Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khi Sài Gòn “nguy hiểm” trong tốp đầu thế giới

Một đoạn kẹt xe tại TP.HCM. Ảnh: Facebook Alex Phạm

TBVĐ- Theo một báo cáo của tạp chí “The Economist Intelligence Unit” công bố hồi tháng 10-2017 về bảng chỉ số “Thành phố an toàn năm 2017”, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) của Việt Nam nằm trong top những thành phố nguy hiểm nhất thế giới.

So với bảng xếp hạng đầu tiên được công bố cách đây hai năm, TP. HCM năm 2017 đã bị tụt hạng 10 bậc.

Tạm gác lại những tiêu chí mà The Economist sử dụng để đánh giá mức độ an toàn của các thành phố trên thế giới, cá nhân tôi sẽ đưa ra góc nhìn mang tính cá nhân của mình.

Trước hết, Sài Gòn đang “chết chìm” trong những tháng ngày kẹt xe mà bất kể du khách nào khi đặt chân đến cũng phải “ấn tượng”. Tôi nhớ có lần bạn tôi từ Mỹ sang học trao đổi khóa học mùa xuân có tâm sự “Ở Việt Nam xe máy nhiều quá. Đi đâu cũng có xe máy. Xe đâm ngang, xẻ dọc, kiểu gì cũng chạy cho được”.

Mới vài hôm trước thôi, một anh Tây đã tức giận xuống ô tô để “nhấc bổng” một chiếc xe máy của một người phụ nữ “ngang nhiên” nghe điện thoại giữa đường và trước đầu xe người khác. Thê thảm nhất là những đoàn du khách cứ long ngóng ngay ngã ba, ngã tư mãi mà không dám bước qua đường vì “đèn xanh cũng như đèn đỏ, lúc nào xe cũng chạy”.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến giao thông chính là môi trường. Phải thừa nhận rằng Sài Gòn bị ô nhiễm không khí, nguồn nước (các kênh rạch), và cả ô nhiễm tiếng ồn. Không ít các chuyên gia cảnh báo mức độ ô nhiễm tại TP.HCM ngày càng cao, đe dọa sức khỏe của người dân. Song song ô nhiễm chính là mức độ an toàn thực phẩm của TP.HCM cũng rất đáng báo động khi không ít các vụ bê bối liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm được báo chí đưa ra thời gian qua.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là tình hình an ninh và đảm bảo an ninh cho du khách. Nạn cướp giật, móc túi, lừa đảo,… từ các khu vắng vẻ đến các vùng đông đúc luôn thường trực khiến không ít trường hợp du khách “dở khóc dở cười”, hay “đi một lần, sợ cả đời”.

Điều quan trọng nhất chính là mức độ nghiêm trọng của những vấn đề trên không có xu hướng thuyên giảm mà dường như tăng lên về số lượng và mức độ trong thời gian qua. Việc giảm hẳn 10 bậc trong bảng xếp hạng trong vòng hai năm phần nào cho thấy suy đoán mức độ an toàn ngày càng tệ hơn của Sài Gòn là hoàn toàn có cơ sở.

Sài Gòn là một trong hai đầu tàu lớn nhất, cũng là niềm tự hào lớn của người Việt. Thiết nghĩ các giải pháp tạo không gian an toàn phải được ưu tiên hàng đầu trước khi bàn tính đến các chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đối tác làm ăn, hay phát triển du lịch.

Anh Thùy