Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những điều cần biết về bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp (Betriebshaftpflichtversicherung)

Ảnh: pixabay.com

TBVĐ- Betriebshaftpflichtversicherung – còn gọi là Gewerbehaftpflichtversicherung – là bảo hiểm dành cho những rủi ro có thể gặp phải trong kinh doanh.

Bất cứ doanh nghiệp nào kinh doanh các ngành dịch vụ liên quan đến khách hàng đều cần đóng Betriebshaftpflichtversicherung. Bởi vì trong quá trình làm việc, giao tiếp với khách hàng, phục vụ hay chuyển hàng cho khách, thuê địa điểm kinh doanh của người khác … đều có thể xảy ra những rủi ro mà chủ doanh nghiệp không lường trước được, dẫn đến việc phải bồi thường thiệt hại cho khách hoặc đối tác.

Giảm gánh nặng bồi thường cho doanh nghiệp

Những mức đền bù này đôi khi vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp vì có thể lên đến con số hàng triệu Euro, dẫn đến việc phá sản. Nhưng nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm Betriebshaftpflichtversicherung, thì bảo hiểm này sẽ thay mặt họ thanh toán các mức đền bù đó.

Bảo hiểm Betriebshaftpflichtversicherung bao gồm những khoản bồi thường cho khách hàng trong trường hợp (1) bị thiệt hại về sức khỏe như gây ra thương tích, dị ứng thực phẩm hoặc phụ gia, thậm chí là tử vong, (2) bị thiệt hại về vật chất, ví dụ khi người làm trong doanh nghiệp làm hỏng vật dụng thuộc sở hữu của khách hàng hoặc khi phải tu sửa địa điểm kinh doanh thuê lại của người khác, (3) thiệt hại tài sản do thiệt hại sức khỏe hoặc thiệt hại vật chất gây ra và (4) thiệt hại môi trường, ví dụ khi chất thải từ doanh nghiệp gây ô nhiễm các vùng đất của thành phố hoặc dân cư, ô nhiễm sông hồ hoặc nguồn nước, bảo hiểm này sẽ thay doanh nghiệp chi trả cho các biện pháp lọc rửa, trùng tu.

Mức phí là bao nhiêu?

Các mức phí bảo hiểm trách nhiệm được tính tùy theo nhu cầu và từng hình thức doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp thuê nhân công phục vụ khách hàng (như quán ăn, tiệm nail …) khác với doanh nghiệp chỉ cần ngồi làm việc bằng máy tính (như thiết kế trang mạng, quảng cáo … ). Cần xem xét 4 yếu tố: công việc chính của doanh nghiệp (Betriebsart), số lượng người làm (Betriebsgröße), thu nhập hàng năm (erwirtschafteter Jahresumsatz) và phần mình đăng ký tự trả (Selbstbehalt). Mức tự trả càng cao thì mức phí bảo hiểm càng thấp. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là trong trường hợp rủi ro, bảo hiểm sẽ chỉ phụ giúp một phần.

Trên các trang mạng trực tuyến như www.finanzchef24.de hay www.gewerbeversicherung.de đều có chương trình so sánh mức bảo hiểm của các hãng khác nhau, dao động từ 5€/tháng đến vài trăm Euro/năm. Trang finanzchef24 khuyên các doanh nghiệp chọn mức bồi thường mà bảo hiểm nhận trả (Deckungssumme) trong trường hợp thiệt hại sức khỏe và vật chất phải tối thiểu là 3 triệu Euro. Thêm vào đó có thể kết hợp bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp với bảo hiểm thiệt hại tài sản (Vermögensschadenhaftpflicht) hoặc với bảo hiểm trách nhiệm tư nhân (Privathaftpflicht). Bảo hiểm này cho đến nay mới chỉ có hiệu lực trong khu vực các nước thuộc khối Châu Âu (ví dụ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu), chưa dành cho các châu lục khác như Châu Á hay Mỹ.

Khi nào doanh nghiệp được hỗ trợ?

Nhiều rủi ro xảy ra cần đến sự hỗ trợ của Betriebshaftpflichtversicherung. Ví dụ một khách hàng chọn ăn món nấm vào bữa trưa trong một nhà hàng của Đức. Không ngờ nấm đã bị hỏng, khách hàng bị ngộ độc thực phẩm và phải điều trị một thời gian dài. Bảo hiểm Y tế của người khách yêu cầu nhà hàng phải chịu toàn bộ phí điều trị, đồng thời khách hàng đòi bồi thường sức khỏe. Bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp của nhà hàng này đã chi trả cho cả 2 phần.

Một trường hợp khác, nữ thợ của một tiệm làm tóc đến nhà một khách hàng cao tuổi để giúp bà cắt tóc. Khi đỡ bà khách đứng lên từ ghế sa-lông, cô vô tình đẩy đổ tủ kính trưng bày nhiều cốc pha lê và các hình thú làm từ thủy tinh. Một số thứ bị vỡ. Bà khách yêu cầu bồi thường. Bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp của tiệm làm đầu đã nhận chi trả cho cô thợ.

Hay như trường hợp người quản lý nhà (Hausmeister) nhận nhiệm vụ sửa sang khu vực cầu thang. Không ngờ ông bị làm mất chìa khóa, phải thay mới toàn bộ. Chủ nhà yêu cầu ông phải chịu mọi phí tổn. May mắn là người quản lý nhà có đăng ký doanh nghiệp hành nghề tư nhân và đóng phí bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp phối hợp với thiệt hại chìa khóa (Schlüsselschäden) nên ông được bảo hiểm này thay mặt trả tiền.

Một ví dụ cũng từng xảy ra khác là tại đại sảnh của một hãng bảo an vừa được lau chùi láng bóng, người làm vệ sinh lại quên không đặt biển báo “cẩn thận trơn”, không ngờ khiến một người khách bị trượt chân ngã. Đáng tiếc là cú ngã khiến người khách phải trải qua nhiều cuộc giải phẫu nhỏ. Bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp của hãng bảo an này đã nhận trả mọi chi phí.

Ngoài ra còn rất nhiều những trường hợp khác như thợ máy lắp sai phụ kiện máy móc khiến cả cỗ máy không thể hoạt động, hàng hóa bị đổ vỡ và hỏng trong khi di chuyển, khách hàng bị dị ứng với một chất phụ gia nào đó không được ghi chú, thợ làm nail sai qui trình khiến khách hàng bị nấm trong móng tay v.v… đều là những rủi ro xảy ra mà bảo hiểm trách nhiệm doanh nghiệp nhận bồi thường thay chủ doanh nghiệp.

Cẩm Chi