Từ Vương quốc Anh tới vùng Catalonia, tư duy về bản sắc dân tộc đã “chiến thắng”, mang theo lo lắng và hỗn loạn.
Khoảng 300.000 người đã xuống đường tại Barcelona hôm 29-10 để phản đối quyết định tuyên bố độc lập của chính quyền vùng Catalonia trước đó hai ngày, đài CNN dẫn lời cảnh sát cho biết.
Đây là diễn biến mới nhất phản ánh tình trạng khủng hoảng của Catalonia, trong bối cảnh chính quyền trung ương Tây Ban Nha tuyên bố giải tán nghị viện tại đây, sa thải mọi quan chức bao gồm cả Thủ hiến Carles Puigdemont.
Nguy cơ ngắn hạn
Nếu không có gì thay đổi, ngày 21-12 sẽ là lúc tổ chức cuộc bầu cử lại để thay thế đội ngũ lãnh đạo Catalonia. Nhưng khi giới lãnh đạo Catalonia vẫn kiên quyết với lập trường của mình, nguy cơ khủng hoảng chính trị và đời sống nơi đây sẽ lên bị đẩy lên một nấc cao mới.
Trong số rất nhiều ý kiến không hay về Catalonia, trên tờ Independent (Anh) ngày 29-10 lại xuất hiện một cái nhìn lạc quan: Catalonia có thể là một nền kinh tế rất thành công, và là một “nước thuộc Liên minh châu Âu (EU)”.
Với dân số khoảng 7,5 triệu người, Catalonia không nhỏ bé. Nhìn vào Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ – nhóm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, dễ thấy dân số đóng vai trò quan trọng. Nhưng cũng với dân số dưới 600.000 người, Luxembourg vẫn là nước giàu nhất thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người (chưa tính Công quốc Monaco – một trường hợp cá biệt khác).
Catalonia vì vậy nếu độc lập, có thể giống như Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch hay Thụy Sĩ, vừa đủ lớn để cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người dân, vừa đủ nhỏ để quản lý xã hội dễ dàng.
Bên cạnh đó, Catalonia là khu vực kinh tế phát triển bậc nhất Tây Ban Nha cũng nhờ vị trí nằm dọc bờ biển phía đông đất nước. Nó giáp với Pháp, Địa Trung Hải và dĩ nhiên là các vùng lân cận khác ở Tây Ban Nha.
Điều đó giúp Catalonia dễ dàng “bắt sóng” với khu vực trù phú bên cạnh mình, và riêng thành phố Barcelona với dân số 1,6 triệu người, hoàn toàn có khả năng là thủ đô giàu bậc nhất hành tinh.
Nhưng xét trong ngắn hạn, câu chuyện lại xám xịt. Catalonia giờ đây đang khiến các ngân hàng, công ty lớn muốn rút khỏi vì rủi ro chính trị.
Lời tuyên bố độc lập của họ cũng hứng chịu sự phản đối của các nước châu Âu và Mỹ. Thậm chí nếu muốn gia nhập EU, quá trình này phải mất cả chục năm. Một quãng giữa đầy khó khăn đang chờ đợi và thách thức chính những người đã bỏ phiếu trưng cầu đòi độc lập.
Nghịch lý của cực đoan
Trong vài năm nay, chủ nghĩa dân tộc và tư duy về bản sắc dân tộc (national identity) đã trỗi dậy mạnh mẽ. Nó len lỏi trong từng ngõ ngách của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, mà vụ “Brexit” của người Anh chính là đỉnh điểm.
Ngay trong những ngày Catalonia sục sôi, một góc phía bắc nước Ý cũng thấy Lombardy và Veneto trưng cầu đòi tăng quyền tự trị. Thực tế câu chuyện này cũng đã xảy ra ở Sicily và đảng của những người muốn tự trị đã điều hành khu vực này trong bốn năm (2008 – 2012).
Báo Guardian gọi đó là một “phong trào ủng hộ độc lập” lan khắp châu Âu. Người Anh không chỉ muốn rời EU, mà cả Xứ Wales, Scotland hay một vùng của Bắc Ireland cũng muốn rời Liên hiệp Anh.
Ở Croatia, Đảng Hội đồng dân chủ Istrian (IDS) tại hạt Istria cũng đòi hỏi quyền tự trị lớn hơn. Phong trào ấy cũng “điểm mặt” ít nhất 10 vùng khác khắp châu Âu, từ Bavaria (Đức), Thượng Silesia (Ba Lan), cho tới Flanders và Wallonia ở Bỉ.
Những tư tưởng đề cao bản sắc dân tộc vùng miền như vậy không chỉ thể hiện qua chính trị. Ở một góc độ hẹp hơn, dân địa phương tại các vùng ở châu Âu lâu nay đã tồn tại tư tưởng chống khách du lịch, “đòi lại thành phố”.
Chính Barcelona và thành phố Venice (Ý) là những nơi phản đối du khách nhiều nhất, vì đây là những nơi tồn tại nghịch lý giữa sự giàu có nhờ du lịch với nhu cầu được sinh sống bình thường của người dân.
Cái gọi là “hội chứng ám ảnh du lịch” (tourism-phobia) đã lan đến Mallorca và San Sebastian (Tây Ban Nha), Dubrovnik (Croatia), Isle of Skye (Scotland)… Con đường từ chỗ giữ gìn bản sắc địa phương, mưu cầu được trả lại một thành phố “của mình”, đi đến chỗ đòi độc lập không quá xa.
Thái độ khó chịu của người địa phương với du khách, của người tại một vùng tự trị với chính quyền trung ương là điều có thể hiểu được. Nhưng sau cơn thỏa mãn của một cuộc chia ly, hậu quả kinh tế là vấn đề sống còn mà không nhiều người thực sự nghĩ tới.
Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn