TBVĐ- Như đại đa số các quốc gia trên thế giới, cơ cấu an ninh của Đức bao gồm nhiều cơ quan, đoàn thể, ban ngành cùng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Dưới đây là bốn đội ngũ quan trọng đứng đầu cơ cấu này:
Cảnh sát liên bang Đức (Bundespolizei-BPOL)
Vào ngày 1.7.2005, chính phủ Đức quyết định liên kết Lực lượng Bảo vệ Biên phòng Liên bang (Bundesgrenzschutz – ra đời từ ngày 16.3.1951) với Cơ quan Cảnh sát Đường sắt (Bahnpolizei) và đổi tên thành Cảnh sát Liên bang, trở thành lực lượng vũ trang quan trọng của Bộ Nội vụ Liên bang, gồm 41.000 người, trong đó có 30.000 mang phù hiệu cảnh sát. Tổng hành dinh nằm tại Potsdam.
Một trong những nhiệm vụ thiết yếu của Cảnh sát Liên bang là kiểm tra và bảo vệ biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường hàng hải và đường hàng không. Họ cũng có trách nhiệm quản lý an ninh trên các tuyến giao thông đường sắt và tại các khu vực nhà ga, ngăn ngừa và bảo vệ giao thông hàng không dân dụng trước những cuộc tấn công, khủng bố. Kết hợp cùng cảnh sát tiểu bang Berlin, Cảnh sát Liên bang còn đóng vai trò bảo vệ các ban, ngành thuộc Chính phủ Liên bang như Phủ Thủ tướng và các Bộ Liên bang.
Cục điều tra tội phạm hình sự liên bang (Bundeskriminalamt- BKA)
Là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ Liên bang với hơn 5.500 người (theo thống kê năm 2008) và tổng hành dinh tọa lạc tại thành phố Wiesbaden. Nhiệm vụ hàng đầu của Cục BKA là sắp xếp, phối hợp thông tin và truyền thông giữa cơ quan Cảnh sát Liên bang BPOL và Cảnh sát cấp tiểu bang.
Cục BKA có thẩm quyền điều tra rất lớn trong khuôn khổ đấu tranh chống tội phạm khủng bố quốc tế, ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy, chất gây nghiện và buôn bán vũ khí cũng như phòng chống hành vi rửa tiền. Ngoài ra, Cục BKA còn có trách nhiệm bảo vệ thủ tướng, tổng thống, bộ trưởng và các quan khách chính phủ.
Cục Hải quan Đức
Là một bộ phận thuộc Bộ Tài chính Liên bang, không chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ngành giao thông vận tải hàng hóa và vận tải hành khách tại các vùng biên giới, cửa khẩu, mà còn phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng hiệu nhái. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của Cục Hải quan là đấu tranh với tệ nạn làm chui, trốn thuế.
Ban điều tra tội phạm Hải quan (Zollkriminalamt) còn gọi là Kripo des Zolls, được thành lập năm 1992, đảm nhận nhiệm vụ phát hiện và phòng chống buôn lậu vũ khí, chất gây nghiện và buôn lậu thuốc lá. Các thanh tra Hải quan đều có thẩm quyền như sỹ quan cảnh sát. Cục Hải quan Đức có 34.000 nhân viên được phân bổ cho 5 Văn phòng Tài chính Liên bang, với tổng hành dinh nằm tại Köln.
Cảnh sát tiểu bang
Bên cạnh những lực lượng bảo vệ an ninh liên bang nói trên, tại 16 tiểu bang của Đức còn tồn tại các cơ quan an ninh khác, một trong số những cơ quan trọng điểm chính là Cảnh sát tiểu bang. Cơ quan này bao gồm Cảnh sát bảo vệ và cơ động mặc sắc phục và Cảnh sát hình sự mặc thuờng phục. Cả hai đều có nhiệm vụ điều tra và xử lý tội phạm cũng như những hành vi vi phạm pháp luật.
Cảnh sát bảo vệ và cơ động quản lý và kiểm tra toàn bộ khu vực giao thông đường bộ. Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho những cuộc biểu tình hoặc đại lễ. Tại những vùng sông nước ven biển cho đến phạm vi 12 dặm (trong giới hạn khoảng 22 km, tính từ đường biên giới gốc để phân định địa phận ven biển của một quốc gia). Trên đường thủy nội địa và các ao, hồ, cơ quan đảm nhận canh gác đêm ngày chính là Cảnh sát an ninh đường thủy.
Cẩm Chi (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!