Câu chuyện xảy ra trong những ngày đen tối nhất của Thế chiến II, dù nghe có vẻ rất khó tin nhưng nó thực sự đã xảy ra.
Trong suốt mùa đông năm 1944-1945, túp lều của người thợ săn – địa điểm câu chuyện xảy ra, là nơi tá túc của Elisabeth Vincken và cậu con trai Fritz 12 tuổi của cô. Chồng của Elisabeth là một thợ làm bánh tại thị trấn Monschau của Đức, cách đó vài km. Khi quê hương Aachen của họ là mục tiêu trong các cuộc ném bom của quân Đồng minh, Elisabeth và con trai đã chọn túp lều mà ông Vincken sử dụng trong các chuyến đi săn, làm nơi ẩn náu.
Giao tranh ác liệt giữa người Mỹ và người Đức đã diễn ra vào mùa thu trước đó tại Hürtgenwald, nhưng vào tháng 12, trọng tâm của mặt trận đã chuyển sang Ardennes, nơi vào ngày 16/12, Hitler đã phát động một cuộc tấn công liều lĩnh với hy vọng ngăn chặn bước tiến vào Đức của quân Đồng minh.
Fritz và mẹ cậu muốn ông Vincken sẽ cùng bên nhau trong đêm Giáng sinh, nhưng do ông có việc đi vắng, họ quyết định hoãn bữa tối Giáng sinh cho đến đêm Giao thừa. Bỗng nhiên tiếng gõ cửa đánh dấu sự khởi đầu của một buổi tối rất bất ngờ. Khi mở cửa, Elisabeth đối mặt với 3 người lính Mỹ, một trong số đó bị thương nặng. Họ không có ý hại gì, chỉ tìm một nơi ấm áp để nghỉ ngơi sau khi bị lạc đường và lang thang tìm kiếm đơn vị trong giá lạnh suốt 3 ngày qua.
Người Mỹ không nói được tiếng Đức, nhưng một người trong số họ có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp với người phụ nữ Đức. Cô chủ nhà cho những người đàn ông trẻ, chỉ nhỉnh hơn tuổi con trai cô, vào nhà. Người Mỹ bị thương được đồng đội bế vào trong và nằm trên giường của Fritz. Những người lính tự giới thiệu là Jim, Robin và Harry.
Bà chủ đã quyết định mang bữa tối Giáng sinh bị hoãn để phục vụ những vị khách không mời mà đến đang đói đến rã người. Con gà trống được vỗ béo mà cô đặt tên là Hermann, được đưa vào lò nướng và Fritz bắt đầu dọn bàn ăn cho 5 người.
Trong khi Jim giúp nấu ăn, Robin chăm sóc người đồng đội bị thương Harry. Anh ta bị một vết đạn ở đùi và được băng bó bằng những dải vải. Khi căn nhà nhỏ trong rừng ngập mùi thơm từ lò nướng, lại đột nhiên có tiếng gõ cửa. Nghĩ có nhiều người Mỹ bị lạc, nhưng khi mở cửa, Fritz sững người và sợ hãi trước sự xuất hiện của 4 người lính Đức. Cậu biết, nếu chứa chấp quân địch sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.
Đình chiến
Elisabeth chạy nhanh ra cửa và chào đón những người lính Đức, chúc họ có một Giáng sinh vui vẻ. Giống như những người Mỹ, những người lính Đức cũng còn rất trẻ. Họ nói với cô rằng họ đã bị lạc mất trung đoàn và hỏi liệu có thể qua đêm trong túp lều không. Người phụ nữ đồng ý và mời họ một bữa ăn nóng hổi, và tất nhiên, những người lính đói khát đó không từ chối.
“Nhưng chúng tôi có 3 người khách khác, những người mà các anh sẽ không coi là bạn,” Elisabeth tiếp tục. “Đây là đêm Giáng sinh và sẽ không có vụ nổ súng nào ở đây”, cô ấy cảnh báo với giọng sắc lạnh. Người Đức, hai binh sĩ và một hạ sĩ hiểu rằng người phụ nữ đang chứa chấp người Mỹ, nhưng quyết định làm theo lời cô. Họ để lại vũ khí của mình trên một đống củi và bước vào túp lều ấm áp. Người Mỹ cũng bỏ xa vũ khí theo yêu cầu của người phụ nữ.
Căn buồng hẹp không thể chứa nhiều khách nên hai người Đức và hai người Mỹ phải ngồi trên giường của bà chủ. Bầu không khí lúc đầu căng thẳng, nhưng dần dần thân thiện hơn. Một trong những người Đức nói tiếng Anh và là một sinh viên y khoa đã thăm khám cho người Mỹ bị thương. Người lính mất nhiều máu nhưng vết thương không bị nhiễm trùng nhờ trời lạnh. Nếu được nghỉ ngơi và chăm sóc tốt, sẽ ổn.
Mọi người thưởng thức món gà quay; những người Đức chia sẻ với người Mỹ một ổ bánh mì và một chai vang đỏ. Một nửa số vang đỏ được chủ nhà giữ lại cho người thương binh. Cuộc đình chiến trong chòi kéo dài đến sáng hôm sau. Những người lính được bà chủ thết đãi một đĩa cháo yến mạch. Với người Mỹ bị thương, cô đã pha một đồ uống mạnh với trứng, đường và số rượu vang còn lại.
Để khiêng anh ta, một chiếc cáng được làm từ các cọc gỗ và một chiếc khăn trải bàn. Sau khi viên hạ sĩ Đức đã chỉ cho kẻ thù của anh ta đi đúng đường của người Mỹ và tặng họ một chiếc la bàn. Trước khi những người lính rời đi, Elisabeth đã trả vũ khí lại cho họ. “Hãy cẩn thận các chàng trai!”, cô nói. “Tôi muốn một ngày nào đó các bạn có thể trở về ngôi nhà của chính mình”. Người Đức và người Mỹ bắt tay nhau và biến mất theo hai hướng ngược nhau.
Hậu chiến
Hơn 40 năm sau, ngày 5/5/1985, câu chuyện trên được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhắc lại. Chiến tranh Lạnh vẫn đang diễn ra và Tổng thống Mỹ đã đến Đức để kỷ niệm 40 năm hòa bình giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Mỹ. Không lâu trước khi có bài phát biểu tại căn cứ không quân Mỹ ở thành phố Bitburg, ông đã đặt vòng hoa tại nghĩa trang chiến tranh của Đức. Cùng đi với ông có Thủ tướng Helmut Kohl, Tướng không quân Đức Johannes Steinhoff và Tướng bốn sao người Mỹ Matthew B. Ridgway.
Trong buổi lễ, các cựu chiến binh đã bắt tay nhau thắm thiết. Chuyến thăm của Reagan đến nghĩa trang chiến tranh đã gây ra nhiều phản ứng. Nhiều cựu binh Mỹ và những người sống sót sau thảm họa Holocaust cho rằng việc Tổng thống của họ tham dự lễ tưởng niệm là không phù hợp.
Trong bài phát biểu của mình, Reagan nói ông đã cảm thấy buồn trước những ngôi mộ của những người lính vì lịch sử chứa đầy “sự lãng phí, tàn phá và xấu xa”, nhưng ông cũng bày tỏ niềm vui của mình trước “40 năm hòa bình, tự do và hòa giải” đã có kết quả. Ông lấy làm tiếc rằng chuyến thăm của ông đã gây nhiều tranh cãi và đảm bảo với các cựu binh Mỹ và gia đình của họ rằng, cử chỉ hòa giải với nhân dân Đức ngày nay không làm giảm tình yêu và sự kính trọng của ông đối với những người đã chiến đấu cho đất nước. Ông đã hứa với những người sống sót sau Holocaust rằng, hòa giải không có nghĩa là quên đi.
Cũng sáng hôm đó, ông đã đến trại tập trung Bergen-Belsen trước đây, nơi ông càng thấm nhuần hơn tư tưởng “không bao giờ xảy ra nữa”. Giữa bài phát biểu của mình, Reagan kể lại câu chuyện về đêm Giáng sinh trong chòi săn của gia đình Đức Vincken trong cuộc tấn công Ardennes. Nhân viên của ông đã tìm thấy câu chuyện trên tạp chí ra hàng tháng Reader’s Digest vào tháng 1/1973, do Fritz Vincken viết, với tựa đề “Đình chiến trong rừng” (“Truce in the Forest”).
Sau khi tính xác thực đã được các biên tập viên Reader’s Digest xác nhận, Tổng thống đã có thể sử dụng câu chuyện trong bài phát biểu của mình như một biểu tượng của tình anh em giữa hai dân tộc, mà theo ông có thể nhìn thấy ngay cả “trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến”. “Chúng ta không thể xóa bỏ tội ác và cuộc chiến của ngày hôm qua, cũng như không thể khiến hàng triệu người sống lại, nhưng chúng ta có thể mang lại ý nghĩa cho quá khứ bằng cách học những bài học từ nó và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn”.
Fritz đã rời quê hương của mình năm 1959 và sau khi sống ở Canada và California, từ năm 1963, đã đình cư ở Hawaii. Anh ta là một người ngưỡng mộ Reagan và rất cảm động trước những lời nói của ông. Theo sự thúc giục của những người bạn Mỹ, ông đã viết ra những ký ức của mình về đêm Giáng sinh năm 1944 vào những năm 1960 và gửi chúng cho Reader’s Digest. Khi đang nghe đài trong giờ giải lao, Fritz Vincken đã rất ngạc nhiên khi nghe Tổng thống Mỹ trích dẫn câu chuyện của mình. Ở Aachen, Elisabeth Vincken đã được tìm thấy và đã kể câu chuyện tương tự như con trai mình.
Trong những thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh, Fritz Vincken đã không thành công trong việc lần tìm những người lính trong câu chuyện của mình. Một buổi phát sóng của chương trình truyền hình Mỹ “Những bí ẩn chưa được giải đáp” vào năm 1995 đã thay đổi tất cả. Một khán giả chương trình đã nhận ra câu chuyện, đã được một cư dân của viện dưỡng lão Maryland nơi anh làm việc kể cho nghe trước đó. Ông từng phục vụ trong Trung đoàn Bộ binh 121 thuộc Sư đoàn 8 trong Thế chiến II.
Tháng 1/1996, Fritz và người cựu chiến binh được gặp nhau (mẹ của Fritz đã qua đời trong thời gian đó). “Mẹ anh đã cứu mạng tôi” ông già nói với anh. Người cựu chiến binh vẫn còn giữ chiếc la bàn của viên hạ sĩ Đức. Fritz sau đó đã mô tả cuộc gặp gỡ này là mốc khó quên của cuộc đời mình. Những người lính Đức và hai người Mỹ khác không bao giờ được tìm thấy. Bản thân Fritz Vincken qua đời năm 2002 ở tuổi 69, để lại vợ, con gái và hai đứa cháu. Câu chuyện về bữa ăn Giáng sinh năm 1944 vẫn tồn tại như một biểu tượng của tình người trong những ngày đen tối nhất của chiến tranh./.