TBVĐ- Mỗi quốc gia đều có bản sắc văn hóa riêng. Nếu sinh sống tại quốc gia khác, chúng ta nên hiểu thêm về phong tục tập quán, thói quen, lối sống tại đất nước đó để nhập gia tùy tục và không bị sốc khi tiếp xúc với người bản xứ.
– Nghe điện thoại: Khi bắt điện thoại, người Đức không nói „Alo“ như người Việt mà xưng họ, ví dụ: „Müller xin nghe“.
– Xì mũi (Naseputzen): Người Đức xì mũi nơi công cộng, trong buổi nói chuyện, thậm chí trong bữa ăn và không bị xem là mất lịch sự hay thô lỗ.
– Nôi tiếp nhận trẻ sơ sinh (Babyklappe): Babyklappe hay còn gọi là Babynest, Babyfenster có từ thế kỉ 12, được đặt ở nhiều thành phố lớn như Hamburg, Dresden, Leipzig…nhằm ngăn chặn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thậm chí bị giết. Có 2 cửa, một cửa mở ra ngoài và một cửa bên trong. Chuông báo động sẽ rung lên khi trẻ được đặt vào.
– Mua thuốc tránh thai phải có đơn bác sỹ
-Yêu chó mèo như con: Ở Đức, số lượng mèo nhiều ngang số trẻ em. Không khó gặp các cặp đôi dắt chó đi dạo thay vì đẩy xe nôi. Đôi khi tiền mua thức ăn cho chó mèo còn đắt hơn cả cho người. Tại Đức, tuyệt đối không được ăn thịt chó mèo.
– Nhà vệ sinh cho chó (Hundeklo): Tại một số thành phố có cả nhà vệ sinh cho chó để tránh làm bẩn môi trường xung quanh.
– Phải dọn dẹp „sản phẩm“ của thú cưng: Khi dắt chó đi dạo, người chủ thường mang theo một vài bịch nilon để dọn „sản phẩm“ của thú cưng. Nếu không thực hiện có thể bị phạt tiền.
– Thuế nuôi chó Hundesteuer: Những người nuôi chó đều phải đóng thuế Hundesteuer. Mức thuế tùy từng địa phương và loại chó. Loại chó càng nguy hiểm, thuế càng cao. Thuế nuôi những con chó tiếp theo cao hơn con đầu tiên. Ví dụ: Leipzig thu 96 Euro tiền thuế nuôi con chó đầu tiên, mỗi con tiếp theo phải đóng 192 Euro.
– Ngày chủ nhật yên tĩnh (Ruhetag): Đối với người Đức, chủ nhật là ngày nghỉ ngơi, yên tĩnh. Tất cả các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa (trừ hàng ăn và một số cửa hàng bánh mì). Mọi người thường mua đồ ăn và những đồ dùng cần thiết vào thứ 7. Chỉ vào các dịp đặc biệt của thành phố như lễ hội, chợ Giáng sinh, cửa hàng mới được phép mở cửa chủ nhật (verkaufsoffener Sonntag). Người dân cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, nên mọi hoạt động gây ra tiếng ồn như khoan tường, cắt cỏ, mở nhạc lớn đều bị cấm. Nếu vi phạm có thể bị phạt đến 50.000 Euro.
– Giờ yên tĩnh (Ruhezeit): Ngày chủ nhật là ngày yên tĩnh. Các ngày còn lại trong tuần, không được gây ra tiếng ồn lớn từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng. Nếu vi phạm, có thể bị phạt hành chính nặng.
– Không tổ chức hay chúc mừng sinh nhật sớm: Người Đức quan niệm chúc mừng sinh nhật sớm sẽ đem lại xui xẻo. Do đó, không nên tặng quà hay chúc mừng sinh nhật người Đức sớm.
– Bãi tắm khỏa thân: Ở Đức, có một số bãi tắm khỏa thân (FKK- Freikörperkultur). Ở những bãi tắm này, mọi người thoải mái khỏa thân, bất kể tuổi tác, giới tính.
– Mất tiền để có làn da nâu: Tại Đức rất khó kiếm kem làm trắng da, đa số chỉ có kem làm nâu da. Đối với người Đức, da nâu là biểu tượng của sự xa hoa, cho thấy người đó có tiền du lịch tại những đất nước xa xôi, có thời gian tắm nắng. Trái ngược với quan niệm về sự nghèo khổ, lam lũ ở Việt Nam.
– Ăn sạch đĩa: Người Đức luôn cố ăn hết phần để tránh lãng phí thức ăn. Khi có tiệc, họ chuẩn bị thức ăn vừa phải chứ không thừa mứa. Ăn sạch đĩa còn thể hiện món ăn ngon. Trong khi đó, người Việt thường có thói quen để lại một chút đồ ăn trên đĩa, cho thấy mình đã no bụng. Nếu ăn sạch đĩa, người khác có thể hiểu bạn vẫn còn đói.
– Hạn chế phát ra tiếng động khi ăn: Người Đức đặc biệt kị vừa ăn vừa nói. Họ không trò chuyện rôm rả, mà chỉ tập trung vào ăn uống.
– Nước lọc có ga: Nếu đi nhà hàng gọi một cốc nước, thông thường phục vụ sẽ mang cho bạn một cốc nước có ga. Do đó, nên nói rõ đặt nước không ga.
– Bia rẻ hơn nước: Người Đức uống rất nhiều bia. Có nhiều loại bia đa dạng và giá rất rẻ, đôi khi còn rẻ hơn nước lọc.
– Tiền vỏ chai (Flaschenpfand): Để tránh vứt rác bừa bãi, đa số vỏ chai ở Đức bị tính tiền đặt cọc. Sau khi trả vỏ ở máy tự động, khách sẽ nhận được phiếu thanh toán nhận lại tiền. Tiền vỏ dùng một lần là 25 Cent, vỏ tái sử dụng 15 Cent và vỏ bia 8 Cent. Đôi khi tiền đặt cọc vỏ đắt hơn tiền nước. Nhiều người vô gia cư, thu nhập thấp chuyên đi gom vỏ chai ở thùng rác.
– Phân loại rác (Mülltrennung): Người Đức rất ý thức trong việc phân loại rác. Mỗi khu nhà thường có 4 loại thùng rác với 4 màu khác nhau: xanh lá cây, vàng, xanh da trời, đen. Những chai lọ không mất tiền đặt cọc không được ném vào thùng giác gia đình, mà mang ra thùng rác dành riêng cho chai lọ, đặt ở xa nhà hơn. Có 3 loại thùng dành cho chai lọ màu trắng, xanh và nâu. Ngoài ra không được ném vào chủ nhật, ngày lễ và giờ yên tĩnh, tránh gây ồn cho người dân xung quanh.
– Thùng thu gom quần áo, giày dép cũ: Thùng được đặt ở nhiều nơi trong thành phố, dành cho những người muốn quên góp quần áo, giày dép cũ, chật cho các tổ chức từ thiện.
– Xử lý khi va vào xe khác: Nếu vô tình làm xước xe khác mà không có chủ xe ở đó, người Đức thường để lại tên, số điện thoại để liên lạc.
– Lấy xe hàng tại siêu thị: Khi đi siêu thị, đừng quên mang theo đồng xu 50 Cent, 1 Euro hoặc 2 Euro để lấy xe hàng. Nếu không có xu, không thể lấy xe.
– Túi nilon phải trả tiền: Khi đi siêu thị, ngoài mang theo xu, nên mang theo túi đựng đồ. Nếu quên, bạn sẽ phải mua, giá dao động từ 10 Cent đến gần 2 Euro. Từ năm 2016, nhiều cửa hàng bắt đầu thu tiền túi.
– Túi quà chào lớp 1 Schultüte: Vào ngày nhập học lớp 1, mỗi đứa trẻ được bố mẹ tặng một túi quà hình nón, bên trong chứa bánh kẹo, đồ chơi.
– Giơ ngón tay giữa bị phạt tiền: Hành động này được xem là hình thức lăng mạ nặng nề, có thể bị phạt tiền từ 600 đến 4000 Euro, tùy thu nhập.
– Danh từ dài vô tận: Về lý thuyết, danh từ của Đức có thể ghép vô tận. Từ dài nhất thế giới do kỉ lục Guiness ghi nhận là từ tiếng Đức, gồm 63 kí tự: “Rindfleischetikettierungsüberwachungsaufgabenübertragungsgesetz”. Cho đến năm 1996, từ dài nhất tiếng Đức là „Donaudampfschifffahrtselektrizitätenhauptbetriebswerkbauunterbeamtengesellschaft“ (80 kí tự), cũng được ghi vào kỉ lục Guiness. Tuy nhiên, từ này không có nghĩa trên thực tế nên bị gạch bỏ. Từ năm 2003 đến 2007 „Grundstücksverkehrsgenehmigungszuständigkeitsübertragungsverordnung“ với 67 kí tự, được xem là từ dài nhất tiếng Đức nhưng hiện cũng bị xóa đi.
– Cách tính phút: Người Đức thường tính phút dựa theo giờ sắp tới. Chẳng hạn: 6:30 là halb sieben 6:15: Viertel Sieben.
Bảo Quốc (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin mới nhất về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!