Dư luận Đức dự đoán rằng bà Merkel sẽ sớm rời ghế Thủ tướng. Về chính thức, Thủ tướng Angela Merkel muốn hoàn thành nhiệm kỳ của mình vào năm 2021. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường đang có nhiều kịch bản được cân nhắc để giúp bà Annegret Kramp-Karrenbauer có thể tiếp quản chức vụ này.
Theo truyền thống ở Đức, Quốc hội sẽ quyết định ai là người kế nhiệm chức Thủ tướng. Trên thực tế, bà Merkel gần như không tham gia vào các chiến dịch tranh cử của CDU trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu. Bà Merkel có vẻ như đã có một quyết định mang tính lý trí khi không can thiệp vào công việc của bà Kramp-Karrenbauer, để người kế nhiệm có thể đưa ra chương trình nghị sự và tìm kiếm sự ủng hộ của riêng mình.
Bà Kramp-Karrenbauer đã đưa ra những mục tiêu chính sách riêng và mong muốn định hình lại đường hướng của CDU. Bà có quan điểm bảo thủ hơn Thủ tướng Merkel trong các vấn đề như nhập cư, hôn nhân đồng tính và hội nhập trong Liên minh châu Âu.
Bà Kramp-Karrenbauer nhận được ủng hộ của các nhóm bảo thủ hơn trong CDU, bao gồm ông Friedrich Merz, người từng thất bại với khoảng cách sít sao trong cuộc bầu cử vào ghế Tổng thư ký CDU hồi năm ngoái. Từng là đối thủ, giờ đây ông Merz và bà Kramp-Karrenbauer đang hợp tác với nhau, có vẻ như rất chặt chẽ, ví dụ trong các chiến dịch tranh cử Nghị viện châu Âu. Ông Merz đã bày tỏ mong muốn trở thành một Bộ trưởng trong Chính phủ của bà Kramp-Karrenbauer nếu bà trúng cử Thủ tướng.
Đại liên minh cầm quyền – bao gồm CDU/CSU và đảng trung tả SPD vẫn chiếm đa số ở Quốc hội. Tuy nhiên, SPD đã tuyên bố sẽ không ủng hộ bà Kramp-Karrenbauer kế nhiệm chức Thủ tướng. SPD muốn ngăn cản việc bà Merkel rời nhiệm sở sớm để mở đường cho bà Kramp-Karrenbauer, vì việc này sẽ mang lại lợi thế cho bà trước thềm cuộc bầu cử quốc gia năm 2021.
Việc này khiến cho đại liên minh đứng trước nguy cơ tan vỡ dẫn đến khả năng bầu cử sớm. Đó là kịch bản mà SPD, vốn đang bị sụt giảm tỷ lệ ủng hộ (hiện đang ở mức 17%, giảm 3 điểm so với cuộc bầu cử trước), chắc chắn không mong muốn. Tuy nhiên các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, CDU nhiều khả năng cũng phải đối mặt với tỷ lệ giảm sút tương tự nếu xảy ra bầu cử sớm. Như vậy, hai đảng lớn nhất của Đức sẽ không có đủ số ghế cần thiết để thành lập liên minh.
Thay vào đó, bà Kramp-Karrenbauer có thể thúc đẩy liên minh với Đảng Dân chủ Tự do – (FDP) và Đảng Xanh – điều gần như đã xảy ra sau cuộc bầu cử năm 2017. Ba đảng đã đàm phán trong hai tuần cho đến khi FDP rút lui. Tuy nhiên, sau hai năm, có thể Đảng Xanh sẽ ngần ngại tham gia liên minh với CDU. Tỷ lệ ủng hộ đảng này đang gia tăng và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Đảng Xanh có thể đạt 20% số phiếu. Do đó, họ có thể sẽ mong muốn các cuộc bầu cử mới.
Trên thực tế, có thể SPD sẽ chính là người quyết định bà Merkel sẽ ở lại bao lâu. Thỏa thuận liên minh nói rằng, các đảng tham gia sẽ đánh giá Chính phủ khi hoàn thành nửa nhiệm kỳ, sau đó sẽ quyết định tiếp tục hay giải thể. SPD sẽ đưa ra quyết định trong hội nghị của Đảng vào tháng 12 tới. Quyết định sẽ phụ thuộc vào việc các cuộc bầu cử địa phương, cũng như bầu cử EP, sẽ diễn ra như thế nào.
Nếu SPD gặp khó khăn trong các cuộc bầu cử này thì sẽ càng làm gia tăng tiếng nói phản đối liên minh với CDU, dẫn tới khả năng một cuộc bỏ phiếu về việc rút khỏi liên minh. Nếu điều đó xảy ra thì đó sẽ là dấu chấm hết cho nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Merkel. Mặc dù bà Merkel có thể đàm phán lại với FDP và Đảng Xanh về việc lập liên minh, nhưng kịch bản này khó mang lại kết quả. Bà Kramp-Karrenbauer có thể sẽ tiếp quản chức Thủ tướng từ bà Merkel trước năm 2020.
Nguồn: baoquocte.vn