Các lò hoả táng ở Đức có thể phải ngừng hoạt động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu ngày càng trầm trọng.
Theo hãng tin Reuters, khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gia tăng căng thẳng giữa châu Âu và Moskva, nhiều quốc gia đang cảnh giác về khả năng Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Nhiều doanh nghiệp ở Đức đang đề xuất kế hoạch dự phòng để đối phó với chi phí khí đốt tăng cao và rủi ro không còn khí đốt Nga bằng mọi giá. Trong đó, các lò hỏa táng có thể phải ngừng hoạt động nếu không có khí đốt tự nhiên.
Ông Svend-Joerk Sobolewski, Chủ tịch Hiệp hội Hỏa táng của Đức, cho biết trong trường hợp Đức tìm được bất kỳ nguồn cung nào, lĩnh vực này nên được ưu tiên vì nếu không có khí đốt, hầu hết các lò hỏa táng không thể hoạt động. Ông Sobolewski giải thích: “Chúng ta không thể ngăn cản cái chết”.
Trong số khoảng một triệu người tử vong hàng năm ở Đức, gần 3/4 thi thể được mang đi hỏa táng. So với các nước châu Âu khác, con số này chiếm tỷ lệ cao. Điều này một phần xuất phát từ truyền thống ở đông Đức trước đây, nơi hầu như tất cả mọi người đều thực hiện nghi lễ chôn cất thông qua hỏa táng. Nghi lễ này tiếp tục được lưu tuyền khi nhiều gia đình chuyển đến những nơi ở mới và người lớn tuổi không thể đến thăm mộ của người thân thường xuyên.
Về lâu dài, việc chuyển đổi từ sử dụng khí đốt sang điện có thể là một lựa chọn thay thế, nhưng các chuyên gia cho rằng không thể thực hiện biện pháp này trong một sớm một chiều. Trước mắt, biện pháp khả thi là giảm nhiệt độ trung bình của lò hoả thiêu từ 850 độ C hiện tại xuống 750 độ C. Điều này có thể tiết kiệm từ 10% đến 20% lượng khí đốt, nhưng biện pháp này cần phải có giấy phép đặc biệt từ các cơ quan có thẩm quyền của tiểu bang.
Trong bối cảnh dòng chảy khí đốt ngày càng cạn kiệt, các cơ sở hoả táng ở Đức đã buộc phải tắt một số lò hoả thiêu, và chỉ để một số lò khác hoạt động liên tục. Những lò này sẽ không tắt đi và cần nhiều khí đốt hơn để làm nóng. Ông Karl-Heinz Koensgen, người quản lý lò hỏa táng ở Dachsenhausen, miền tây nước Đức, nói: “Trong trường hợp xảy ra sự cố về khí đốt, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục vận hành các lò hoả táng còn nóng. Điều đó có nghĩa là chúng tôi vẫn có thể hoạt động khi nguồn cung giảm”.
Ông Sobolewski thuộc Hiệp hội hỏa táng của Đức cho biết biện pháp này có thể giảm tới 80% lượng tiêu thụ khí đốt, nhưng không phải tất cả các cơ sở hỏa táng đều có đủ khả năng để hoạt động theo mô hình này. Ông đề xuất các doanh nghiệp trong ngành nên hợp tác để tìm giải pháp.
Trong một tuyên bố, Bộ Môi trường Đức cho biết họ đang làm việc với chính quyền các bang để ban hành hướng dẫn về các trường hợp ngoại lệ nhiệt độ tối thiểu có thể xảy ra. Giới chức nói rằng hướng dẫn này sẽ có sẵn trong những tuần tới.
Bộ Kinh tế Đức chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Phần lớn châu Âu đang cảm thấy căng thẳng do bị Nga giảm cung cấp khí đốt tự nhiên, tuy nhiên không quốc gia nào bị ảnh hưởng như Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực và có gần một nửa số ngôi nhà dùng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm. Nhà chức trách lo ngại Berlin sẽ rơi vào tình trạng bất ổn xã hội nếu thiếu hụt năng lượng vượt ngoài tầm kiểm soát.
Giá điện ở Đức đã tăng kỷ lục vào tuần trước. Đức đã kêu gọi các công ty và người tiêu dùng tăng cường nỗ lực tiết kiệm. Bộ Kinh tế Đức đã cho phép hoạt động lại các nhà máy nhiệt điện than dù ảnh hưởng tới khí hậu và khuyến nghị người Đức lắp đặt vòi hoa sen tiết kiệm nước và giặt quần áo ở nhiệt độ thấp hơn.