Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những thay đổi chính sách tại Đức năm 2019

TBVĐ- Lương hưu trí, bảo hiểm ý tế, hỗ trợ hộ gia đình, an ninh, các quy định về việc làm bán thời gian, v.v. sẽ có nhiều thay đổi kể từ năm 2019.

Lương hưu trí: Cho đến năm 2025, tiền hưu trí sẽ được giữ vững ở mức 48%. Tỷ lệ đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng tháng hiện là 18,6%, có thể sẽ tăng lên tối đa 20%. Cha mẹ sinh con trước năm 1992 sẽ được tính thêm 1/2 điểm lương hưu. Khi tính tiền cho người về hưu non hoặc nghỉ mất sức vì suy giảm khả năng lao động, sẽ không tính dựa vào tuổi về hưu là 62 tuổi, mà dần dần sẽ tăng lên độ tuổi 67. Từ tháng 7-2019, người lao động thu nhập thấp với lương tháng từ 1.300 Euro trở lên mới phải đóng góp đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội – trước đó vẫn tính từ mức lương tháng 850 Euro.

Phí bảo hiểm Y tế: Từ năm 2019, tỷ lệ phụ phí trung bình người lao động phải đóng thêm vào bảo hiểm y tế sẽ giảm xuống còn 0,9%, sẽ do chủ lao động lại chịu một nửa chiểu theo luật chia đều (phụ) phí bảo hiểm xã hội (Beitragsparität). Như vậy, tổng số tiền người lao động và người già hưởng hưu có thể tiết kiệm mỗi năm ước tính là 6,9 tỉ Euro. Khoản phí chung hiện nay gồm 14,6% được khấu trừ từ thu nhập hàng tháng vẫn do chủ lao động và nhân viên mỗi người chịu một nửa.

Xin làm việc bán thời gian: Kể từ năm 2019, người lao động tại Đức trong các doanh nghiệp với hơn 45 nhân viên trở lên, được quyền xin làm việc bán thời gian trong một kỳ hạn từ 1 đến 5 năm, sau đó vẫn có quyền được trở lại làm việc toàn thời gian. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có số lao động tham gia từ 46 đến 200 người, thì cứ mỗi 15 người, doanh nghiệp chỉ phải chấp nhận đơn xin tạm thời làm việc bán thời gian của một người.

Vấn đề an ninh: Một danh mục chung sẽ được lập ra nhằm cung cấp thông tin minh bạch hơn về các dịch vụ an ninh tư nhân trên toàn nước Đức cũng như độ tin cậy của các nhân viên làm việc tại đó. Ngoài ra, những nhân viên bảo vệ và giữ an ninh tại các trại tị nạn (cũng như những sư kiện lớn) kể từ 01-01-2019 sẽ thường xuyên phải tham gia các kỳ sát hạch và kiểm tra lý lịch của cơ quan bảo vệ hiến pháp.

Hỗ trợ thêm cho các gia đình: Gói trợ cấp với tổng số tiền 9,8 tỉ Euro đã được chính phủ Đức thông qua – theo đó, kể từ ngày 01-07-2019, tiền trẻ em (Kindergeld) sẽ lại tăng 10 Euro/trẻ. Nghĩa là: Mỗi tháng, người con thứ nhất và thứ hai sẽ nhận mỗi cháu 204 Euro, người con thứ ba được 210 Euro và mỗi người con sau đó nhận 235 Euro. Mức miễn thuế cho các gia đình có con sẽ tăng thêm, đồng thời khoản được miễn thuế cơ bản cho người đóng thuế được nâng từ 9.000 Euro lên 9.168 Euro.

Tăng cường đội ngũ chăm sóc y tế: Luật mới của Đức tạo điều kiện tăng thêm 13.000 vị trí làm việc trong ngành điều dưỡng nội trú và chăm sóc y tế. Tiền bồi dưỡng cho học sinh học nghề điều dưỡng trong năm học đầu tiên sẽ do các quỹ bảo hiểm y tế nhận trả. Các mức chi phí cho nhân viên điều dưỡng trong bệnh viện cũng như chi phí tăng cường đội ngũ nhân viên và tăng mức lương thỏa thuận sẽ được lấy ra từ các khoản phí cố định của từng bệnh nhân và tái cấp vốn hoàn toàn.

Giảm thuế cho các xe ôtô điện được dùng làm xe công ty và cả vé tàu xe đi làm: Cho đến nay, những người sử dụng xe ôtô điện được đăng ký làm xe công ty vào việc riêng hàng tháng vẫn phải nộp thêm mức thuế gồm 1% tính từ giá niêm yết trong nước. Nhưng đối với những xe ôtô điện được mua sau ngày 31-12-2018 và trước ngày 01-01-2022, tỷ lệ thuế nói trên sẽ được giảm 0,5%. Những vé tàu xe công cộng dùng để đi làm được chủ lao động cung cấp cho nhân viên với giá rẻ trước đây vẫn coi là phần thu nhập phải tính vào thuế, thì từ 2019 sẽ được miễn thuế hoàn toàn.

Thuế cầu đường (Maut): Thuế đường cho các tuyến đường cao tốc (Autobahn) và đường quốc lộ (Bundesstraße) sẽ tăng từ ngày 01-01- 2019, được cộng thêm chi phí ô nhiễm tiếng ồn, ngoài ra sẽ còn cân nhắc thêm phí hao mòn đường vì phải chịu trọng tải lớn hơn đối với các xe vận tải phân khối lớn. Bằng những qui định mới và chính sách áp dụng thuế đường cho tất cả các đường quốc lộ kể từ mùa hè 2018, chính phủ Đức hi vọng sẽ thu về trung bình 7,2 tỉ Euro mỗi năm – nhiều hơn 2,5 tỉ Euro so với những năm vừa qua.

Thương mại trực tuyến: Những thị trường buôn bán đồ điện và điện tử trực tuyến như Amazon hay Ebay phải chịu trách nhiệm cho những mục kinh doanh không nộp thuế doanh thu trên trang mạng trực tuyến của họ. Cách tốt nhất là thực hiện những nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ nhất định hoặc loại trừ các nhà giao dịch trốn thuế ra khỏi thị trường buôn bán trực tuyến của mình.

Bồi thường cho hành khách khi tàu hoặc máy bay bị muộn giờ: Hiện nay, các uỷ ban hành chính cấp tiểu bang đang xem xét dự luật bồi thường cho hành khách đi tàu và máy bay khi bị muộn giờ. Theo đó, nếu tàu hoặc máy bay xuất phát muộn hơn thời gian biểu 90 phút, hành khách sẽ được hoàn trả 50% tiền vé; nếu bị muộn tới 2 giờ thì khách sẽ nhận lại 75% tiền vé. Cho đến nay, hành khách chỉ được nhận bồi thường ở mức 1/4 tiền vé. Hơn nữa, tuy hành khách có thể đặt vé và thanh toán đơn giản trên mạng trực tuyến hay qua ứng dụng, nhưng muốn khiếu nại và đòi bồi thường thì lại phải gửi hẳn thư trình bày cũng như điền thông tin vào những tờ đơn vô cùng phức tạp, trong khi lỗi không hề nằm ở phía họ. Vì thế cần có chính sách ưu tiên và hỗ trợ khách đi tàu hay máy bay, nếu tàu/máy bay đến muộn hành khách nghiễm nhiên phải được bồi thường.

Thay đổi thời gian: Đứng trước quá trình tranh luận về việc bỏ giờ mùa đông hoặc giờ mùa hè, thượng nghị viện Đức lo ngại sẽ dẫn đến vấn đề chênh lệch thời gian quá lớn giữa Đức và nhiều nước láng giềng khác. Đặc biệt trong việc giao dịch và buôn bán giữa các nước. Vì thế, hiện tại chưa có thay đổi gì về chính sách này, Đức cần thoả thuận và bàn bạc cụ thể hơn với các nước láng giềng.

Tòa án tối cao Đức: Chính trị gia Stephan Harbarth thuộc đảng CDU được bầu làm phó chủ tịch mới của Tòa án Hiến pháp liên bang – và rất có thể sẽ trở thành người đứng đầu tại toà án tối cao này của Đức trong năm 2020. Thượng nghị viện đã nhất trí bầu vị chính trị gia mới 46 tuổi này, sau khi Hạ viện lựa chọn ông làm thẩm phán. Harbarth sẽ thay thế vị trí của Ferdinand Kirchhof (68 tuổi) tại Karlsruhe.

Mạng xã hội: Thượng Nghị Viện Đức đang đưa ra dự luật bắt buộc các trang mạng xã hội có trách nhiệm phải đánh dấu hoặc ghi lại nhãn hiệu của các “Social Bots” – là các chương trình tự động đăng tải và chia sẻ những nội dung khác nhau lên mạng xã hội, nhằm thao túng và điều khiển dư luận. Lý do là: Việc chia sẻ rộng rãi những thông tin sai sự thật sẽ ảnh hưởng đến quá trình phán đoán và quyết định về xã hội cũng như chính trị của mỗi cá thể.

Hồng Nhung

(*) Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 12.2018