Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cây đào Tết trong căn hộ ở Berlin

Ảnh: Trung Hiếu

Quê tôi nằm bên bãi sông Hồng, quanh năm cây cối xanh tươi bởi đất phù sa màu mỡ. Cây như người cứ trồng là lên, cứ đẻ là lớn. Quê miền Bãi nên nhà nào cũng vườn rộng, ruộng dài, có gia đình vườn 2-3 sào, có vườn gần mẫu, nhà nào cũng thế.

Vườn rộng vậy, nhưng dân quê chủ yếu trồng rau, mùa nào thức nấy, nhanh lớn, nhanh thu hoạch, bán chủ yếu lấy tiền đong gạo. Vậy là cả làng, cả tổng chả nhà nào trồng đào, họa hoằn lắm mới có nhà trồng mận, cũng chỉ để chơi thôi. Chứ mận ra nhiều hay ít quả cũng chả bán được xu nào, có quả hàng xóm đến xin, có quả trẻ con trẩy trộm. Mận còn quả nào sót lại, để đến ngày „mùng 5 tháng 5“ giết sâu bọ. Vì thế, dịp Tết dân quê tôi hay lấy cành mận, hoa mận thay cho cành đào, thi thoảng có nhà cắm thêm bông hồng tự trồng ở vườn nhà mình. Vậy thôi, ngày Tết chủ yếu chạy cái ăn, lo cái mặc chứ bụng dạ đâu nghĩ đến hoa lá cảnh như bây giờ?

cay dao berlin Hồi tôi trong quân ngũ, đóng tại Hà Nội, dịp Tết mấy thằng trong đơn vị rủ nhau ra chợ hoa Hàng Lược xem chợ, ngắm hoa, ngắm phố… Lần đầu tiên tôi thấy chợ hoa Tết đẹp lung linh như phim ảnh. Bên những cửa hàng „Quầy phục vụ Tết“ là những hàng dài người xếp hàng đợi mua phân phối mứt tết, lá dong, gạo nếp, bóng bì, chè Ba Đình, thuốc lá Tam Đảo, mỳ chính, nước mắm… Nhà tôi làm nông nên chả có tiêu chuẩn kia! Nghĩ mà thèm, cứ ước ao bao giờ mình được đứng xếp hàng như đoàn người kia…

Bấy giờ, ngắm những dòng người cầm hoa đào bán rong ở chợ đã thấy vui, say mê ngắm không chán mắt, những cành đào nhu nhú nụ di động, muốn nở lắm rồi, cành được cuốn tròn trong những bao giấy xi-măng, trong tay người bán di chuyển liên tục như thể vườn đào biết đi… Thế rồi tôi cũng liều mua 1 cành nho nhỏ vừa túi tiền về quê chơi Tết…

Năm ấy trên bàn thờ có cành đào, không khí Tết nhà khắc hẳn, ông bác họ xa xa, mấy ông hàng xóm sang nhà cứ tấm tắc khen. Có bác tên Điểu, phía trước nhà tôi, dặn „sang năm mua hộ bác 1 cành“. Tôi chưa kịp mua cho bác thì đã sang Tây theo diện „Lao động và học tập nâng cao tay nghề tại Đức“. Mấy năm sau về thì bác đã về với Trời, bác hiền lành như đếm. Tôi cứ ân hận mãi vì chưa mua được cho bác cành đào. Chưa kể một lần tôi cùng anh lái xe của đơn vị „đánh“ chiếc xe tải GMC về tận làng tôi. Xe đỗ trên đê, bác Điển cầm cái chai „cút“ chạy ra xin ít xăng về để bật lửa. Tôi giải thích với bác là xe này chạy bằng dầu, cháu không có xăng! Bác đứng thừ người như không tin, mắt bác trùng xuống!

Được định cư ở Đức, do hoàn cảnh và điều kiện đi về xa xôi, đường bay lòng vòng nên tôi chả mấy khi ăn Tết ở quê nhà, chủ yếu bên trời Tây. Năm nào cũng vậy cứ bảo quen rồi, nhưng nỗi nhớ Tết làm sao quên được và làm sao quen được Tết ở nơi xa xứ? Không hiểu trên trái đất này có nơi nào Tết thiêng liêng như Tết ở đất Việt quê mình không? Tết có mưa phùn se lạnh, có báo Tết, có đài, vô tuyến toàn chương trình Tết, có bánh chưng, có thịt đông, có dưa hành, có hẹn hò, đợi chờ, có không khí xum họp gia đình… Tết có hoa đua nở, đặc biệt là Tết có sắc đào thắm mà không có hoa gì thay thế được!

Ở Đức, cây đào ta không có. Những năm đầu mới sang, chúng tôi lấy cành táo, giấy hồng sun lại xoăn như cánh đào, cắt dán lên cành táo làm cành đào giả. Trông xa nhang nhác cành đào nhưng nhìn kĩ thấy dởm, y như xem kịch con trai đóng giả gái, không có phải dùng chứ đào thật e ấp, khoe sắc rất kín kẽ! Chả biết từ bao giờ tôi mong muốn có cây đào trong căn hộ mình ở Berlin. Rồi cầu được ước thấy.

Lần ấy tôi về Việt Nam có việc của gia đình, sang Đức năm ngày trước Tết. Trước khi bay, tôi mua hơn 2 chục loại báo Tết sang đây vừa đọc vừa tặng. Chạy lên chợ Nghệ thị xã Sơn Tây mua một cây đào vừa phải, rất đẹp nhiều nụ đang chúm chím hoặc đã hé cánh đón xuân. Cậu em ở quê có sáng kiến bỏ hết đất cho nhẹ, lấy giẻ tẩm nước, cuốn vào gốc, vào rễ rồi lấy báo cũ bọc, cho vào thùng cát tông chuyển sang Đức.

Cây đào trông vậy nhưng không thể nhét vào va ly được, buộc phải đóng kiện riêng, mà tiêu chuẩn hàng không quy định mỗi người được phép 1 kiện không quá 23 kg. Khi làm thủ tục bay tôi nói „hết nước“ nhưng họ không đồng ý cho mang 2 kiện, bắt buộc phải mua thêm hàng quá cân là 80 €, tại sân bay. Người ta cũng giải thích thêm, kiện quá cân thất lạc, hãng hàng không không bồi thường. Đã có công mua, mất bao công chuẩn bị, đem ra tận đây thì giá nào cũng „chơi“, tôi chấp nhận.

Chặng đường bay, kể cả đổi chuyến gần 20 tiếng đồng hồ, tôi chỉ nghĩ về cây đào, sẽ được kê ở đâu trong phòng, lấy loại đất nào cho phù hợp, tự hào ngầm là cả Berlin, cả nước Đức chỉ mỗi mình có cây đào xịn… Nhưng đời lắm trớ trêu…

Sang đến Berlin, khi băng chuyền dừng hẳn, tôi tìm đỏ mắt chẳng thấy cây đào đâu? Vừa mệt sau chặng đường dài, vừa hẫng hụt vì cây đào, tôi đến phòng đăng kí hành lý thất lạc, rồng rắn đợi chờ gần 2 tiếng mới đến lượt. Nhân viên kiểm tra mã số và nói rằng kiện của ngài đang ở Pari, ngài cứ về ngày mai sẽ có thông báo. Theo quy định hành lý thất lạc, thì hãng hàng không phải đem đến tận nhà, nếu hải quan được khám hành lý. Vì là kiện hàng có cây nên họ không biết cây gì và bắt buộc người chủ kiện hàng phải đến tận nơi nhận… Hôm sau tôi chạy xe gần 4 tiếng cả đi và về đến để nhận cây đào. Sau khi nghe tôi giải thích cây này là phong tục Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền, để có không khí Tết và gặp may… nhân viên Hải quan vui vẻ cho tôi nhận về và „Chúc Mừng Năm Mới“. Tôi mừng rơn, vội vã ra xe.

Cứ nghĩ vào nhận hàng nhanh, tôi đỗ xe sai quy định, đúng vào góc cua bến xe Bus. Ra đến chỗ đỗ xe tìm không thấy đâu mới biết đã bị cẩu… Thế là lại thuê tắc xi đến chỗ phạt xe nộp phạt 230 €. Nhưng may, bù lại nhà có cây đào ngày Tết, không khí trở nên rộn ràng, ấm cúng rất Việt Nam.

Tết năm ấy cả nhà chụp ảnh với cây đào, hình ảnh được chuyển ngay về quê hương, ai cũng khen cây đào mua ở đâu mà đẹp thế? Ở bên đó cũng có đào cơ à? Tôi chỉ vâng vâng dạ dạ trong ngày Xuân và cùng gia đình nâng cao ly rượu mừng xuân lấp lánh màu hồng phai của cành đào từ quê nhà Việt Nam vượt bao muôn trùng mới sang nổi Đức!

Thế Sáng

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!