Cuộc bầu cử ngày 24/9 sắp tới được đánh giá là sẽ “đặc biệt” và thú vị hơn bao giờ hết.
Bầu không khí tại Berlin đang nóng dần theo từng ngày, đặc biệt là sau cuộc tranh luận nảy lửa trên truyền hình ngày 3/9 giữa đương kim Thủ tướng Angela Merkel của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Martin Schulz.
Bên cạnh hai “ông lớn”, các đảng nhỏ hơn tranh giành vị trí thứ ba cũng liên tục được các kênh truyền hình tạo cơ hội tranh luận và thuyết phục các cử tri còn đang lưỡng lự. Các ứng cử viên cũng tất tả đi xuống các thành phố lớn, nhỏ trên cả nước để chứng tỏ sự gần dân của mình. Đường phố thủ đô tràn ngập pa-nô tranh cử của các đảng phái với các khẩu hiệu mời gọi hoa mỹ.
Năm nay số cử tri được quyền bầu cử là 61,5 triệu người, gồm 31,7 triệu phụ nữ và 29.8 triệu nam giới, trong đó có 3 triệu cử tri lần đầu đủ tuổi bầu cử. Hiện có tới 299 khu vực bầu cử trên cả nước. Đáng chú ý, tham gia tranh cử lần này có đến 48 đảng phái chính trị, tuy nhiên chạy đua giành 630 ghế của Quốc hội Liên bang (Bundestag) năm 2017 – 2021 vẫn chỉ là cuộc chơi giữa các đảng lớn như như CDU/CSU, SPD, đảng Cánh tả, đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Giải pháp cho nước Đức (AfD).
Dẫu vậy, trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới đang có nhiều biến động khó lường, cùng sự trỗi dậy của AfD và mối quan hệ phức tạp giữa các đảng phái, Thủ tướng Merkel nhận định cuộc tranh cử lần này sẽ cam go và không giống bất kỳ cuộc vận động tranh cử nào trước đó trong suốt 3 nhiệm kỳ Thủ tướng liên tục của mình.
Đương đầu sóng gió
Ở thời điểm hiện tại, nước Đức đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Về đối ngoại, quốc gia này đang đứng trước thách thức đến từ việc điều chỉnh chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump theo xu hướng bảo hộ mậu dịch và xem xét lại nhiều cam kết về an ninh quốc phòng ở châu Âu và trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Berlin nói riêng và Brussels nói chung đang gặp nhiều khó khăn do duy trì lệnh cấm vận với Moscow. Quan hệ của Đức với Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ở thời kỳ căng thẳng.
Bên cạnh đó, khủng hoảng người tỵ nạn vẫn là đề tài nóng bỏng nhất trong cuộc vận động tranh cử lần này. Mặc dù sức ép của dòng người tỵ nạn đã giảm đáng kể so với 2 năm trước đây, nhưng hệ quả của nó còn khá lớn và lâu dài. Các đảng chính trị đối lập cũng như dư luận xã hội phê phán chính sách tỵ nạn của bà Merkel cũng như về việc xử lý những hệ quả mà nó gây ra cho xã hôi Đức, nhất là vấn đề hội nhập, tội phạm trong người tỵ nạn, trục xuất những người không đáp ứng điều kiện tỵ nạn…
Ngay cả những đảng hiện đang tham gia trong chính phủ liên minh như SPD và CSU cũng không hoàn toàn tán đồng với nhiều điểm trong chính sách của bà Merkel. Việc này không chỉ gây khó khăn bản thân bà Merkel, cũng như cho đảng CDU của bà, mà còn cho cả việc tìm kiếm liên minh để lập chính phủ sau ngày 24/9 này.
Điều này đặt lên lên vai nước Đức với trọng trách đầu tàu trong EU để làm đối trọng với Mỹ và với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đây chính lại là lợi thế khá lớn của Thủ tướng Merkel vì trong suốt 3 nhiệm kỳ qua của bà, Đức đã ngày càng chứng tỏ vị thế cũng như sức ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị trong EU cũng như trên các diễn đàn đa phương. Thậm chí, có thời kỳ, bà Merkel còn được cho là người “thủ lĩnh” mới, người bảo vệ các giá trị phương Tây.
Lợi thế này của bà Merkel lại cũng là điểm yếu của ông Schulz, vì tuy có thời kỳ là Chủ tịch Nghị viện châu Âu nhưng ông chưa bao giờ tham gia chính trị cấp cao ở Đức và vì thế các tiếp xúc đối ngoại và quan hệ quốc tế của ông cũng hạn chế hơn nhiều.
Về đối nội, có thể nói chưa bao giờ kinh tế Đức phát triển tốt như giai đoạn vừa qua khi liên tục tăng trưởng cao, nguồn thu ngân sách vượt kế hoạch, số người thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau thống nhất (1990) cũng đồng nghĩa số người có việc làm cao. Đức cũng là quán quân xuất khẩu năm 2016 và thặng dư thương mại cao so với cả Mỹ và Trung Quốc. Thị trường nội địa ổn định, lạm phát thấp. Cuộc sống của người dân về cơ bản được coi là thịnh vượng.
Thành tựu phát triển kinh tế của nước Đức cũng là một điểm sáng trong 3 nhiệm kỳ của Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, ông Schulz và đảng SPD đã chỉ ra rằng bất chấp sự ổn định đó, mức công bằng trong xã hội vẫn chưa được cải thiện. Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, khoảng cách giàu nghèo cũng ngày càng lớn. Người giàu thì càng giàu và người nghèo thì ngày càng khó khăn hơn trong một xã hội thịnh vượng.
Trong một lần đối thoại với cử tri được truyền hình trực tiếp trên truyền hình, bà Merkel đã không thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho một cử tri. Người này nói, bà đã làm việc chăm chỉ 40 năm qua nhưng đến khi về hưu chỉ được lĩnh một khoản hưu trí có 600 Euro/ tháng. Số tiền này không chỉ không đủ sống bình thường mà còn nằm ở mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn của EU. Vậy thì nói nước Đức là nước thịnh vượng, nhưng thịnh vượng cho ai?
Hay trong một buổi truyền hình tương tự, bà Merkel đã bị một thanh niên học nghề hơn 20 tuổi gây “khó dễ” khi nêu thực trạng thiếu hụt trầm trọng lực lượng điều dưỡng viên tại các trại dưỡng lão và cơ sở y tế. Theo một thống kê, có thể trong vòng 5-10 năm tới, Đức sẽ thiếu đến 3 triệu điều dưỡng viên, hộ lý mà đến nay Chính phủ không đưa ra được một giải pháp nào.
Ở thời điểm hiện tại, bà Merkel tự tin và thắng thế trong những vấn đề đối ngoại hay những vấn đề lớn có tính vĩ mô, nhưng lại yếu thế hơn so với đối thủ chính trị trong những vấn đề xã hội. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Merkel và đảng CDU giảm nhẹ, trong khi sự ủng hộ đối với ông Schulz và SPD đang có dấu hiệu gia tăng.
“Ngựa ô” AfD
Tính khác thường của cuộc bầu cử năm nay còn đến từ sự trỗi dậy của đảng thiên hữu AfD. Tuy chỉ mới thành lập trong vòng 5 năm trở lại đây, AfD nhanh chóng trở thành lực lượng chính trị mạnh mẽ tại các bang ở miền Đông, áp đảo cả SPD, thậm chí đang chuẩn bị đà lấn sang phía Tây.
Mặc dù làn sóng thiên hữu này đã bị chững lại đôi chút sau các cuộc bầu cử ở Hà Lan và Pháp, nơi lực lượng thiên hữu và cực hữu bị thất cử, nhưng đến nay ở Đức mọi người đã phải cay đắng thừa nhận một thực tế là chắc chắn AfD sẽ có chân trong Quốc hội Liên bang khóa tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đất nước này, một lực lượng chính trị có xu hướng bài ngoại, thiên hữu, chống lại toàn cầu hóa, ủng hộ các xu hướng cực đoan sẽ có tiếng nói trong cơ quan dân cử quan trọng nhất.
Trong cuốn sách “AfD muốn điều gì?”, nhà báo trẻ Justus Bender của Thời báo Frankfurt cho rằng việc cho những người ủng hộ AfD hiện nay là những “Wutbürger” (tạm dịch là “công dân nổi giận”). Đây là những người luôn có thái độ phản kháng với tất cả chính sách hiện tại của Chính phủ, cũng như những bất công mà họ cho là do hệ thống này gây ra. Bender cũng cho rằng AfD hiểu dân chủ theo hướng muốn mang đến tự do tuyệt đối cho mọi người, một thứ tự do bản năng, chống lại mọi sự áp đặt của thể chế. Sự áp đặt đó ở Đức có thể là pháp luật, là Quốc hội, Chính phủ nhưng cũng có thể là từ cương vị Thủ tướng của bà Merkel. Ở bình diện châu Âu, đây có thể là mọi cơ chế và thiết chế tổ chức của EU hay NATO…
Lập trường khác biệt nhưng đầy hấp dẫn này của AfD đã lôi kéo được khá nhiều người ủng hộ, nhất là những người ở các bang phía Đông, những người cảm giác bị thua thiệt do những bất công, áp đặt từ phương Tây. Khẩu hiệu đã từng làm nên cuộc “cách mạng ôn hòa” khiến Cộng hòa Dân chủ Đức sụp đổ năm 1989-1990 “chúng ta là nhân dân” giờ đây lại được giương lên để chống lại một nhà chính trị cũng xuất thân từ Đông Đức, bà Angela Merkel.
Một Chính phủ đa sắc màu
Theo một thăm dò dư luận ngày 19/9 của Viện Forsa, tỷ lệ ủng hộ đối với bà Merkel là 48% và ông Schulz 22%. Tuy nhiên, Đức khác Mỹ ở chỗ không bầu trực tiếp Thủ tướng nên tỷ lệ trên chỉ có giá trị tham khảo đánh giá mức tín nhiệm. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng CDU/CSU là 36%, SPD 23%, đảng Cánh tả 10%, FDP 9%, AfD 9%, đảng Xanh 8%, các đảng còn lại 5%. Như vậy khả năng CDU thắng cử và bà Merkel tiếp tục làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư là khá chắc chắn. Đảng dân chủ tự do FDP sẽ lại có chân trong Quốc hội sau khi bị “vố đau” vào dịp bầu cử lần trước (dưới 5%). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của mình, Quốc hội Đức có sự tham gia của lực lượng chính trị cực đoan thiên hữu.
Câu hỏi hiện nay là bà Merkel sẽ liên minh với đảng nào để lập chính phủ cho giai đoạn 4 năm tới đây? Trong cuộc đối thoại ngày 3/9, bà Merkel đã loại trừ khả năng liên minh với đảng Cánh tả và Đảng AfD.
Người Đức ưa hình tượng màu sắc, do đó không có gì lạ lẫm khi các đảng phái của nước này thường được nhắc đến qua những màu sắc khác nhau. Theo cách gọi này, đảng CDU/CSU được nhắc đến với màu Đen, SPD là màu Đỏ, FDP màu Vàng và đảng Xanh màu Xanh.
Chính phủ hiện tại của bà Merkel gọi là Đại Liên minh (GroßKo, viết tắt của Große Koalition), nghĩa là liên minh giữa hai đảng lớn CDU/CSU và SPD. Tuy nhiên, Đen/Đỏ hay GroßKo hiện nay không còn là lựa chọn của cả hai bên, cũng như của dư luận chung. Dường như SPD không muốn tiếp tục bị lép vế trước CDU và càng ở lâu trong liên minh với CDU thì vai trò của SPD càng giảm và khó có thể vươn lên trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2021. Kết quả bầu cử 2017 có vẻ như đã an bài, nhưng vấn đề lớn hơn đối với SPD lại là thời kỳ hậu Merkel sau 4 năm nữa.
Đối với CDU, mặc dù đã ba lần liên minh với SPD trong Đại liên minh, trong đó một lần ở Tây Đức cũ (giai đoạn 1966 – 69) và hai lần trong nhiệm kỳ của bà Merkel (2005 – 2009 và liên minh hiện tại từ 2013), nhưng đây chưa bao giờ là giải pháp ưa thích của họ, vì họ thích liên minh với các đảng bé hơn là với đối thủ chính trị truyền kiếp của mình.
Dư luận xã hội chung ở Đức cũng không thích liên minh Đen/Đỏ vì theo quan niệm của họ, nền dân chủ nghị viện chỉ có thể tồn tại nếu phe đối lập trong Nghị viện đủ mạnh để làm đối trọng với Chính phủ. Mặt khác, Đại liên minh gián tiếp giúp các đảng nhỏ nhận thêm được sự ủng hộ của cử tri (như là một hình thức phản vệ) và ngày càng lớn mạnh, như với AfD vừa qua.
Không ít người cũng đã nghĩ đến việc CDU/CSU sẽ liên minh với FDP và đảng Xanh, “nhuộm” chính quyền của nước Đức với ba màu Đen, Vàng và Xanh, hay còn gọi là phương án Jamaica. Trên thực tế, CDU/CSU mong muốn có thể liên minh với FDP, nếu như đảng này giành đủ số phiếu cần thiết. Trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức từ 1949 đến nay đã có bốn lần CDU/CSU liên minh chính phủ với FDP, trong đó có nhiệm kỳ thứ hai của bà Merkel. Tuy nhiên, CDU/CSU và Đảng Xanh chưa bao giờ liên minh với nhau ở cấp Liên bang và hai bên cũng còn tồn tại khác biệt về quan điểm trên nhiều lĩnh vực.
Đến giờ phút này không ai còn nói đến giải pháp Ampel (Đèn giao thông với ba màu Đỏ, Vàng và Xanh) vì SPD khó mà vượt qua được CDU/CSU khi mà tỷ lệ tín nhiệm cách nhau hơn 10%.
Dù cho Chính phủ sắp tới của Đức có đa dạng như thế nào đi chăng nữa, chắc chắn nó sẽ không giống với bất kỳ liên minh nào trước đó. Câu chuyện “Kẻ thắng, người thua” tại Berlin, chỉ có người dân quốc gia này mới có thể viết tiếp vào ngày 24/9 sắp tới.
Theo Nguyễn Hữu Tráng (từ Berlin, Đức) / baoquocte.vn