Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bị nghi oan trộm cắp, khi nào được đền bù

Ảnh minh họa: Trần Hiếu

TBVĐ- Trong hầu hết các siêu thị lớn tại Đức đều có thám tử riêng của cửa hàng với nhiệm vụ phát hiện kẻ trộm, nhờ sự hỗ trợ của camera và thiết bị chống trộm điện tử.

Nhờ thám tử và thiết bị hỗ trợ, nhiều kẻ trộm bị bắt tại trận. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khách hàng bị nghi ngờ oan. Một số người cảm thấy việc bị nghi ngờ ăn trộm, tạm giữ trong văn phòng và thông báo cho cảnh sát là hành vi vi phạm quyền cá nhân, thậm chí tước đoạt quyền tự do và yêu cầu được đền bù đau đớn Schmerzensgeld. Việc này hợp lệ hay không?

Có được đền bù khi quyền cá nhân bị tổn hại?

Nếu bị thám tử của cửa hàng nghi ngờ oan tội trộm cắp, khi đó quyền cá nhân của khách bị tổn hại. Ngoài ra, quyền tự do Freiheitsrecht cũng bị vi phạm, nếu khách hàng bị bắt giữ lại để tra hỏi. Về cơ bản, nếu hai quyền lợi trên bị tổn hại, khách hàng được phép yêu cầu đền bù tiền đau đớn Schmerzensgeld theo điều §823 Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc một vài yếu tố khác, chẳng hạn nếu có cơ sở nghi ngờ chính đáng và nghi ngờ này không được thể hiện ở nơi công cộng hay trước mặt người thứ ba, khách hàng sẽ không được nhận tiền đau đớn (án quyết của tòa án tiểu bang Koblenz, án số: 5 U 1348/11), do trong trường hợp này không vi phạm quyền cá nhân đến mức phải cân bằng bằng việc trả tiền đau đớn (án quyết của tòa án Oldenburg, án số 13 U 149/85).

Trong trường hợp cụ thể, sau khi thử quần áo ở phòng thay đồ, nhân viên cửa hàng yêu cầu khách hàng đến văn phòng nói chuyện. Tại đó, nhân viên cho biết nghi ngờ khách hàng lén giấu quần áo vào túi, do dưới nền phòng thay đồ có phát hiện một số tem an toàn bị xé. Tuy nhiên, nữ khách hàng một mực phủ nhận.

Cảnh sát được gọi đến để khám xét nhưng không tìm thấy hàng ăn cắp. Cảm thấy bị xúc phạm vì bị nghi ngờ oan, nữ khách hàng yêu cầu đền bù đau đớn 500 Euro nhưng bị tòa án Amtsgericht Coburg bác đơn với lập luận, nhân viên cửa hàng không vi phạm quyền cá nhân và tự do của khách, do có cơ sở nghi ngờ chính đáng. Ngoài ra, nhân viên không đổ tội ăn cắp cho khách hàng trước mặt mọi người mà mời vào phòng riêng, nơi chỉ có hai người để nói chuyện. Do đó, cửa hàng không có trách nhiệm đền bù.

Có được nhận tiền đau đớn do bị tước đoạt quyền tự do?

Trong trường hợp khác, một nữ khách hàng bị nghi ngờ tội trộm cắp và bị giữ lại trong văn phòng của cửa hàng để đợi cảnh sát đến làm việc. Bất bình vì bị nghi ngờ sai và cảm thấy quyền tự do bị tổn hại, nữ khách hàng đem vụ việc kiện ra tòa Amtsgericht Osnabrück yêu cầu cửa hàng đền bù tiền đau đớn.

Tòa đứng về phía khách hàng, cho biết cửa hàng đã vi phạm quyền tự do của khách và phải đền bù. Do người phụ nữ bị giữ lại một tiếng, bà được đền bù 250 DM (khoảng 125 Euro) tiền đau đớn (tòa án Osnabrück, án số 40 C 269/88).

Bảo Ngọc