Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nỗi ám ảnh thế kỷ và hơn 1.000 nạn nhân vẫn chờ được “gọi tên” sau vụ 11/9

16 năm sau buổi sáng kinh hoàng khi các máy bay chở khách bị bọn khủng bố khống chế, đâm xuống tòa nhà của trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong lòng nhiều người. Ít ai biết rằng, sau 16 năm, hơn 1.000 gia đình vẫn đang từng ngày khắc khoải chờ đợi nhận dạng thi thể người thân của mình…

Nỗi đau khôn nguôi

Ngày 11/9/2017, gần 3.000 nạn nhân trong vụ khủng bố tấn công chưa từng có trong lịch sử Mỹ lại được nhắc đến trong nỗi xót xa. Trước đó hai ngày, từ ngày 8 đến ngày 10/9 người Mỹ đã cầu nguyện và tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Đích thân Tổng thống Donald Trump đã ra lời kêu gọi người dân Mỹ chú trọng các lễ cầu nguyện, tưởng nhớ cũng như tới thăm đài tưởng niệm. “Chúng ta ngừng lại để nhớ rằng trong buổi sáng bi thảm, đất nước chúng ta đã gánh chịu một cuộc tấn công chưa từng thấy.

Khi đó chúng ta đã nhìn thấy cột khói bốc lên trên trung tâm Thương mại Thế giới (New York), chúng ta đã cầu nguyện cho sự an toàn của đồng bào ta và cố gắng giúp đỡ họ. Bây giờ, chúng ta sẽ nhớ về những người đã khuất”, Tổng thống Mỹ tuyên bố.

16 năm đã trôi qua, những người đau đớn hơn cả trong dịp lễ tưởng niệm như thế này, là gia đình của các nạn nhân, đặc biệt là thân nhân của các thi thể chưa được nhận dạng.

Cho đến nay mới chỉ có 1.641 người được xác định danh tính trong tổng số 2.753 người thiệt mạng khi tháp đôi bị phá hủy. Hơn 1.000 gia đình vẫn khắc khoải chờ đợi câu trả lời về thi thể người thân của mình.

Việc tìm kiếm các mảnh thi thể còn sót lại của các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố đã được thực hiện trước tháng 5/2002.

Tuy nhiên, việc nhận dạng rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Bởi lẽ sau khi các tòa tháp khổng lồ bị đốt cháy và đổ sụp, rất ít thi thể được tìm thấy nguyên vẹn.

Dưới tác động của nhiệt độ, vi khuẩn và các hóa chất, quá trình tìm kiếm, phân tích càng trở nên khó khăn.

Các nhân viên giám định đã phải nghiền các mảnh vụn để tách chiết ADN, sau đó đối chiếu với tài liệu về di truyền mà phòng giám định thu thập được từ các nạn nhân, hoặc thân nhân của họ.

Trong một số trường hợp, các nhà khoa học phải thử nghiệm tới 10 lần, hoặc nhiều hơn trên cùng một mảnh xương, bởi các giám định viên phải sử dụng xét nghiệm ADN cũng như các phương tiện khác để đối chiếu các mảnh xương với hàng nghìn nạn nhân.

Các tiến bộ gần đây trong việc tách chiết và xét nghiệm ADN đã đem lại kết quả khả quan. Hồi tháng trước, thêm một thi thể nạn nhân được nhận dạng. Trước đó, tháng 3/2015, các nhà chuyên môn cũng chỉ xác định thêm được một phần thi thể thuộc về danh tính thứ 1.640.

Bức tường ghi tên các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9. Ảnh: Lưu Phong

Cục diện thế giới sau vụ khủng bố tàn độc

Như nhiều người dân New York, ông Artie Van Why đã đau đớn chứng kiến những giây phút kinh hoàng khi toà tháp đôi đổ sập. Những tiếng la hét, sự hoảng loạn và cảnh tượng khói, bụi, lửa cháy đã ám ảnh ông đến mức, người đàn ông này không thể trở lại cuộc sống bình thường trong suốt nhiều năm.

Kể từ ngày 11/9, phòng ngủ ông luôn bật đèn. Ông Van Why cũng không dám xem truyền hình, đọc báo vì sợ không thể chịu được khi nhìn thấy những hình ảnh đau thương mà ông từng chứng kiến.

Bất cứ hình ảnh chiếc máy bay nào cũng khiến ông liên tưởng tới “quả bom lao vào tòa tháp” ngày hôm đó và làm ông hoảng loạn.

Những hình ảnh xảy ra trong ngày 11/9 hơn một thập niên trước vẫn hiện lên trong tâm trí ông Van Why như một cuộc tàn sát. Tiếng còi báo động ngoài đường lớn đi qua căn hộ cũng làm ông giật mình, lo sợ.

Ông chính là một trong số rất đông người được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn thần kinh sau ngày 11/9. Theo ước tính, khoảng 400.000 người chịu ảnh hưởng bởi rối loạn tinh thần hoặc các bệnh nan y như ung thư liên quan đến các vụ tấn công khủng bố.

Những người bị rối loạn tinh thần sau vụ tấn công đa phần nằm trong lực lượng cứu hộ  xả thân tìm cách cứu những mạng sống khác. Trong quá trình đổ về tòa nhà tháp đôi và thậm chí đào bới sau thời điểm đó, họ đã hít phải khói bụi độc hại trong thời gian dài và phát triển thành bệnh ung thư.

Theo bác sĩ Michael Crane, người phụ trách chương trình chăm sóc y tế WTC (Word Trade Center) dành cho những người ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9, hơn 5.000 người có mặt tại hiện trường vụ tấn công mắc ung thư, với tỉ lệ khoảng 40% là ung thư đường hô hấp và tiêu hoá.

Giới phân tích cho rằng, sự kiện 11/9 đã thay đổi thế giới một cách sâu sắc. Ngay sau sự kiện này, Chính phủ Mỹ đã công bố al Qaeda và bin Laden là thủ phạm chính.

Tổng thống Mỹ George Bush ngay sau đó đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.

Thế giới đã chính thức thay đổi từ thời điểm đó. Hàng loạt quốc gia đã bị kéo vào cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq.

Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, nước Mỹ vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến chống khủng bố. Dù Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được trùm khủng bố bin Laden, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda, nhưng thực tế Mỹ vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối nguy này. Hiểm họa từ khủng bố vẫn còn đó.

Phiến quân Taliban vẫn hoạt động, al Qaeda trở nên tinh vi hơn và sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến thế giới càng trở nên bất an hơn.

Vụ tấn công ngày 11/9 là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và quân sự của lịch sử Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

16 năm qua đi, cuộc sống của người dân Mỹ phục hồi nhanh chóng, tuy nhiên những nỗi đau vẫn còn đó và dường như nó đã đóng đinh vào lịch sử với tất cả sự tàn bạo nỗi đau và ám ảnh của nhân loại.

Theo Vũ Thu Hương / nguoiduatin.vn