TBVĐ- Đức nổi tiếng là một trong những quốc gia có quy định thời gian đóng mở cửa nghiêm ngặt nhất châu Âu. Điều này gây không ít phiền toái cho một số người mua sắm ở nước này.
Nhiều người Đức đã quá quen thuộc với việc thức dậy vào sáng Chủ nhật và phát hiện tủ lạnh trống rỗng. Trớ trêu thay họ lại không thể đi mua đồ ăn bởi tất cả các cửa hàng thực phẩm đều đóng cửa. Rất nhiều người thắc mắc vì sao các cửa hàng tại Đức lại tuyệt đối tuân thủ giờ giấc đóng mở cửa một cách nghiêm ngặt như vậy?
Không chỉ đóng cửa cả Chủ nhật, mà suốt các ngày trong tuần, các cửa hàng ở Đức cũng đóng cửa vào lúc chiều tối, sớm hơn nhiều so với rất nhiều nước khác. Các siêu thị hoạt động trễ lắm cũng chỉ đến 10 giờ đêm, trong khi ngày thứ Bảy chỉ mở cửa đến 8 giờ tối.
“Cuối tuần” quý báu như ân huệ
Năm 1900, Đức trở thành nước đầu tiên ban hành quy định về giờ đóng mở cửa của các cửa hàng. Đến năm 1919 Đức tiếp tục ban hành quy định các cửa hàng không được mở cửa vào Chủ nhật, ngoài ra các ngày trong tuần chỉ được phép mở cửa từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.
Lí do đằng sau của những quy định này liên quan đến tôn giáo, cụ thể là vì người Đức xem ngày Chủ nhật hàng tuần như ngày Sabbath, tức là ngày dùng để nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa trời. Ngoài ra họ còn lấy ngày này để đền đáp sự nỗ lực làm việc trong tuần của những người lao động.
Quy định này ban hành đã hợp pháp hóa yêu cầu được nghỉ làm ngày Chủ nhật của rất nhiều người, đồng thời nó còn đảm bảo tránh phải làm việc liên tục bảy ngày một tuần. Chính vì lẽ đó mà khái niệm “Ruhetag” (ngày cuối tuần) trở nên vô cùng “đáng quý” với rất nhiều người Đức.
Nhờ quy định này mà việc có một ngày Chủ nhật thảnh thơi là chuyện rất đỗi bình thường ở Đức. Mặt trái của quy định này là bạn chỉ có thể giải trí bằng một vài hoạt động như đi ra ngoài ăn, đi đạp xe đạp, đi viện bảo tàng.
Nước Đức “chậm chạp” đang đi nhanh hơn
Nếu bạn nghĩ rằng nước Đức có vẻ hơi “chậm chạp” trong một thế giới hiện đang vận hành theo khuôn khổ 24 giờ/một ngày, thì cũng có thể là bạn đúng. Khoảng đầu năm 1950, giờ đóng mở cửa của các cửa hàng gặp một số vấn đề bất cập; đến năm 1956, quy định thời gian đóng mở được cập nhật và ban hành. Theo đó các cửa hàng chỉ được mở cửa tới 6:30 chiều vào các ngày trong tuần, riêng thứ Bảy sẽ phải đóng cửa lúc 2 giờ chiều, và tất nhiên, không được phép hoạt động vào ngày Chủ nhật.
Những điều lệ này được duy trì liên tục suốt 40 năm ở Tây Đức và dường như không có bất kì một sự thay đổi nào. Do đó trong suốt thời gian này, Tây Đức bị xem là khu vực hạn chế thời gian nhất châu Âu. Trong khi đó, Đông Đức lại có nhiều cửa hàng linh hoạt về thời gian hơn để thích nghi với nhu cầu của người dân.
Mặc dù lượng sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu người dân ích hơn sau thời gian phục vụ, nhưng họ sẵn sàng chờ tới giờ mở cửa hoặc đi đến những cửa hàng có phục vụ vào các ngày Chủ nhật. Đến 1989, Bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất thì việc linh hoạt về giờ giấc mở cửa ở Đông Đức cũng biến mất.
Đến năm 1996, Quốc hội Đức bắt đầu nới lỏng một số quy định này, bằng việc cho phép các cửa hàng mở cửa đến 8 giờ tối các ngày trong tuần, và ngày thứ Bảy mở cửa đến 4 giờ chiều. Năm 2003, giờ mở cửa của ngày thứ Bảy được kéo dài tới 8 giờ tối nhưng đến năm 2006 mới có một sự thay đổi rõ rệt khi sự ban hành quy định thời gian đóng mở cửa được giao cho các tiểu bang trực tiếp quản lí. Berlin nắm ngay lấy cơ hội này để giúp người tiêu dùng tự do hơn trong mua sắm, và đương nhiên các tiểu bang khác cũng nhanh chóng làm theo.
Dù có sự thay đổi gì thì ngày Chủ nhật vẫn cứ được xem là “Ruhetag” trên khắp nước Đức, thỉnh thoảng sẽ có những ngày Chủ nhật đặc biệt mà các cửa hàng sẽ được phép mở cửa để phục vụ cho các ngày lễ lớn diễn ra trong tuần đó. Những năm gần đây, thực trạng dần bắt đầu có một số thay đổi, chẳng hạn các cửa hàng tiện ích (Spätkaufstellen hay Spätis) mở cửa đến tận khuya hoặc thậm chí mở cửa cả ngày Chủ nhật, những cửa hàng này đang bắt đầu mọc lên khắp nơi trên các thành phố nước Đức. Nếu không có các cửa hàng này, những người có nhu cầu mua hàng đột xuất hoặc những người chuyên làm việc về đêm sẽ dễ bị “bỏ đói”, thậm chí họ không thể mua được một cốc bia để nhâm nhi trên đường.
Nếu “được phép” cũng không “thiết tha” mở cửa Chủ nhật
Trong khi quy định giờ đóng mở cửa đối với các cửa hàng cửa hiệu đang dần dần bớt nghiêm ngặt, các siêu thị được phép mở cửa đến 11 giờ tối hoặc giữa đêm thì chủ của các cửa hàng tiện ích dường như không phải lúc nào cũng thiết tha tận dụng những cơ hội do những quy định này mang lại. Ví dụ mặc dù các cửa hàng này được phép mở cửa đến tận khuya vào ngày thứ Bảy nhưng họ vẫn đóng cửa sớm hơn, khoảng 3 giờ chiều như thường lệ.Trong một cuộc khảo sát của báo Spiegel Online vào tháng 6 năm nay, có khoảng 61% phản hồi cho rằng các cửa hàng muốn được quyền tự quyết định rằng họ có mở cửa vào ngày Chủ nhật hay không.
Ngược lại, một số chuỗi cửa hàng lớn như Rossman hay Hornback cho biết việc mở cửa vào ngày Chủ nhật làm cho doanh thu và lợi nhuận của họ tăng không mấy đáng kể, cho nên Rossmann chia sẻ họ khá hài lòng với tình trạng hiện tại của cửa hàng rồi. Có vẻ việc hợp pháp hóa cho các cửa hàng ở Đức mở cửa vào ngày Chủ nhật sẽ rất khó khả thi, nhưng nhìn chung suốt nhiều thập kỉ qua đã có những sự thay đổi ít nhiều về giờ giấc mở cửa và đóng cửa, mặc dù sự thay đổi đó diễn ra với tốc độ còn khá chậm.
Nếu bạn đang sống tại một thành phố lớn nơi mà các cửa hàng vẫn luôn sẵn sàng phục vụ vào các ngày cuối tuần thì bạn thật may mắn, hãy tận hưởng những gì bạn đang có trong khi chờ đợi sự thay đổi lớn diễn ra ở đất nước này. Mặc dù hạn chế hàng hóa vào các ngày cuối tuần, tuy nhiên mách nhỏ bạn rằng chúng ta có thể mua được những thứ chúng ta cần ở trạm xăng, dầu, hoặc tại các cửa hàng ở bến xe hỏa bất kể các ngày trong tuần.
Đoàn Thảo