Chuyến thăm của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới châu Âu của một nhà lãnh đạo Việt Nam sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2021. Chuyến thăm cũng được tổ chức vào dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam 2-9 và 1 năm Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong hơn 30 năm qua đã trở thành hình mẫu hợp tác của EU với các nước châu Á. Trong những năm qua, quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU cũng đã có những bước tiến dài.
Các cơ quan lập pháp của hai bên đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này. Một trong những cột mốc quan trọng là việc phê chuẩn EVFTA- một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phức tạp và đầy tham vọng giữa châu Âu và nền kinh tế mới nổi năng động ở Đông Nam Á.
Hợp tác kinh tế song phương có bước phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Quan hệ thương mại là tiền đề để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chính trị và các lĩnh vực chiến lược khác trên cơ sở các bên cùng có lợi. EU tiếp tục coi Việt Nam là đối tác hàng đầu trong khu vực. Hai bên đã tập trung thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA). Cơ chế Ủy ban hỗn hợp EU – Việt Nam về cơ bản góp phần giải quyết các vấn đề cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, giao thông, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng và an ninh hàng hải.
Việt Nam luôn định vị mình là cầu nối giữa EU và các nước Đông Nam Á, tích cực hỗ trợ EU thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN. Trong khi EU cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong phát triển năng lượng bền vững, quản trị, pháp quyền và pháp luật.
Tiến bộ trong hiệp định thương mại tự do và quan hệ hợp tác
Hiệp định EVFTA lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN với kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 28 tỷ euro (tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái). Hiệp định này đã góp phần đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý như hàng dệt may, nông lâm thủy sản đến với người tiêu dùng EU. Ở chiều ngược lại, hiệp định giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa của EU sang Việt Nam như máy móc công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hóa chất, dược phẩm và ô tô.
Hiệp định EVFTA cũng góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa hai bên. Các nước EU hiện có hơn 2.200 dự án tại Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 22 tỷ USD. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vẫn chưa đạt kỳ vọng và chỉ chiếm 7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Năm ngoái, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA). Các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu đang mong muốn nghị viện các nước thành viên EU sẽ sớm phê chuẩn hiệp định này. Việc thực hiện có hiệu quả EVFTA, phê chuẩn EVIPA và gỡ bỏ thẻ vàng về đánh bắt thủy hải sản sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong thị trường châu Âu và ASEAN.
Sự hỗ trợ của EU về vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế đối với Việt Nam trong thời điểm quan trọng này thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa EU và Việt Nam cũng như thực hiện các thỏa thuận với Việt Nam trong việc xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác khu vực và địa phương với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, giáo dục, hậu cần, nông nghiệp và công nghệ cao, là vấn đề hết sức quan trọng. EU cũng cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh cho Việt Nam trong việc xử lý chất thải, nguồn nước, quản lý nước biển xâm thực và nước biển dâng nhằm nâng cao đời sống người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, như miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
Gắn kết mối quan hệ Bỉ-Việt Nam
Bỉ là một trong những quốc gia thành viên EU duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Bỉ, trong khi Bỉ đứng thứ 5 trong tổng số 27 nước EU đầu tư vào Việt Nam. Kể từ năm 2018, Bỉ cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quan chức cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau, trong đó nổi bật là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào năm 2019 và chuyến thăm sắp tới của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn ở Việt Nam là công nghiệp, thực phẩm và đồ uống, chế biến, chế tạo, dược phẩm và năng lượng tái tạo. Ngày 31/7/2021, Việt Nam chính thức cấp phép cho các nhà đầu tư Bỉ đầu tư vào dự án điện gió tại Bình Thuận (trị giá 3,1 tỷ USD). Trong lĩnh vực logistics, hai nước mới đây đã bắt đầu đưa vào khai thác tuyến đường sắt từ Yên Viên, Hà Nội. Việc mở một tuyến vận tải hàng hóa mới từ Việt Nam sang châu Âu cũng được lên kế hoạch trong bối cảnh vận tải biển quốc tế tiếp tục gặp khó khăn.
Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền, nhằm tăng cường hợp tác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực./.
Quang Chí và VT