Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tin tặc Nga bị lộ, không thả ‘tin vịt’ vào cuộc bầu cử Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com
Ngày 24.9, cuộc bầu cử Quốc hội Đức bắt đầu, và báo New York Times cho rằng tin tặc Nga bị lộ nên không thả “tin vịt”. Các chuyên gia nói có lẽ do cho đến nay chưa hưởng lợi lộc gì từ việc giúp ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ 2016, nên Nga đã suy nghĩ lại.

Cho đến nay, ít có những thông tin mật bị rò rỉ (nếu có) lại có thể gây kết quả khác biệt. Các thăm dò mới nhất cho thấy Thủ tướng Angela Merkel và đảng Bảo thủ của bà sẽ thắng lớn sau ngày bầu cử.

NYT ghi nhận trang web của những đảng tranh cử và của các hãng tin lớn vẫn hoạt động bình thường, trong khi những thông tin xuyên tạc trước cuộc bầu cử không gây được tác động.

Tiến sĩ Sandro Gaycken, chủ nhiệm Viện Xã hội kỹ thuật số ở Berlin chuyên kiểm tra khả năng tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Đức, nói: “Dân Đức thất vọng vì chẳng có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi không ghi nhận được những vụ tấn công mạng, và chúng tôi thật sự không chờ đợi sự can thiệp của người Nga. Nếu tấn công mạng vì mọi người chờ đợi nó thì nào có lợi gì”.

Vẫn theo NYT, có lẽ “tấm khiên bảo vệ” chống tin tặc hay nhất của Đức, không phải là những sáng tạo của thế kỷ 21, mà chính là những phiếu bầu in bằng giấy, và kiểm phiếu bằng tay.

Tuy nhiên, Đức vẫn chuẩn bị rất kỹ, đề phòng Nga can thiệp. Cơ quan an ninh thông tin liên bang đã dùng những cuộc giả xâm nhập vào những hệ thống điện toán và phần mềm của ủy ban bầu cử trung ương, nhằm tìm những sơ hở.

Quốc hội Đức và các đảng tranh cử đều được chuyên gia tư vấn, để củng cố an ninh điện toán. Các trang tin truyền thông lớn cũng lập những đội xác minh dữ liệu, nhằm đề phòng tin giả.

Các chuyên gia nói: Các cuộc bầu cử ở Đức được “miễn dịch”, không bị các thế lực bên ngoài can thiệp như các cuộc bầu cử ở Mỹ. Chính trường Đức không như ở Mỹ, nơi mà sự kình chống nhau giữa các đảng phái đã là mảnh đất mầu mỡ để Nga gieo rắc sự hoang mang, thả “tin vịt” qua Facebook hoặc Twitter.

Theo NYT, hồi đầu năm nay, các đảng lớn ở Đức có một động thái “khó thể nghĩ đến được ở Mỹ” là đạt được một “thỏa thuận của bậc trượng phu”: Không khai thác bất kỳ thông tin nào có thể là kết quả của một vụ tấn công mạng.

Người Đức cũng rất tin tưởng các nguồn tin tức chính thống trong nước họ, và không như người Mỹ, dân Đức rất cảnh giác với những thông tin do Facebook và Twitter phát tán.

Dù vậy, các quan chức vẫn cảnh báo nguy cơ có thể nổi lên vài thông tin nhạy cảm, mà tin tặc Nga từng trộm khoảng 16 gygabyte thông tin bí mật của Quốc hội Đức (Bundestag) hồi năm 2015.

Khả năng này giống như chuyện những e-mail của chiến dịch tranh cử của ông Emmanuel Macron đã được tung ra nhiều ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, điều không cản ông Macron trở thành vị tổng thống trẻ nhất Pháp.

 

Theo NYT, hồi tháng 1.2017, ai đó đăng ký 2 trang web btleaks.info và btleaks.org, giống như vụ trang web DCLeaks đã chiếm đoạt các tài liệu trong e-mail của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) khi bà Hillary Clinton tranh cử tổng thống Mỹ 2016.

Từ thông tin ai đó lập 2 trang web trên, Thủ tướng Đức lập tức họp khẩn với các Bộ trưởng, quan chức cấp cao  của tình báo và quân đội. Dạng họp khẩn của Hội đồng an ninh liên bang Đức này rất hiếm, thường chỉ tổ chức khi Đức đối mặt với một đe dọa nghiêm trọng, ví dụ khủng bố tấn công.

Chủ đề họp hôm ấy là tìm cách bảo vệ cuộc bầu cử quốc hội Đức không bị tin tặc Nga tấn công mạng. Vì lúc đó, xem ra điều không thể tránh được là cuộc bầu cử ở Đức sẽ chung số phận với hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp và Mỹ.

Đồ họa: Bảo Quốc

Sau đó, nhân viên Cơ quan tình báo nội địa Đức được giao nhiệm vụ mỗi giờ phải kiểm tra 2 trang web btleaks.info và btleaks.org.

Các chuyên gia nói: Sau khi không thể phá Tổng thống Pháp Macron, hoặc cho đến nay chưa hưởng được lợi lộc gì từ sự ủng hộ cuộc tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có lẽ Điện Kremlin đã quyết xem xét lại chính sách can thiệp vào chính trị các nước đối thủ.

Theo NYT, các chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga chỉ có hiệu quả, nếu như không ai chờ đợi những vụ can thiệp đó. Không như chính phủ Barack Obama chọn cách giữ im lặng về chuyện Nga can thiệp suốt nhiều tháng trước ngày bầu cử Mỹ hồi tháng 11.2016, các quan chức Đức đã sẵn sàng đề phòng.

Vài tuần sau khi ông Trump trúng cử, Bruno Kahl là lãnh đạo Cơ quan phản gián Đức (BND) cảnh báo nguy cơ tin tặc tấn công mạng cuộc bầu cử quốc hội Đức. Bà Merkel cũng có cảnh báo tương tự.

+ Nga không chỉ là mối đe dọa duy nhất của cuộc bầu cử Đức, theo NYT: Dân Đức hiện vẫn phẫn nộ trước tiết lộ của Edward Snowden, rằng  Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) thời Tổng thống Obama từng xâm nhập điện thoại di động của bà Merkel.

+ Theo báo Guardian ngày 24.9, cuộc bầu cử bắt đầu có thể là một chiến thắng “đắng lòng” cho bà Merkel, 63 tuổi, vì đảng cực hữu Lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD) có thể lần đầu tiên lọt vào Quốc hội Đức sau hàng chục năm.

+ 5 thăm dò mới nhất cho thấy AfD đứng hạng 3 với tỷ lệ ủng hộ 11% và 13%, sau đảng bảo thủ Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel  và đảng trung tả Xã hội dân chủ (SPD).

Theo New York Times

Theo Trung Trực / mothegioi.vn