Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cảnh giác chiêu quảng cáo qua điện thoại

Sáu triệu mục thông tin cá nhân, bao gồm các chi tiết về tài khoản ngân hàng, số điện thoại được rao bán trên Internet chỉ với giá 850 Euro và bất cứ ai cũng có thể mua được một cách dễ dàng. Phát hiện này của cơ bảo vệ dữ liệu đang gây chấn động dư luận vì đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư.

Cơ quan bảo vệ dữ liệu tại Schleswig-Holstein cho biết mới đây họ đã thu được các đĩa CD chứa hàng ngàn mục thông tin cá nhân bao gồm dữ liệu về tài khoản ngân hàng, ngày sinh và địa chỉ do một tổng đài thu thập được. Người đứng đầu cơ quan này cho rằng, hơn 20 triệu mục thông tin từ các tài khoản ngân hàng cá nhân đã bị bán cho bên thứ ba. Vụ bê bối buôn bán dữ liệu khách hàng bất hợp pháp liên quan đến tập đoàn Deutsche Telekom. Ngân hàng dữ liệu của công ty này chứa thông tin cá nhân của khoảng 30 triệu khách hàng và đã bị truy cập bất hợp pháp, thu thập thông tin và mua bán. Bên cạnh vụ bê bối mức độ lớn nói trên, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian cuối cũng lên tiếng cảnh báo dân chúng nên thận trọng trong việc “bật mí“ các thông tin cá nhân của mình. Theo đánh giá, hiện có rất nhiều đối tượng đang làm ăn bằng cách thu lượm thông tin khách hàng và kinh doanh món hàng thông tin này, phổ biến bằng phương pháp quảng cáo qua điện thoại. Cũng bằng cách thức này, nhiều người dân đã mất oan, bị rút tiền từ tài khoản ngoài ý muốn, theo những hợp đồng mua hàng không hề ký kết. Việc quảng cáo qua điện thoại là trái với pháp luật nếu không được sự đồng ý của khách hàng. Tuy vậy nhiều hãng bán hàng vẫn sử dụng cách thức này để làm ăn, có thể nói ở một dạng “lừa đảo“khách hàng. Vì sau khi nói chuyện qua điện thoại như vậy, ông A bà B sau đó thường nhận được hóa đơn yêu cầu thanh toán, mặc dù A, B không đặt hàng.

Ví dụ: Một phụ nữ trẻ 20 tuổi nhận điện ở nhà từ hãng Bonus.net. Người ta quảng cáo về hệ thống giảm giá hàng, sẽ làm lợi rất nhiều cho người mua và xin địa chỉ để gửi hồ sơ quảng cáo. Quả nhiên sau một tuần, cô gái trẻ cũng nhận được quyển Katalog của hãng nọ và hoàn toàn không quan tâm đến nó. Sự việc tưởng đến đây là chấm dứt, nhưng chỉ ít ngày sau đó, người phụ nữ ở tiểu bang Nordrhein-Westfalen nhận tiếp một hóa đơn yêu cầu thanh toán 60 Euro từ công ty Bonus.net. Không chấp nhận vì không đặt hàng, sau đó ít lâu cô nhận tiếp thư của luật sư kinh tế, đòi thanh toán 60 Euro cho hãng nọ và chi phí của luật sư. Đây không phải là một trường hợp cá biệt. Tuy rằng người ta có thể ký hợp đồng (ví dụ như đặt báo) qua điện thoại, nhưng khách hàng phải được giải thích về quyền rút hợp đồng (Widerrufsrecht) và đồng ý với việc mua bán. Ngoài ra bên bán hàng phải gửi cho khách hàng các quy định kinh doanh chung (Allgemeine Geschảfts-bedingungen) của mình để khách ký. Chỉ khi đó, hãng bán hàng mới có bằng chứng chứng minh việc khách đồng ý mua hàng.

Những đòi hỏi kiểu như hãng Bonus.net đối với cô gái ở Nordrhein- Westfalen, theo nhận định của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng (Verbraucherschützer), là hoàn toàn không có cơ sở. Bonus.net không hề có hồ sơ chứng tỏ việc khách hàng muốn đặt món hàng nào đó của mình. Tuy nhiên trên thực tế họ vẫn tiếp tục gửi thư yêu cầu, gây áp lực với khách hàng và hy vọng đạt mục đích thu tiền. Trong  những trường hợp này, một nguyên tắc cơ bản người ta cần biết là không bao giờ thanh toán, không phản ứng ngay cả với những thư từ của Luật sư hay doanh nghiệp đòi nợ (Inkassounternehmen). Chỉ khi có giấy cảnh cáo của tòa án (gericht- licher Mahnbescheid), khách hàng liên quan mới nên liên lạc với một văn phòng bảo vệ người tiêu dùng (Verbraucherzentrale) hoặc Luật sư. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, khả năng này rất thấp vì những hãng bán hàng kiểu Bonus.net kể trên cũng tự biết rằng, nếu ra tòa, họ không có cơ hội thắng kiện.

Một hiện tượng gần đây đang “nở rộ“ phải kể đến là tình trạng quảng cáo qua điện thoại và tìm cách thu thập thông tin, trong đó có số tài khoản khách hàng. Các chuyên gia cảnh báo dân chúng và khuyên không bao giờ thông báo thông tin tài khoản cá nhân của mình qua điện thoại. Thực tế cho thấy, thật sự người ta không biết mình đang nói chuyện với ai, và đối tượng sẽ làm gì với số tài khoản đó. Ở không ít trường hợp, khách bị lấy tiền từ tài khoản sau đó. Tuy vậy chủ tài khoản có quyền rút lại số tiền bị chuyển trong phạm vi 6 tuần, và ngân hàng làm việc này miễn phí. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn lợi dụng sự sợ hãi lộ bí mật tài khoản của dân chúng để làm ăn bất hợp pháp. Mới đây, một công ty mang cái tên rất “oách“ là “Hiệp hội dịch vụ người tiêu dùng liên bang“ (Bundesverband Verbraucherservice), sau khi mua được thông tin cá nhân trong đó có số tài khoản, đã gọi điện cho khách hàng và thông báo thông tin của họ bị lộ. “Hiệp hội dịch vụ người tiêu dùng liên bang“ đồng thời cũng quảng cáo dịch vụ bảo vệ dữ liệu bí mật của mình với giá 59 Euro / năm. Hoảng hốt, không ít người đã ký hợp đồng với hãng nọ và chịu “mất oan“ số tiền nói trên. Trong trường hợp này, ngay cả khi đã ký giấy ủy quyền rút tiền (Einzugsermächtigung), khách hàng cũng có quyền yêu cầu ngân hàng của mình rút lại số tiền trên miễn phí trong phạm vị 6 tuần và hủy ủy quyền. Không có Einzugsermächtigung, hạn rút ngược tiền về tài khoản thập chí lên tới 3 năm theo quy định Luật dân sự BGB. Dư luận Đức đang kêu gọi cải tổ bộ luật về bảo vệ dữ liệu, đã có từ cách đây 30 năm cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin. Có ý kiến cho rằng những vụ việc trên khó có thể ngăn chặn được hành động buôn bán dữ liệu cá nhân trong bối cảnh người dân ngày càng ưa chuộng hình thức mua bán qua mạng sử dụng tài khoản hay thẻ tín dụng. Để ngăn chặn các hành vi lạm dụng dữ liệu cá nhân vào các mục đích sai trái, các chuyên gia bảo vệ dữ liệu khuyến cáo người dân phải thường xuyên kiểm tra tình trạng tài khoản của mình, lập tức thông báo khi phát hiện bị rút tài khoản bất hợp   pháp.  Những người sử dụng mạng Internet, khi ký kết các hợp đồng qua mạng, cũng được khuyên chỉ đưa ra các thông tin cần thiết nhất được yêu cầu. Những dòng không có sao (Sternchen: mục phải ghi) tuyệt đối không nên khai.

(Hoài Nam tổng hợp)