Các bệnh viện ở Trung Quốc cho biết số lượng bệnh nhân trẻ điều trị rối loạn lo âu gia tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Những lời phàn nàn của họ hàng và sức ép từ người thân về chuyện kết hôn khiến không ít phụ nữ Trung Quốc độc thân trên dưới 30 tuổi tìm đủ mọi cách đối phó để “sống sót” qua dịp Tết Nguyên đán, theo Washington Post.
Một số xin làm việc ngoài giờ suốt những ngày Tết. Số khác, sáng tạo hơn, kể về bạn trai trong trí tưởng tượng. Tuy nhiên, không vì thế mà, áp lực “chuyện chồng con” giảm bớt. Các bệnh viện ở Trung Quốc cho biết số lượng bệnh nhân trẻ điều trị rối loạn lo âu gia tăng đột biến.
“Năm ngoái tôi sợ hãi đến mức không dám về nhà ăn Tết. Năm nay, tôi cũng không muốn về chút nào nhưng chắc không né được”, Emily Liu, một phụ nữ 31 tuổi đang làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước, cho biết gia đình cô sống ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
“Cha mẹ tôi đai đi đai lại: ‘Bạn học của mày đều có con cả rồi đấy, ấy vậy mà đến bạn trai, mày còn chưa có'”, Liu kể. “Đó là chủ đề trò chuyện duy nhất của gia đình mỗi khi tôi về nhà, cha mẹ tôi thậm chí còn huy động cả họ hàng vào cuộc. Áp lực quá lớn!”
Cũng như nhiều nước châu Á, ở Trung Quốc, phụ nữ ngoài 25 tuổi chưa lập gia đình bị coi là “ế”. Tuy nhiên, vài thập niên trở lại đây, cùng với sự phát triển bùng nổ về mặt kinh tế, ngày càng nhiều phụ nữ ưu tiên sự nghiệp và trì hoãn việc kết hôn. Thậm chí, một số người quyết định không kết hôn.
Tỉ lệ sinh ở đất nước tỉ dân đang giảm nhanh chóng. Năm ngoái, khoảng 15,2 triệu trẻ em được sinh ra, giảm hơn 2 triệu so với năm 2017, theo số liệu thống kê được chính phủ công bố tuần trước. Giới chức nước này lo lắng tỉ lệ sinh giảm dẫn đến tình trạng già hóa dân số.
Nghịch lý là số lượng đàn ông Trung Quốc nhiều hơn phụ nữ khoảng 33 triệu, do văn hóa “trọng nam khinh nữ” và hậu quả của chính sách một con trước kia, nhưng chỉ phụ nữ độc thân mới phải chịu áp lực của xã hội về việc lập gia đình.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để kéo tỉ lệ sinh tăng lên nhưng dường như thất bại trong việc thuyết phục phụ nữ độc thân kết hôn. Số lượng các cặp mới cưới giảm năm thứ 5 liên tiếp và hiện có khoảng 200 triệu người trưởng thành đang độc thân, tương đương 14% dân số.
Một số doanh nghiệp cũng “chung lưng đấu cật” với chính phủ ngăn chặn vấn nạn “ế bền vững”. Tết Nguyên đán là thời điểm “vàng” diễn các vụ mai mối và xem mắt. Hai công ty du lịch ở Hàng Châu đã cho phép các nhân viên nữ ngoài 30 tuổi độc thân nghỉ Tết năm nay thêm 8 ngày. Ngoài nửa tháng nghỉ Tết Kỷ Hợi, các nhân viên nữ này, nếu kết hôn trong năm 2019, sẽ được công ty thưởng gấp đôi vào Tết năm sau.
“Một số nhân viên quá mải mê công việc, chúng tôi nghĩ ý hay này sẽ cho họ thêm thời gian để hò hẹn”, trưởng phòng nhân sự cho rằng đây là cách thiết thực công ty bày tỏ sự quan tâm với nhân viên.
Theo kết quả khảo sát của trang web hẹn hò Zhenai.com, nhiều phụ nữ ngoài 25 tuổi ngại về nhà vào các dịp lễ tết vì không chịu được áp lực mai mối cũng như những lời phàn nàn của người thân. Khoảng 85% phụ nữ độc thân tuổi từ 26-30 cho biết cha mẹ không ngừng hối thúc họ kết hôn.
Shen, 25 tuổi ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, đã dành hẳn một tháng chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép cô với một diễn viên nam nổi tiếng để gửi về quê và khiến cha mẹ tin rằng đó là những bức ảnh cô chụp cùng bạn trai. Đương nhiên, phụ huynh vui mừng khôn xiết.
“Đêm qua, tôi mơ thấy con gái làm đám cưới. Tôi đã khóc hết nước mắt và tỉnh giấc”, cha của Shen nói. “Tôi thậm chí đã bắt đầu tập phát biểu trong ngày cưới của con gái”. Một người bạn của ông bố đã đưa tâm sự này lên mạng xã hội Weibo. Cảm thấy quá tội lỗi, Shen sau đó thú nhận mình đã nói dối. Lời thú nhận của cô gái trẻ nhận được sự đồng cảm của không ít người dùng mạng.
Trái ngược với dự đoán, cha mẹ Shen, dường như hoàn toàn bình thản, an ủi con gái và động viên cô năng đến các buổi mai mối. Video Shen kể lại tình cảnh “dở khóc dở cười” của mình ngay lập tức thu hút 200 triệu lượt xem chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi được đưa lên mạng.
Một phụ nữ 35 tuổi họ Dong cũng tìm đủ “kế sách” để lảng tránh sức ép từ cha mẹ. Người phụ nữ có bằng tiến sĩ này bị xếp vào danh sách “ế” và bị liệt vào dạng “cao không tới thấp không thông” với ba đặc điểm: học thức cao, thu nhập cao và tuổi cao.
Quá chán ngán việc bị họ hàng và những kẻ tọc mạch làm phiền vào ngày Tết, Dong vùi đầu vào công việc, theo Qianjiang Evening News. Cô chủ động đề xuất với cấp trên phân công công việc để cô làm xuyên Tết. Tuy nhiên, sếp của Dong, ngang tuổi cha mẹ cô, dường như rất cảm thông với nỗi lo lắng của những người làm cha mẹ nên đã từ chối đề nghị của nhân viên.
“Lảng tránh không thay đổi được thực tế. Cháu chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách đối mặt”, sếp của Dong nói. “Lễ Tết là dịp tốt để giao lưu và cháu nên làm quen thêm với nhiều người, hãy mở lòng và sẵn lòng đón nhận, cháu có thể sẽ tìm được người đàn ông của đời mình”.
Nhiều chương trình truyền hình thực tế ở Trung Quốc mời cha mẹ của những người độc thân lên sóng để đích thân chọn bạn đời cho con. Trong một chương trình của đài Hồ Nam tuần trước, các ông bố dõi theo nhất cử nhất động của con gái trong các buổi hẹn hò qua video truyền trực tiếp và đưa ra lời khuyên về các “chiêu thức” để trở nên thu hút hơn.
Trong một show truyền hình tương tự, người xem đếm được tổng cộng 23 lần cha mẹ giục con gái lấy chồng trong ba tập phát sóng. Nhiều người cho rằng những chương trình thực tế này chỉ khiến giới trẻ “càng thêm bất an”.
Theo An Hồng / vnexpress.net