Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những giờ dẫn đến quyết định Trump hủy họp với Kim Jong-un

Ảnh minh họa: https://pixabay.com/

Sau nhiều nghi ngờ về ý đồ của Kim Jong-un, Trump tối 23/5 tức giận trước tuyên bố của Triều Tiên và ra quyết định hủy họp vào hôm sau.

Trump ngày 24/5 hủy kế hoạch họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vốn được ấn định vào ngày 12/6 tại Singapore. Tại Nhà Trắng, những tín hiệu đầu tiên cho quyết định này đến vào khoảng 22h ngày 23/5, khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton nói với Trump về việc Triều Tiên đe dọa “chiến tranh hạt nhân” và chế nhạo Phó Tổng thống Mike Pence là một “gã đần chính trị”.

Pence nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần rằng “mô hình Libya” sẽ được áp dụng với Triều Tiên nếu Kim không đồng ý phi hạt nhân hóa. Các phụ tá cho biết ý kiến ​​của Pence không phải là nỗ lực để phá hoại kế hoạch họp thượng đỉnh. Họ nói rằng ông và Trump đã nói chuyện trước cuộc phỏng vấn và rằng Phó tổng thống nhắc lại những điểm mà Trump từng đưa ra.

Trump bực bội trước các tuyên bố mới của Bình Nhưỡng. Bolton tư vấn cho Trump rằng ngôn ngữ đe dọa của Triều Tiên là một dấu hiệu rất xấu. Tổng thống nói với các cố vấn rằng ông lo ngại Kim Jong-un có thể đang tìm cách rút khỏi hội nghị thượng đỉnh và làm cho người Mỹ trông giống như “những người theo đuổi tuyệt vọng”, các nguồn tin Nhà Trắng cho biết, theo Washington Post.

Sáng 24/5, các quan chức cao cấp Mỹ tụ tập ở Cánh Tây vào lúc 7h và thảo luận về các phương án qua điện thoại với Trump, người vẫn ở trong phòng riêng. Tổng thống sau đó nhanh chóng ra quyết định hủy họp thượng đỉnh. Một loạt cố vấn, bao gồm Bolton, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, thư ký báo chí Sarah Sanders, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mira Ricardel gấp gáp hoàn thiện kế hoạch để thông báo tin tức này. Trump viết một lá thư riêng cho Kim Jong-un, đổ lỗi cho ông này vì “sự tức giận và thù địch công khai trong tuyên bố gần đây nhất” của Triều Tiên.

Các phụ tá cho biết động thái của Trump khiến Hàn Quốc và các đồng minh khác bất ngờ. Tổng thống đã lo ngại rằng tin tức sẽ bị rò rỉ nếu các đối tác nước ngoài được thông báo trước, nhưng một số người trong Nhà Trắng lo rằng nếu không làm vậy thì các đồng minh sẽ phật lòng. Cuối cùng, các nhà ngoại giao nước ngoài nhận được tin hội nghị thượng đỉnh bị hủy cùng lúc với công chúng, vào thời điểm trước 10h, khi Nhà Trắng gửi một bản sao lá thư của Trump cho các phóng viên.

Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, dường như đã thể hiện sự bối rối khi trả lời phóng viên. “Chúng tôi đang cố gắng hiểu chính xác ý ông Trump là gì”, phát ngôn viên cho biết.

Trump đưa ra tuyên bố khi một số nhà báo Mỹ đang ở Triều Tiên theo lời mời đến chứng kiến ​​việc phá hủy điểm thử hạt nhân. Phóng viên CNN Will Ripley là người đọc bức thư của Trump cho các quan chức Triều Tiên. Anh miêu tả khoảnh khắc đó rất gượng gạo và không thoải mái. “Đó là một cú sốc thực sự”, Ripley cho biết. “Họ ngay lập tức đứng dậy, rời đi rồi gọi điện thoại để báo cáo lên cấp trên”.

Nghi ngờ

Quyết định cuối cùng của Trump được đưa ra đột ngột nhưng đã có nghi ngờ về Triều Tiên trong nhiều ngày trước đó. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng các phụ tá của Kim đã phớt lờ việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Bình Nhưỡng không phản hồi trước những câu hỏi của Washington.

Các quan chức Mỹ càng thất vọng hơn vào tuần trước khi phái đoàn tiền trạm của Triều Tiên không đến dự cuộc họp lập kế hoạch tại Singapore. Phái đoàn Mỹ  “chờ đợi rồi lại chờ đợi”, một quan chức cao cấp Nhà Trắng cho biết. “Người Triều Tiên không xuất hiện và cũng chẳng thông báo gì với chúng tôi”.

Trump nghi ngờ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể liên quan đến sự thay đổi giọng điệu của Kim. Ông Tập và Kim đã gặp nhau tháng này tại Đại Liên, Trung Quốc, hai tháng sau khi họ lần đầu gặp nhau tại Bắc Kinh.

“Sau khi Kim Jong-un họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc, tôi nghĩ thái độ của Kim Jong-un đã có một chút thay đổi”, Trump nói. Tôi không thích điều đó. Tôi hy vọng điều đó không đúng bởi vì tôi có mối quan hệ tuyệt vời với ông Tập. Ông ấy là bạn của tôi. Ông ấy quý tôi. Tôi cũng quý ông ấy”.

Evelyn Farkas, cựu quan chức an ninh quốc gia của chính quyền Obama, nhận xét Trump rất “ngây thơ”. “Ông ấy không hiểu rằng dù ông ấy có thể có mối quan hệ tốt với một lãnh đạo nước khác, người đó sẽ hành động dựa trên lợi ích quốc gia chứ không phải cảm xúc cá nhân”, Farkas nói.

Một số quan chức chính quyền Trump lo lắng rằng nếu kế hoạch họp được xúc tiến nhưng Kim cuối cùng không xuất hiện, Trump sẽ bị bẽ mặt. Các trợ lý bắt đầu nói với Trump tuần trước rằng ông nên chuẩn bị cho việc hội nghị thượng đỉnh không xảy ra. “Tôi đã nói với tổng thống thế này: Triều Tiên đang bẫy ông” thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham kể. “Họ sẽ trì hoãn, gây hoang mang. Họ sẽ đưa ra cam kết nhưng rồi lại rút lại”.

Luật sư riêng của Trump cho biết việc hủy họp là nỗi thất vọng lớn cho Trump. Ông vốn háo hức đạt được thỏa thuận với Triều Tiên – điều những người tiền nhiệm không làm được. Trump đã rất nghiêm túc cân nhắc địa điểm cho cuộc họp và thậm chí còn nghĩ về triển vọng đoạt giải Nobel Hòa bình.

Tuy nhiên, Tony Schwartz, đồng tác giả một cuốn sách với Trump, cho biết Tổng thống phải ra quyết định đó để giữ lấy cái tôi của mình. “Trump có nỗi sợ bị bẽ mặt rất lớn”, Schwartz nói. “Ông ấy lo ngại mình hiện lên như một người yếu ớt. Đối với Trump, không điều gì đáng ghét hơn thế”.

Theo Phương Vũ / vnexpress.net