Trong các vấn đề lớn được Bộ trưởng Nội vụ các nước EU thảo luận, con số cụ thể về lượng người tị nạn Afghanistan mà châu Âu tiếp nhận gây ra các tranh cãi lớn nhất.
Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp trong ngày 31/8 về vấn đề người tị nạn Afghanistan nhưng không thể giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến các đề xuất về việc quy định rõ số lượng người tị nạn được tiếp nhận và cơ chế phẩn bổ quota cho từng nước.
Trong các vấn đề lớn được Bộ trưởng Nội vụ các nước EU thảo luận, con số cụ thể về lượng người tị nạn Afghanistan mà châu Âu tiếp nhận gây ra các tranh cãi lớn nhất. Trong khi một số ít nước, nổi bật là Luxemburg, cho rằng EU cần phải hành động giống như Vương quốc Anh, tức nói rõ sẽ tiếp nhận bao nhiêu người thì đa số nước khác lại phản đối.
Trước đó, khi cuộc khủng hoảng Afghanistan mới nổ ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố trước Nghị viện Anh rằng nước Anh sẽ tiếp nhận 5.000 người Afghanistan trong năm 2021 và lên tới 20 ngàn người trong các năm tiếp theo.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao và nhập cư Luxemburg, ông Jean Asselborn, Liên minh châu Âu cần phải tiếp nhận số người tị nạn Afghanistan cao hơn Vương quốc Anh, là từ 40.000 đến 50.000 người.
Tuy nhiên, nhiều Bộ trưởng các nước khác đã lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Nội vụ Đức, Horst Seehofer cho rằng đề xuất từ Luxemburg là không hợp lý với các quốc gia lớn trong EU, như Đức, bởi các nước này sẽ phải tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn mới chứ không chỉ là vài trăm, thậm chí là vài chục người như đối với các quốc gia có diện tích và dân số nhỏ như Luxemburg. Bên cạnh đó, ông Seehofer cũng cho rằng việc đưa ra các con số cụ thể quá lớn sẽ gây ra hiệu ứng “lôi kéo” khiến càng nhiều người tị nạn đổ về châu Âu và khi đó khối này chưa chắc có thể tránh được một kịch bản giống như với làn sóng người tị nạn Syria năm 2015.
“Nếu chúng ta hành động nhanh chóng và đúng đắn thì đúng là có thể tránh được kịch bản năm 2015. Nhưng thời gian trước mắt sẽ không dễ dàng nếu chúng ta mắc sai lầm và nói quá sớm về cách phải làm thế nào mới là đúng cho một khoảng thời gian quá dài”.
Ngoài vấn đề về con số người tị nạn Afghanistan sẽ tiếp nhận, các nước châu Âu cũng mâu thuẫn khi bàn về ý tưởng phân bổ lượng người tị nạn về các nước theo cơ chế quota, tức tùy thuộc vào diện tích và dân số mỗi nước. Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz trước đó đã tuyên bố Áo sẽ không nhận thêm bất cứ người tị nạn nào vì cho rằng trong những năm qua Áo đã định cư được cho 40.000 người tị nạn Afghanistan.
Ông Janez Jansa, Thủ tướng Slovenia, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, cũng tuyên bố “châu Âu sẽ không mở các hành lang nhân đạo và không cho phép lập lại sai lầm chiến lược 2015”. Một loạt các nước khác đang âm thầm ủng hộ quan điểm từ phía Slovenia và đề cao vấn đề an ninh do lo ngại sự trà trộn của các phần tử cực đoan trong dòng người tị nạn đến từ Afghanistan.
Phát biểu trước Hội nghị các Bộ trưởng Nội vụ EU, bà Yla Johansson, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội bộ của khối cũng cho rằng các nước châu Âu cần có một cách tiếp cận toàn diện với vấn đề tị nạn từ các nước Trung Á, trong đó yêu cầu tránh khủng hoảng nhân đạo cũng phải đặt ngang với yêu cầu tránh được các mối đe dọa về an ninh./.
Theo Quang Dũng / vov.vn