TBVĐ- Nước Pháp có tân Tổng thống, ông Emmanuel Macron – người mới 39 tuổi nhưng “lật đổ” truyền thống cầm quyền của lưỡng đảng tả-hữu tại Pháp trong suốt khoảng 6 thập kỷ qua.
Chiến thắng của ông Macron khiến nhiều người nhớ đến chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2008, dù là đại diện Đảng Dân Chủ nhưng Obama chủ trương không phải đỏ (Cộng Hòa) hay xanh (Dân Chủ) mà là một nước Mỹ thống nhất. Ông Macron và Đảng Tiến Bước non trẻ với đường lối trung dung đã chiến thắng trong bối cảnh nước Pháp bị chia rẽ nặng nề giữa các đảng phái truyền thống.
Nhờ đâu ông Macron thắng cử “chớp nhoáng”?
Chính trị Pháp nhiều năm qua bị kẹt cứng khi các tổng thống Pháp bất lực trước các vấn đề thuế, thất nghiệp, phúc lợi xã hội, tự do thương mại và mới nhất là an ninh – những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau. Nhìn trên sự phân bố của các chính sách đề xuất trong chương trình tranh cử của các ứng viên sẽ thấy rõ khoảng trống giữa tả-hữu là rất rộng. Sự trỗi dậy của Bà Marine Le Pen thuộc Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, mà nền tảng là “chiến thắng hụt” của người cha Jean-Marie Le Pen hồi năm 2012, đã cho ông Macron thấy một nhu cầu thực tế của nhóm cử tri “thứ ba” – nhóm cử tri quá chán nản những chính sách cũ kỹ, thiếu đột phá của hai phe tả-hữu nhiều năm qua. Tất nhiên, Macron đã tận dụng và làm tốt hơn rất nhiều so với một Le Pen “thiếu tính toán”. Các đề xuất chính sách của Le Pen tuy “mới” nhưng “gây thù” với tất cả các phe phái còn lại. Thậm chí, bà Le Pen còn không tính đến nguyện vọng của phần đông người dân nước Pháp khi theo đuổi chính sách rời bỏ Liên minh Châu Âu EU, trong khi cử tri Pháp không mong muốn điều ấy. Ông Macron đã khỏa lấp khoảng trống đó một cách hoàn hảo, ít nhất là không có một đối thủ nào làm tốt hơn ông ấy.
Thứ nhất, ông Macron không chọn làm đại diện của cả hai đảng tả-hữu dù bản thân là cựu Bộ trưởng Kinh tế của chính quyền Tổng thống François Hollande Đảng Xã Hội. Người ta nhìn vào Đảng Tiến Bước của Macron bằng sự chủ quan. Thậm chí, ứng viên sáng giá Francois Fillon của Đảng Cộng Hòa từng chỉ trích ông Macron thiếu kinh nghiệm trên chính trường và chưa bao giờ làm nghị sĩ. Nhưng sai lầm là ở chỗ đó! Người Pháp đang chán ghét những “đại diện của đảng phái”, họ đang tìm kiếm “đại diện của dân”. Cử tri Pháp tìm kiếm một tổng thống có thể xoa dịu sự giận dữ và trấn an nỗi lo của họ trước sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, gánh nặng thuế, và các vụ khủng bố đẫm máu bất thình lình.
Thứ hai, ông Macron để ngỏ cam kết chính trị của mình. Chính trường Pháp không đơn giản để đưa ra một cam kết chính trị trong thời điểm hiện tại. Và thực tế nó không cần thiết vì không có lợi. Có lẽ trong số các ứng viên, duy nhất Macron (nhận ra) điều này và nó đã phát huy hiệu quả. Cái cử tri Pháp cần là một tổng thống không đưa Pháp rời khỏi EU như Lepen, không thắt chặt phúc lợi xã hội như Fillon, không rập khuôn như Benoit Hamon. Cú “ngã ngựa” bất ngờ của ông Fillon là giọt nước tràn ly đối với lòng tin của cử tri với những ứng viên gạo cội và có chương trình chính trị mạch lạc. Cử tri không còn khả năng hay đúng hơn là không muốn nhận diện thêm các lợi ích từ các yêu sách lớn lao của các chính trị gia. Thế nên, không có chương trình chính trị trở thành một ưu điểm của Macron trong mắt họ.
Thứ ba, phải thừa nhận ông Macron quá tinh tế trong việc vận động sự ủng hộ của tất cả các bên, ngay cả phe đối thủ. Kinh nghiệm làm kiểm tra thuế-tài chính cho cơ quan nhà nước, rồi làm cho ngân hàng chuyên thương thuyết các thương vụ lớn, sau đó làm Bộ trưởng kinh tế,… đã cho ông Macron một sự nhạy cảm cần thiết trong việc hiểu được tình hình các đảng, sự mong muốn của cử tri và cả nhu cầu của các nhóm dân sự. Thế nên, chỉ trong một năm và sau cú “ngã ngựa” của Fillon, bà Le Pen không còn một chút cơ hội nào trước đường đua nước rút của ông Macron, khi hầu như các nhóm cử tri quay về phía ông ấy.
“Liều thuốc” cho nước Pháp?
Không nghi ngờ gì nữa, ông Macron được đại đa số người Pháp tín nhiệm. Nhưng ông ấy có phải là “liều thuốc” của nước Pháp trong bối cảnh hiện nay. Căn bệnh lớn nhất của Pháp hiện nay không chỉ nằm ở sự chia rẽ nội bộ giữa các đảng phái, mà còn là căn bệnh kinh tế khi thành tựu tăng trưởng ì ạch, chỉ số thất nghiệp cao ngất ngưỡng và chưa có dấu hiệu phục hồi. Điều này càng nghiêm trọng khi Pháp gánh một hệ thống phúc lợi xã hội và trả lương khu vực công cồng kềnh, hao tốn ngân sách.
Bàn về chia rẽ tả-hữu, ông Macron “đánh nhanh, thắng nhanh” chỉ thật sự rõ ràng sau khi ông Fillon bất ngờ thất bại. Chính ông Fillon và nhiều chính trị gia khác kêu gọi bầu cho ông Macron chỉ vì không muốn bà Le Pen, đại diện cho một xu thế cực đoan nguy hiểm với Pháp chiến thắng. Cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào 11 và 18-6 tới đây dự báo ông Macron sẽ khó lòng đạt được đa số, nghĩa là về bản chất quyền lực của ông Macron vẫn bị điều chỉnh đáng kể bởi các đảng tả-hữu truyền thống. Việc thuyết phục được sự ưng thuận của các người cần phiếu trong quốc hội để thông qua các đề xuất chính sách của tổng thống đòi hỏi ông Macron phải nắm bắt tốt tình hình và điều phối khéo léo tình hình đó. Không có một chương trình chính trị là một lợi thế cho Macron khi tranh cử, nhưng nếu chính sách Macron cũng nhạt và không rõ ràng như khi tranh cử thì Macron sẽ trở thành “con tin” của các đảng kiểm soát quốc hội.
Trong khi đó, các đề xuất chính sách của Macron đến lúc này không có nhiều ấn tượng và bị xếp sau các chính sách của Fillon. Các cuộc khảo sát ngay trước thềm bầu cử vòng hai cho thấy không có nhiều niềm tin về các chính sách kinh tế-xã hội của Macron đối với tương lai nước Pháp. Tất nhiên, khi thắng cử Macron có thể (và buộc phải) điều chỉnh nếu muốn nước Pháp vượt qua khó khăn. Cái mà Macron cần nhìn đó là đề xuất của Fillon, với việc mạnh tay với bộ máy công cồng kềnh, tạo ưu thế cho tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp vừa – bộ phận có thể cứu nước Pháp. Ngoài ra, vượt qua các yêu sách dân túy, thắt chặt chi tiêu phúc lợi xã hội không cần thiết, kích thích lao động và quyết trị căn bệnh “lười” của một bộ phận đông đảo người Pháp. Cần né tránh tư duy nước Pháp còn đủ tiền của nuôi người dân bằng chính sách phúc lợi hào phóng, trong khi đánh thuế cao và đưa chính trị Pháp tiếp tục kẹt cứng.
Điều mà nhiều người còn lo ngại là khoảng trống trong các cam kết chính trị, các chính sách kinh tế chưa rõ ràng của Macron sẽ bị các nhóm lợi ích khỏa lấp. Nên nhớ rằng, vào năm 2008, giữa lúc sự nghiệp làm cho chính phủ đang lên thì Macron đã trả 50.000 euro để kết toán hợp đồng với chính phủ để ra ngoài làm việc cho Rothschild & Cie Banque. Tới cuối năm 2010, Macron trở thành một cổ đông của ngân hàng Rothschild. Gia tộc Rothschild là một gia tộc Do Thái, cầm quyền một đế chế tài chính – ngân hàng tại châu Âu bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 với quyền lực vượt qua những gia tộc làm ngành ngân hàng mạnh nhất mọi thời đại như Baring và Berenberg. Năm 2012, Macron trở thành trợ lý cho Philippe Tillous-Borde, giám đốc của Sofiprotéol và sở hữu 41% vốn của Lesieur Cristal. Lo ngại về một Macron bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích cũng là một trong những vấn đề không phải thiếu căn cứ.
Sẽ còn chờ, ít nhất là sau bầu cử quốc hội Pháp và các tuyên bố chính sách đầu tiên của Macron trước khi khẳng định ông ấy có phải là “liều thuốc” của nước Pháp hiện nay, dù rằng chiến thắng của Macron đang mang lại cảm giác hồ hởi cho nhiều người Pháp như một “Barack Obama với Mỹ” cách đây gần thập kỷ.
Đỗ Thiện*
(*) Đỗ Thiện là sinh viên cao học ĐH Công nghệ Ilmenau; Nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) – ĐHQG TP.HCM. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm cá nhân của tác giả.