Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Muôn nẻo mưu sinh: Gập ghềnh “con đường tơ lụa”

Ảnh minh họa: Trần Hiếu

Lời Tòa Soạn: Quý độc giả thân mến! Cộng đồng người Việt đến Đức đã trải qua nhiều thập kỷ. Để hòa nhập vào quốc gia cường thịnh bậc nhất Châu Âu này, người Việt không chỉ thông minh, sáng tạo mà quan trọng hơn tất cả là chịu khó. Thời báo Việt Đức xin giới thiệu đến quý độc giả loạt bài viết „Muôn nẻo mưu sinh“ – những câu chuyện của những nhóm nghề đã được người Việt nhen nhóm và duy trì tại Đức trong suốt những năm in dấu ấn.

TBVĐ- Người Việt Nam có mặt ở nước Đức từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nhưng sau thống nhất nước Đức mới là thời kỳ nhộn nhịp nhất.

Thập niên 90 người Việt ngoài những nghề như bán rau quả hay làm quán thì nghề hàng vải tức hàng may mặc được biết đến là ngành hàng kinh doanh sớm nhất và thành công nhất ở đây, đặc biệt là phần Đông Đức.

Người Việt ở phần Tây Đức trước đây đều chủ yếu là du học sinh và thuyền nhân, trong khi ở Đông Đức là du học sinh và người lao động hợp tác với chính quyền Đông Đức cũ. Sau thống nhất thì hai miền vẫn khác biệt rất nhiều. Phần Tây ngoài những người đi làm hãng thì còn lại chủ yếu là kinh doanh nhà hàng, nhưng càng về sau người tị nạn sang càng đông nên việc kinh doanh của người Việt cũng dần thay đổi và phát triển hơn rồi lan dần sang cả phần Tây. Nhưng ngày nay ngành hàng may mặc ngày càng trở nên èo uột và dần đi vào tàn lụi. Phần lớn các cửa hàng chỉ sống cầm cự.

Một thời hoàng kim

Người Việt kinh doanh hàng may mặc từ trước và trong những đầu thống nhất với việc may quần áo bán cho người Đức. Họ nắm bắt cơ hội rất nhanh, tìm nguồn hàng từ nhiều nơi. Có cầu sẽ có cung, các ông chủ  người Ba lan đưa hàng sang cho người Việt bán. Thoạt đầu mỗi người xách một cái túi dứa trên vai hay hai tay hai túi đến những nơi đô hội, trải tấm ni lông bày đồ ra bán vỉa hè. Có khi họ xách theo cái giàn phơi quần áo treo đồ lên bày bán. Hàng chủ yếu chỉ là áo len mỏng (Milimung), nhưng có bao nhiêu gần như bán hết bấy nhiêu.

Về sau hàng được giao bất hợp pháp tại phòng riêng ở các ký túc xá. Bị chính quyền Đức vào cuộc kiểm tra, nên các khu tập thể cũng dần giải tán. Từ đấy các kho giao hàng lớn được các ông chủ nhạy bén lập ra, đưa thêm nhiều dịch vụ đi kèm và hàng hoá đương nhiên cũng phong phú hơn. Thêm vào đó, các ông chủ kinh doanh người Ấn Độ và Pakistan cũng tham dự.

Việc kinh doanh ngày càng tốt, người Việt tỏa ra khắp nơi đi tìm nguồn hàng. Phổ biến nhất là đến tận nơi sản xuất để đặt hàng theo mẫu mã yêu thích. Hàng ngồn ngộn được chở về theo nhiều ngả đường từ Ba Lan, Hungary, Pháp rồi Anh và về sau còn có cả hàng sản xuất ở Đức, Ý. Đương nhiên không thể thiếu nguồn hàng từ Việt Nam sang theo con đường chính ngạch hẳn hoi, và cả hàng Trung Quốc có mặt khắp thế giới.

Nhiều ông chủ lớn người Việt đã xây hẳn nhà máy ở quê nhà hay các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn tự sản xuất để có thể thu từ gốc đến ngọn và chủ động nguồn hàng. Ngoài ra có những ông bà chủ sang tận Hồng Kông hay Hàn Quốc đặt hàng vì chất liệu sản phẩm không phải nơi nào cũng giống nhau và dễ kiếm.

Chẳng mấy chốc họ trở thành đại gia. Thời kỳ thịnh vượng các ông bà chủ lớn thuê kho đựng hàng lên tới hàng nghìn mét vuông là chuyện phổ biến. Những cuộc cạnh tranh khốc liệt xảy ra giữa các kho giao hàng cũng xuất hiện.

Vì sao nên nỗi?

Sự đi xuống của một nghành nghề nào đó luôn có những lý do, với nghành hàng may mặc của người Việt cũng vậy. Một là người Việt chủ yếu bán cho đối tượng cao tuổi mà mẫu mã gần như được lặp lại hàng năm, trong khi mode của các hãng Tây thay đổi rất nhanh để phù hợp với  thị hiếu của khách hàng.

Hai là việc phát triển bán hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ưu thế đương nhiên thuộc về người bản địa có ngôn ngữ giao dịch và viết lách rồi quảng cáo chuyên nghiệp hơn. Chưa kể hàng hoá cũng phong phú và đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, kích cỡ phù hợp hơn nhiều. Họ lại thường được bảo chứng bằng những thương hiệu riêng của mình. Thứ mà người Việt hầu như không có nên thị phần này ngày càng lấn lướt làm cho người bán lẻ ngày càng khó khăn.

Ba là các chuỗi cửa hàng bán thực phẩm Đức đồng loạt chen chân vào thị trường may mặc. Điều rất đáng nói là họ chỉ bán chuyên một số mặt hàng phổ biến và mùa nào thức nấy với giá cả rất phù hợp túi tiền lại tiện lợi. Cứ thế thị phần của người Việt ngày càng trở nên eo hẹp.

Đã vậy người Việt và các chủ hàng lại không có được tiếng nói chung. Một sản phẩm may mặc thường phải đạt được bốn tiêu chí, đó là màu sắc, chất liệu, kiểu dáng mẫu mã và kích cỡ nhưng rất đáng tiếc không mấy khi đạt được cả bốn tiêu chí này. Thường  được cái này thì mất cái kia mà vì áp lực doanh thu nên các nhà sản xuất cứ ồ ạt cho ra hàng mới. Hầu hết người bán lẻ đều khốn khổ vì ế cỡ to và cỡ bé. Nhưng người kinh doanh không có quyền chọn cỡ quần áo mà phải mua „cả chùm“ với tất cả các loại cỡ lớn nhỏ.

Ngoài những lý do trên thì một vấn đề không thể bỏ qua là người dân Đức thế hệ trẻ hơn ngày càng ít quan tâm đến hàng Việt. Những người ở thế hệ hay mua hàng Việt ngày càng già đi thì họ cũng ít tự ra đường mua bán. Họ cũng không có tiền để mua áo quần nhiều như trước, chưa kể họ không còn giao tiếp nhiều nên cũng không có nhu cầu. Trong khi đó người Việt vì cạnh tranh họ sẵn sàng phá giá đến cùng khiến cho lãi suất ngày một kém đi.

Cuối cùng phải kể đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa chính các hãng Tây nhiều tiền và chuyên nghiệp thống lĩnh các mặt hàng may mặc giá rẻ trên thế giới ồ ạt đổ vào thị trường Đức. Họ đặt hàng và sản xuất ở những nước nghèo, lợi thế về nhân công nên hàng hoá cũng ngày một rẻ hơn gây khó khăn cho chính các chủ hàng người Việt và đương nhiên người bán lẻ cũng phải chịu hệ lụy.

Thiên Nga