Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Có cần giấy xác nhận của bác sỹ để nghỉ phép lao động?

Ảnh minh họa: https://pixabay.com

TBVĐ- Nếu vắng làm việc vì ốm mà không có giấy xác nhận của bác sĩ, người lao động có thể bị đuổi việc.

Chị Liên sống gần München làm việc cho một cửa hàng của người Đức, gọi điện cho Thời báo Việt Đức hỏi: „Tôi bị ốm, sổ mũi, hắt hơi và đau đầu, không thể đi làm. Tôi có gọi điện xin nghỉ rồi ở nhà 4-5 ngày tự uống trà gừng, uống thuốc của Việt Nam. Lúc đỡ ốm đi làm thì ông sếp hỏi tôi có “giấy chứng nhận không đủ khả năng lao động” (Arbeitsunfähigkeitsbescheinigung) của bác sỹ không. Tôi bảo tôi không đi bác sỹ, nhưng ông ấy nói sẽ trừ ba ngày tiền lương của tôi. Xin Tòa soạn giải thích ông ấy làm vậy là đúng hay sai? Có đúng là cứ bị ốm thì phải đi bác sỹ không?

Chị Liên cùng quý độc giả thân mến. Thời báo Việt Đức xin cảm ơn câu hỏi của Chị, và xin giải đáp như sau. Ngày nay, vì điều kiện tìm việc khó khăn nên nhiều người lao động dù ốm vẫn luôn cố gắng “lê lết” đi làm. Đặc biệt người Việt tại Đức lại càng như vậy. Một phần do đa số họ sợ mất việc làm, phần khác bởi ít người có ý thức trong việc phòng tránh, lây nhiễm bệnh của mình sang người khác.

Người Việt hầu như lại rất ngại đi bác sỹ kiểm tra sức khoẻ, trừ phi bệnh mãi không thuyên giảm hoặc đau đớn trong người, không hoạt động thoải mái được họ mới thấy cần đi khám. Tuy nhiên, Luật lao động tại Đức ngày càng thắt chặt, đòi hỏi cả chủ và người lao động phải khai báo và tuân thủ mọi quy định. Dù chỉ là ốm nhẹ, nhưng ngay ngày đầu tiên nghỉ ở nhà, người lao động đã phải gọi điện hoặc gửi thư điện tử (nếu chắc chắn chủ lao động sẽ đọc) để thông báo.

Nếu nghỉ ốm từ ba ngày trở lên, người lao động phải đi bác sỹ lấy giấy chứng nhận “không đủ khả năng lao động” (tiếng Đức gọi là Arbeitsunfähigkeitsbescheinigung). Nếu không có giấy này, chủ lao động được phép trừ lương, viết giấy cảnh cáo, thậm chí đuổi việc nếu tái phạm. Nếu chủ lao động có một lý do thích đáng, họ có thể đuổi việc nhân viên cả khi người đó nghỉ ốm có giấy chứng nhận của bác sỹ, đặc biệt trong thời gian thử việc hoặc đối với lao động theo thời vụ. Như vậy trong trường hợp của Chị, chủ lao động yêu cầu chị chứng minh giấy xác nhận không đủ khả năng lao động từ bác sĩ là hoàn toàn chính đáng.

Nếu người lao động bị ốm mà vẫn đi làm, chủ lao động được phép buộc anh/cô ta về nhà nghỉ ngơi, một là cũng nhằm đảm bảo bệnh không lây lan sang các nhân viên khác, hai là nếu có gì đó xảy ra với người ốm tại nơi làm việc, rất có thể chủ lao động lại là người phải chịu trách nhiệm. Chưa nói đến việc bị ốm mà vẫn đi làm cũng khiến tinh thần và sức khoẻ của người bệnh sa sút hơn, thiếu tập trung, khó đạt năng suất cao trong công việc.

Minh Quân