TBVĐ- Ký túc xá bảo vệ phụ nữ tiếp nhận phụ nữ từ các gia đình ngoại kiều nhập cư, điểm chung của những người tìm đến sự giúp đỡ là tình trạng bị đánh đập hành hạ trong gia đình.
Rada Grubic là tên bà phụ trách ký túc xá bảo vệ phụ nữ bị hành hạ ở Berlin, cơ sở duy nhất tại đây tiếp nhận phụ nữ từ các gia đình ngoại kiều nhập cư. Người phụ nữ gốc Nam Tư này cho biết cơ sở đã từng tiếp nhận nhiều phụ nữ người Thổ Nhĩ Kỳ, Albanien, Ai Cập và Nigeria, chạy trốn khỏi các ông chồng bạo lực. Điểm chung của những người tìm đến sự giúp đỡ là tình trạng bị đánh đập hành hạ trong gia đình, từ mặt mũi thâm tím đến bị đâm bằng dao.
Bà Grubic cho biết thường hai phụ nữ chia nhau một buồng, trên một tầng có nhà tắm, nhà vệ sinh và bếp. Bình quân mỗi phụ nữ tạm trú ở đây 3 tháng. Có người trở về với chồng con, có người sau đó đến ở với bạn. Nhưng cũng có những phụ nữ quyết tâm tìm cuộc sống mới và chuyển tới căn hộ khác trong dự án bảo vệ phụ nữ. Họ có thể ở đây 2 năm. Và chưa từng có trường hợp nào khi đã tới đây sau đó lại quay về với ông chồng vũ phu.
Trong năm 2007, cảnh sát Berlin đã thống kê được 13.222 vụ bạo lực gia đình, tăng thêm 700 trường hợp so với năm trước đó. Phổ biến nhất là các hành động gây thương tích và lăng mạ. Nữ điều tra viên Ilka Spencker, phụ trách vấn đề bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Berlin cho biết, mặc dù tình trạng đáng buồn đang ngày xảy ra càng nhiều, cảnh sát cũng đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác bảo vệ và tư vấn nạn nhân.
Ngoài cơ sở đã nêu ở trên, Berlin còn có 5 cơ sở bảo vệ phụ nữ khác (Frauenhaus) với tổng số 317 chỗ lánh nạn cho các phụ nữ chạy trốn bạo lực gia đình, cùng 40 căn hộ có tên gọi “Zufluchtswohnung” (căn hộ lánh nạn) dành cho 117 phụ nữ. Thông thường, cảnh sát khi phát hiện vụ việc sẽ giới thiệu nạn nhân đến những nhà bảo vệ, và ở đây họ có thể ký giấy đồng ý cho tổ chức BIG Berlin (Interventionszentrale bei häuslicher Gewalt – trung tâm phòng chống bạo lực gia đình) lưu thông tin về bản thân và vụ việc để tiếp tục giải quyết. Mẫu đơn hiện đã có bằng 10 thứ tiếng, và người ta cũng thường xuyên đặt phiên dịch cho nạn nhân.
Mặc dù điện thoại và địa chỉ của các cơ sở trên được dấu kín nhưng nhiều người chồng vẫn tìm ra được nơi vợ mình đang ẩn náu. Đã không ít lần xảy ra chuyện những người đàn ông hùng hổ tới trước cửa các ký túc xá, lớn tiếng đòi lại vợ. Và ngày nào các phòng thường trực ký túc xá cũng nhận được các cú điện thoại đe dọa. Nghiêm trọng hơn, mới đây xảy ra chuyện người cha gốc Thổ đã bắt cóc con đang ở cùng mẹ tại ký túc xá, đưa đứa trẻ về Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Grubic nói: “Người mẹ khó có thể được nhìn lại mặt con. Còn nếu quay về Thổ Nhĩ Kỳ thì bị sập bẫy, khó an toàn tính mạng”.
Hoài Nam (tổng hợp)