Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu trong phiên giao dịch vào ngày 14/12 đã leo lên mức 1.500 USD/1.000m3. Đây là mức tăng giá cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Theo dữ liệu tại trung tâm giao dịch TTF ở Hà Lan, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 trong phiên giao dịch hôm qua có lúc leo lên mức 1.500 USD trên 1.000m3, mức cao nhất kể từ đầu tháng 10, và cũng là mức tăng liên tiếp trong 1 tuần gần đây.
Thị trường khí đốt tại châu Âu biến động sau khi Đức cảnh báo nước này có thể không “bật đèn xanh” cho việc vận hành tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga, với lý do căng thẳng gia tăng ở biên giới Ukraine.
Theo đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được phép hoạt động trong trường hợp có bất kỳ “leo thang” mới nào ở Ukraine và yêu cầu Nga không được sử dụng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 như một vũ khí chính trị trong mối quan hệ với Ukraine .
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề này trong khuôn khổ các cuộc đàm phán của Liên minh châu Âu và theo quy định, luật năng lượng châu Âu phải được áp dụng cho các dự án năng lượng. Điều này có nghĩa rằng, vào thời điểm hiện tại, đường ống dẫn khí này chưa thể được chấp nhận”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock được đưa ra trong bối cảnh cả Nga và Ukraine đều đang tăng cường các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột.
Hiện tại, Nga đang cung cấp 1/3 nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua một số tuyến đường ống trung chuyển chạy qua Belarus và Ba Lan, Ukraine và tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1. Nguồn cung thiếu hụt khiến cho châu Âu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong khi giá năng lượng tăng chóng mặt.
Các chuyên gia cảnh báo, thời tiết lạnh giá kéo dài có thể khiến nguồn ga dự trữ của châu Âu cạn kiệt vào tháng 3, tháng 4 năm sau. Ngoài ra, nếu lời đe dọa đình chỉ tuyến đường ống khí đốt từ Nga sang EU của Belarus thành hiện thực thì nguy cơ châu Âu bước vào cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện là điều khó tránh khỏi ./.