Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tuổi xế chiều và chuyện ở gần xa con cái

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

TBVĐ- Mỗi người có một tính toán, con không về được thì nhiều gia đình bố mẹ lại chuyển theo con.

“Con gái mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng mang cho…”

Tuổi hạc gần kề, thời gian này rất nhiều người thế hệ thứ nhất ở Đức có con cái trưởng thành đều cùng một mong muốn là con cháu sẽ quanh quẩn bên mình. Nhưng cũng có người cho rằng tương lai của con cái mới là quan trọng. Như nhiều vấn đề khác trong đời sống luôn có nhìn nhận nhiều chiều.

Tôi đã trò chuyện với rất nhiều đối tượng ở lứa tuổi này và qua trải nghiệm của bản thân và bạn bè cùng lứa tuổi, trải qua thực tế tôi muốn có đôi điều chia sẻ. Tôi có ba đứa con, hai gái một trai. Hai con gái đã từng học tập và làm việc ở Berlin và Hamburg. Khi con gái lớn có gia đình và em bé. Về nhà thưa chuyện với vợ chồng tôi, con bảo: “Con quyết định sẽ trở về gần nhà với bố mẹ vì tuổi thơ con đã không có ông bà và con muốn ở gần để sau này chăm sóc bố mẹ lúc về già.” Tôi mừng vui đến ứa nước mắt và rất thương con vì công việc của hai vợ chồng đang thuận lợi.

Cũng như nhiều bậc sinh thành khác là ưu tiên cho công việc và tương lai của con cháu nhiều hơn. Nhưng lòng không khỏi thầm ao ước là có con cháu bên mình. Và ước mong đó của tôi đã thành sự thật. Nghĩ cũng may nhưng cũng có thể do tôi đã gieo vào lòng con trẻ ước mong này từ khi con còn nhỏ. Vậy con cái trưởng thành và bố mẹ sống gần nhau có những lợi hại gì.

Cái gì cũng có hai mặt của nó nhưng trước hết tôi xin kể về cái lợi. Con gái sinh em bé, cả nhà vui mừng khôn xiết. Con gái thứ hai đi học ở Hamburg xong cũng chọn về nhà với bố mẹ, con trai út đang đi học phổ thông. Vợ chồng con gái lớn ở riêng, con gái thứ hai cũng vậy nhưng gần nhà chị và bố mẹ. Chị em gần gũi thương yêu nhau. Chiều chiều cả nhà thay nhau đón cháu rồi về chơi nên quấn quýt vô cùng. Cuối tuần cả nhà lại cùng nhau nấu nướng ăn uống hoặc đi chơi. Hàng ngày chia sẻ, không chỉ công việc hay vật chất mà tâm lý cũng vậy. Thật khó mà kể hết sự tiện lợi khi gia đình được bên nhau.

Trẻ con gần gũi mới tình cảm, cho dù bố mẹ có cố gắng bao nhiêu chăng nữa thì tình cảm khi các cháu xa ông bà, cô bác cũng khác hơn khi gần gũi nhiều. Đặc biệt là khi các cháu còn nhỏ dại, có ông bà, cô chú dì giúp đỡ mới thật là vô giá. Nhất là khi con ốm đau, đêm hôm săn sóc, lúc này một mình vợ chồng rất vất vả chưa kể những kinh nghiệm quý báu mà bố mẹ đã trải qua lúc nuôi con giờ truyền lại cho con cháu. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn nhất mà tình cảm gắn bó trong gia đình mới là điều không thể nào đo đếm được.

Tôi có mấy người bạn có con ở xa, mỗi lần đi thăm con thật vất vả, về nhà lại nhớ nhớ mong mong. Trẻ nhỏ lớn rất nhanh nên thật tiếc quãng thời gian các cháu thiếu ông bà khi không được gần bên. Được sống gần con cháu ông bà cũng khỏe ra nhiều vì tinh thần phấn khởi.

Tôi có chị bạn con ốm, đang đêm bố mẹ phải chạy xe gần sáu trăm cây số mới đến thăm con được. Trên đường đi lòng hồi hộp lo âu, mỗi lần đi lại như thế chị lại kêu đau lưng mệt mỏi. Rồi khi anh chị ấy ốm con cái lại bỏ việc chạy về thật bất tiện. Còn bình thường mỗi năm mới gặp nhau được đôi ba lần vì ai cũng bận rộn nhất là khi con đã có gia đình. Chị bảo chỉ ao ước các con nó về sống cạnh mình.

Mỗi người có một tính toán, con không về được thì nhiều gia đình bố mẹ lại chuyển theo con. Việc này thường phức tạp hơn vì người già khó thích ứng hơn người trẻ khi thay đổi môi trường sống, ngoài công việc còn bè bạn và các mối quan hệ khác đã quen thuộc nếu không cẩn thận có thể trở nên trầm cảm. Ngoài ra cũng có những đứa con không muốn gần bố mẹ, đơn giản là nhiều bậc phụ huynh khi con sống gần hay áp đặt nên tâm lý của con không thích sống gần dù vẫn rất yêu thương cha mẹ.

Cũng có người nói ở gần ở xa giờ không quan trọng vì đã có các phương tiện liên lạc nghe nhìn thường xuyên. Nhưng nói thế mà thực tế là không phải thế vì nhìn từ xa sẽ khác rất nhiều khi ở gần. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ, xa thương gần thường. Nhất là mẹ chồng nàng dâu, nếu không khéo léo sẽ có chút phức tạp. Vì thế cả hai bên đều cần hết sức thông cảm và đặc biệt là tôn trọng đời sống riêng tư của nhau thì cuộc sống mới vui vẻ được. Điều quan trọng là cần tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ. Cần tôn trọng tự do riêng tư của con cái cũng như tạo cho con lòng tin và và sự ấm áp thoải mái trong cuộc sống hàng ngày.

Khác với ở quê nhà, con cái ở đây có tính tự lập cao, vì vậy những va chạm về kinh tế thường ít hơn ở nhà hoặc có thể nói là rất ít xảy ra vì cái gì tặng ra tặng, vay ra vay rất rõ ràng. Bố mẹ có thì cho, không thì thôi, không có tính ỷ lại. Vì vậy ngoài những chuyện lặt vặt thôi thì con cái ở gần cha mẹ lợi trăm đường.

Điều khó khăn là nhiều bạn trẻ không nghĩ tới điều sâu xa này. Họ chọn sự thoải mái khi đi xa và sự nghiệp. Nhưng đời người có nhiều thứ quan trọng chứ không riêng công việc và kiếm tiền. Trong đó tình cảm gia đình gắn bó và trách nhiệm với bố mẹ lúc khỏe còn có lúc đau ốm hay về già rất cần các bạn trẻ thế hệ thứ hai đặt sự quan tâm. Truyền thống này cần được tiếp nối giữ gìn, muốn thế không chỉ mong muốn mà ngay từ khi con còn thơ ngây, bố mẹ cần có sự định hướng cũng như giáo dục cho con truyền thống đạo đức, biết ơn cha mẹ bằng những hành động cụ thể. Trong đó có tình cảm và trách nhiệm với bậc sinh thành lúc về già. Tất nhiên nói thế không có nghĩa là bắt buộc phải gần nhau mà cố gắng sắp xếp sao cho phù hợp.

Thiên Nga