Sài Gòn đang rộn ràng mùa lễ hội cuối năm. Nào là Noel, tết Tây, tết Ta…
Và tôi biết chắc chắn rằng những buổi tiệc tùng cuối năm ở Việt Nam không thể thiếu bia rượu. Họ phải tiếp khách, phải uống rượu với đối tác, bạn bè. Tôi có cảm tưởng “lễ hội uống bia” ở Việt Nam là không bao giờ kết thúc.
Nhiều người bị ép phải uống. Vài người gượng ép phải uống. Hàng triệu người Việt Nam sẽ hô “trăm phần trăm”, “zô, zô”… Họ còn uống nhiều hơn thế khi Tết truyền thống sắp đến.
Thi thoảng, tôi đi ăn uống cùng một số đồng nghiệp ở nhà hàng và “luật bất thành văn” ở Việt Nam là phải “nhậu” mỗi khi ra hàng quán. Tôi chợt nghĩ: “Tuần này đã uống rượu mấy lần rồi? Ba lần? Không, bốn lần thì phải”.
Năm năm trước, để học tiếng Việt nhanh hơn, tôi quyết định đến sống ở Thái Bình. Tôi làm ở một công ty sản xuất dệt may. Ở đó, tôi có cơ hội khám phá về “phong tục nhậu” ở miền Bắc Việt Nam. Công ty tôi tổ chức rất nhiều buổi tiệc. Bởi họ rất quan trọng các mối quan hệ. Nếu bạn muốn biết đối tác là ai và muốn quan hệ làm ăn phải nhậu với họ. Nhậu có nhiều phong tục không phù hợp với một người nước ngoài như tôi.
Tôi từng bị trợ lý mắng bởi vì không mời người ta sau khi họ mời rượu tôi, hay tôi từ chối uống vì thấy không muốn uống nữa. Họ cho rằng tôi không đủ lịch sự và tôi không muốn theo phong tục của họ. Nhưng thực ra, khi học điều mới tôi cũng thấy vui vẻ và thú vị, chỉ là lo về sức khỏe. Trong thời gian “học nhậu” đó, sức khoẻ tôi giảm rất nhiều.
Với một người Canada như tôi, lần đầu tiên gặp “phong tục nhậu” của nước khác thì khá lạ và bất ngờ. Vì ở Canada, chúng tôi rất ít khi vừa đi làm vừa đi chơi và hầu như không đi nhậu để bàn công việc. Dân Canada chỉ đi uống rượu vào cuối tuần.
Lúc còn nhỏ bố nói với tôi: “Loài người tự bẫy loài người. Rượu là chu kỳ xấu. Mình đi làm để có tiền, rồi cuối tuần tiêu tiền đó mua rượu. Đầu tuần lại chiến đấu có tiền để mua bia cuối tuần sau”.
Bố khuyên tôi, khi bị bẫy trong chu kỳ thì cố gắng bước ra khỏi nó và nhìn lại cuộc sống của tôi từ bên ngoài. Bố tôi đã “chiến đấu” một thời gian khá dài để cai rượu và ông đã bỏ hẳn. Bố nói điều khó nhất khi cai rượu là những bạn nhậu của bố. Bố chỉ có thể bỏ nhậu khi không gặp họ và từ chối khéo những lời rủ rê của họ.
Alcoholism: Clinical & Experimental Research là một tạp chí nghiên cứu và xuất bản về tác hại của rượu. Tạp chí này chỉ ra rằng, những người hay uống rượu bị giảm sự đồng cảm và không thể hiểu được các hình thức giao tiếp phức tạp.
Những người thường xuyên uống rượu mà tôi từng gặp, họ mất đi sự đồng cảm. Đồng cảm là khi bạn nhìn vào mắt người khác, bộ não của họ sẽ ghi lại những cảm xúc của bạn và bắt chước cảm xúc của bạn trong giây lát. Như nhìn vào đôi mắt của ai đó đang khóc, bạn sẽ có cảm giác buồn giống họ. Nhưng nhìn vào đôi mắt của người đang say rượu, tôi thấy họ không hiểu gì về cảm xúc của tôi. Họ bắt đầu trêu chọc tôi, rồi nói lời lẽ “xúc phạm” tôi hơn. Vì họ say, họ không thể hiểu được cảm xúc của tôi và cả những gì họ đang nói. Họ không thể thấy tôi đang bị xúc phạm hoặc mệt mỏi.
Như với tất cả thói quen mình có, bạn càng làm nó, nó càng mạnh. Những người thường xuyên uống rượu càng ngày càng sa vào chu kỳ xấu. Não của họ thay đổi nhiều hơn. Trung tâm thông cảm của họ suy giảm. Nhiều vấn đề trong việc hiểu và giao tiếp cũng giảm sút theo.
Tôi cũng thích nhậu lắm. Nó rất vui. Nhưng tôi chỉ xem nhậu như một công cụ, thỉnh thoảng uống một hoặc là hai lon bia để giao lưu, chia sẻ với bạn bè.
Tết sắp đến rồi. Tôi cũng ở đây, cũng theo phong tục của Việt Nam. Có một ý nghĩ thôi thúc tôi. Tôi đã “ủ mưu” và lên kế hoạch với slogan: “Tháng Chạp không say”. Tôi đưa ra thử thách này với bạn bè tôi mặc dù điều này không hề dễ với họ. Nhưng tôi bắt đầu lo lắng cho sức khoẻ của họ. Mong những người tôi yêu quý sẽ hào hứng tham gia thử thách này.
Theo Jesse Peterson / vnexpress.net
(Nguyên bản tiếng Việt)