông ấy nói với tôi rằng: ‘Nhìn này, đây là nhật ký của mối tình đầu của bố. Chúng ta từng vô cùng gần gũi. Cô ấy là bạn tâm giao của bố'”, Mitchell kể lại.
Bà Bellak cho biết Zygmunt từng nói rằng “quá khứ không lùi xa mà hiện diện trong trái tim của chúng ta, cũng như những hành động và bài học chúng ta dạy cho con cháu”.
“Zygmunt đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc với Gienia, một người Do Thái tới từ Ba Lan khác. Ông ấy không bao giờ quên chị gái tôi”, bà Bellak nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Nguồn: vnexpress.net