Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Xe điện bán chạy kỷ lục trên toàn cầu

Ảnh minh họa: Hồng Nhung

Lượng xe điện bán ra trên toàn cầu trong quý III/2017 đã tăng mạnh 63%, nhờ đó chạm ngưỡng kỷ lục mới với nhân tố chính thúc đẩy là Trung Quốc.

Cụ thể, từ tháng 7 tới tháng 9 vừa qua, tổng lượng xe điện thuần (EV) và hybrid sạc điện (PHEV) được bán ra trên toàn cầu đã nhảy vọt 63% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 287.000 xe, theo thống kê của Bloomberg. Đáng chú ý là Trung Quốc – quốc gia hiện nắm giữ vị trí số 1 về doanh số ô tô hàng năm, chiếm hơn một nửa số xe nói trên.

Các nỗ lực và chính sách trợ giá, giảm thuế của chính phủ nước này cho dòng xe điện đóng vai trò không nhỏ tới kết quả ấn tượng nói trên. Mức giá xe điện so với xe dùng động cơ đốt trong cùng phân khúc tại đây có thể rẻ hơn tới 40%.

Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Do đó, xe điện được lựa chọn như một giải pháp hạn chế khí thải hiệu quả. Ngoài hỗ trợ người mua, giới chức lãnh đạo tại đây còn hỗ trợ, khuyến khích các tập đoàn nội địa sản xuất ra các mẫu xe điện cho cả thị trường trong và ngoài nước.

Thị trường xe điện lớn thứ 2 toàn cầu trong quý III là châu Âu với 24% thị phần, Bắc Mỹ chỉ về thứ 3 dù là quê hương của thương hiệu xe điện số 1 thế giới hiện nay là Tesla.

Với kết quả khả quan trong quý III, nhiều khả năng tổng doanh số xe điện toàn cầu trong năm 2017 có thể cán ngưỡng 1 triệu chiếc lần đầu tiền trong lịch sử. Cơ sở hạ tầng cho xe điện, trong đó chủ yếu là trạm sạc công cộng, đang ngày một trở nên phổ biến hơn tại nhiều quốc gia, đồng thời các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực ắc quy cũng giúp kéo dài quãng đường xe di chuyển được mỗi lần sạc đầy, nhờ đó thu hút nhiều khách hàng hơn.

Các tập đoàn lớn như Volkswagen, Daimler hay Geely cũng đều đã thể hiện tham vọng điện hóa một phần hoặc hoàn toàn các dòng xe của mình trong thời gian tới. Xu hướng chuyển dịch sang xe điện đang ngày một rõ ràng hơn, nhất là khi một số nơi đã rục rịch hạn chế xe sử dụng động cơ đốt trong như Hà Lan (2030), Pháp hay Anh (trước 2040).

Theo Quang Phong / ttvn.vn