Ra điều trần liên tiếp 2 cuộc trước Ủy ban Thượng viện và Hạ viện Mỹ, trả lời hàng trăm câu hỏi cũng như nhận trách nhiệm về việc 87 triệu người dùng bị “chia sẻ thông tin không thỏa đáng cho Cambridge Analytica”, dường như Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã thoát hiểm.
Sau vụ bê bối lộ lọt dữ liệu của hàng chục triệu người sử dụng, uy tín mạng của xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã bị sụt giảm nghiêm trọng, cổ phiếu rớt giá và có thể bị truy tố trước pháp luật.
Bởi vậy, việc Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong 2 ngày 10 và 11/4 nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các nghị sĩ, giới truyền thông mà của cả hàng tỉ người trên thế giới.
Tại cuộc điều trần ở Hạ viện kéo dài 10 giờ liền, Mark Zuckerberg đã trả lời hàng trăm câu hỏi của các hạ nghị sĩ ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Trước những chất vấn của các nghị sĩ về nguy cơ lộ lọt thông tin của người sử dụng, Mark Zuckerberg đưa ra một loạt cam kết cải cách tại Facebook cũng như sự riêng tư và tính bảo mật thông tin theo Quy định Bảo vệ dữ liệu tổng thể (GDPR) cho người dùng châu Âu vào tháng tới và một số quy định sẽ được mở rộng cho người dùng ở Mỹ cũng như các nước khác.
Cũng trong buổi điều trần này, Zuckerberg đã xác nhận mình cũng nằm trong số 87 triệu người dùng Facebook bị chia sẻ dữ liệu bất hợp pháp với Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica. Ông chủ Facebook cũng phản bác các ý kiến của một số Hạ nghị sĩ Mỹ rằng những người dùng Facebook không có đủ sự kiểm soát đối với dữ liệu trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Trước đó, tại Thượng viện, trong cuộc điều trần suốt 4 giờ rưỡi, Zuckerberg lại một lần nữa thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc này.
Điều mà các nghị sĩ Mỹ muốn biết liệu từ nay, Facebook có thể một mình đủ khả năng bảo vệ các thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội và không để bị thao túng vì các mục đích khác.
Mặc dù các câu trả lời của Zuckerberg vẫn khiến các nghị sĩ tỏ thái độ hoài nghi về lời hứa tăng cường bảo mật các thông tin cá nhân nhưng một vấn đề mà Zuckerberg đã đánh trúng vào tâm lý của các nghị sĩ cả hai viện Quốc hội Mỹ, rằng “nếu Facebook không phát triển, không nâng cao vị thế của mình thì sẽ là cơ hội để cho Trung Quốc chiếm lĩnh lỗ hổng mà Facebook để lại”.
Kết thúc phiên điều trần tại Thượng viện, giá cổ phiếu Facebook đã tăng 5%, và sau phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ cổ phiếu tiếp tục nhích thêm 0,78%. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy sự tự tin của Công ty sau tổn thất trong những tuần gần đây liên quan đến vụ bê bối.
Theo Tuyết Minh / chinhphu.vn