Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Trang phục như thế nào cho phù hợp khi sống ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Tùy vào từng trường hợp khác nhau mà cần chọn những bộ trang phục phù hợp.

Ông bà xưa có câu nhập gia tùy tục, và trang phục cho phù hợp với nơi mình đang sinh sống cũng là một vấn đề để hoà nhập với đời sống ở nước Đức. Nó không chỉ quan trọng cho bố mẹ mà còn là cho con cái của chúng ta nên không thể coi thường.

Trang phục khi dự cưới

Nhiều lần đi đám cưới ở Đức của người Việt Nam, tôi rất ngại ngùng khi thấy nhiều chị em diện những bộ cánh màu đen. Tuy trông sang trọng nhưng ở Đức màu đen là màu tang tóc nên ngươì ta rất kị.

Còn đối với người Việt thì chuyện sẽ không vấn đề nếu gia chủ không để ý, nhưng tôi có một người quen đã vì chuyện này mà đổ vỡ cả một mối quan hệ bởi gia chủ cho rằng khách mời cố ý mang xui xẻo đến cho gia đình họ.

Đương nhiên chuyện nói qua nói lại không trực tiếp như thói quen trong văn hoá Việt là tránh nói thẳng, nói thật nên lại càng gây mâu thuẫn. Thật đáng tiếc chỉ vì vô ý một chút mà mất đi một quan hệ bạn bè lâu năm, lại mang tiếng là người kém hiểu biết.

Ngoài màu đen là màu tối kị thì phụ nữ cũng rất cần tránh trang phục cùng màu cô dâu vì ngày cưới nàng dâu, nhân vật chính đương nhiên phải lộng lẫy nhất, và vì thế người ta cũng tế nhị tránh màu sắc và váy áo cùng màu với cô dâu.

Hợp lý nhất là mang váy dạ hội nhưng không quá rực rỡ làm lấn át cả hình ảnh của cô dâu trong ngày trọng đại này. Cũng cần nhớ là giày dép phải phù hợp, nhất là trong đám cưới thường có màn khiêu vũ sau cùng. Nếu có thời gian bạn nên tham gia một lớp học nhảy để vừa tốt cho sức khoẻ lại chủ động trong các dịp lễ hội. Trường hợp không có váy dạ hội thì cũng có thể mặc áo dài truyền thống Việt Nam hoặc cách tân nhưng đừng quá đơn giản hoặc họa tiết rườm rà rối mắt.

Trang phục với phụ nữ thì như vậy, còn đàn ông có thể mặc trang phục lịch sự màu tối nhưng cũng đừng mặc toàn màu đen. Trong đám cưới điều tối kị là nói năng ồn ào, cần tôn trọng không gian yên lặng lịch sự và đầm ấm của hội hôn. Đặc biệt là không hút thuốc trong khán phòng làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Đàn ông uống rượu cũng cần có giới hạn kẻo gây ra những điều đáng tiếc. Tôi đã chứng kiến một ông bố chồng say trong đám cưới làm hỏng cả một ngày vui trọng đại nhất đời con còn bản thân thì nhận được sự coi thường của mọi người.

Trang phục khi dự đám tang

Khác với đám cưới thì đám tang đương nhiên chọn màu đen cho phù hợp. Nếu không có quần áo màu đen thì ít nhất cũng nên mang màu tối, không nên mặc các màu tươi sáng quá để tỏ lòng tiếc thương với người đã khuất. Ngoài trang phục còn cần một thái độ chia sẻ chân thành. Viết thế này là vì tôi đã nhìn thấy rất nhiều người đi dự đám tang mà phấn son, quần áo quá lòe loẹt, đặc biệt có trường hợp đám tang bố chồng mà con dâu ăn vận như đi dự hội, lại phấn son kỹ lưỡng như diễn viên khiến nhiều người bàn tán xôn xao không hay chút nào.

Đám tang ở Đức người ta không khóc lóc ồn ào, thảm thiết như ở Việt Nam. Thậm chí nhiều gia đình Việt Nam còn thuê người khóc hộ. Mọi nỗi tiếc thương đều được nén lại trong lòng để ngoài đưa tiễn người thân, còn tỏ lòng lịch sự với khách đến chia buồn bằng cách cúi đầu cảm ơn khách đến dự tang.

Khi đi hội thảo, hội nghị hay công sở

Người Việt ít khi đến những nơi này nhưng không có nghĩa là không đến và không biết về đặc điểm này. Đi hội thảo hay hội nghị đương nhiên ăn vận lịch sự và nghiêm túc. Đàn ông áo quần áo com lê, sơ mi và cà vạt, còn phụ nữ thì quần áo công sở văn phòng, phù hợp nhất là quần hoặc váy bó mặc cùng áo vét mỏng với sơ mi trắng hay màu sáng.

Mùa đông thì áo len nền, thêm chiếc khăn choàng trang nhã phù hợp với màu sắc của áo quần. Viết thế này là vì thỉnh thoảng đi dự những sự kiện trên tôi thấy người Việt ăn mặc không phù hợp. Nhiều người mặc váy áo xinh tươi như đi dự hội, lại có người đơn giản như đi bán hàng ngoài chợ. Cả hai trường hợp đều nên tránh.

Dự lễ trưởng thành nhập học cho trẻ, lễ tốt nghiệp cho con

Ở Đức ngoài những ngày như đã để trên còn có thêm ngày lễ trưởng thành hay nhập học và tốt nghiệp phổ thông, đại học cho con đều là những ngày rất quan trọng. Trong những ngày lễ đó thường chia ra lễ ban ngày và liên hoan vào buổi tối vì vậy ban ngày và ban tối mặc khác nhau.

Khi đi dự lễ nhập học hay tốt nghiệp ở trường, bố mẹ gia đình thường ăn mặc lịch sự thể hiện sự trang trọng trong ngày đáng nhớ đó. Đó là một cột mốc quan trọng của mỗi con người suốt chiều dài cuộc sống nên họ làm rất trang trọng.

Lễ nhập học và trưởng thành thì chỉ gia đình tham dự, sau buổi lễ họ cùng đi ăn nhà hàng. Còn lễ tốt nghiệp và nhận bằng thường chia làm hai phần lễ và hội. Sau buổi lễ thường thì tối hôm đó hoặc hôm sau tùy từng nhà trường tổ chức phần hội.

Ở đây chỉ nói đến trang phục nên đêm hội cũng gần như với đám cưới, phụ nữ ăn mặc rất đẹp thường là váy dạ hội vì trong ngày vui này không thể thiếu màn khiêu vũ cho nên phải mặc đồ dạ hội là vì thế.

Ngoài những ngày lễ đã nói trên thì người Việt còn thêm ngày lễ thôi nôi, đầy tháng, đi xem biểu diễn thời trang, nghệ thuật và ca nhạc hay đơn giản là tổ chức hội hè vào các dịp tết. Tất thả đêù cần có sự chuẩn bị chu đáo và phù hợp. Hội trong cộng đồng thì đơn giản hơn, có thể mặc áo dài hay váy áo lịch sự. Sau phần ăn uống cũng thường có thêm phần khiêu vũ cho nên cần thay váy dạ hội hay váy nhảy và giày dép.

Mai Anh