TBVĐ- Quá trình “ly hôn” với EU của Anh (Brexit) đang được thúc đẩy, song song đó là việc EU nhìn về phía các nước Châu Á để định hình các mối quan hệ quốc tế trong tương lai.
Xoay trục Châu Á được thảo luận nhiều hơn khi nước Anh quyết định rời khỏi EU (sự kiện Brexit). Với vai trò là đầu não tài chính của khu vực Châu Âu, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với thị trường dịch vụ của châu lục, nước Anh rời khỏi EU, dù bằng một kịch bản đàm phán “thoát ly” như thế nào theo luật lệ EU, thì cũng để lại một khoảng trống đối với giới đầu tư của EU.
Nhu cầu tìm kiếm các “chọn lựa thứ hai” không chỉ có ý nghĩa trên bàn đàm phán với Anh từ nay đến khi tiến trình Brexit hoàn tất, mà còn có ý nghĩa trong việc cải tổ EU, đảm bảo sự ủng hộ và niềm tin của thị trường thế giới đối với EU, và đặc biệt là kích thích nền kinh tế tăng trưởng chậm, suy giảm năng động và gặp phải quá nhiều bất trắc nội bộ (nhất là hệ thống tài chính) của EU.
Ai sẽ được “ưu tiên”?
Trung Quốc phải là cái tên đầu tiên trên bàn nghị sự của EU. Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế thứ hai toàn cầu, tham vọng vượt qua Mỹ vào tương lai gần, mà còn hấp dẫn bởi các tuyên bố về cải cách và “bày tỏ” thái độ cam kết cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình về một nền kinh tế thị trường tự do và công bằng, mở cửa và phát động các thể chế hợp tác đa phương xuyên lục địa trong đó có “Một Vành Đai Một Con Đường” mà đông đảo thành viên EU tham gia.
Đối tượng thứ hai EU tỏ ra rất quan tâm chính là Ấn Độ. Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ lần thứ 14 hồi tháng 8-2017, EU và Ấn Độ đã nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tăng cường an ninh hàng hải. Hợp tác kinh tế cũng là trọng tâm giữa hai bên. EU là đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại song phương đạt 88 tỷ USD trong năm ngoái.
Đối tác thứ ba EU cũng rất quan tâm chính là ASEAN. Trong chiến lược toàn cầu, EU luôn mong muốn có một mối quan hệ đối tác chiến lược với châu Á, đặc biệt với ASEAN vốn có những cam kết hòa bình và hội nhập khu vực giống như EU. Nguyên nhân có thể lý giải là vì rất ít nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh như các nước ASEAN. Sau 40 năm thiết lập quan hệ, EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khối này. EU đang tìm kiếm mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư với ASEAN qua từng năm, và nhất trí một khuôn khổ liên vùng đầy tham vọng có thể thiết lập các tiêu chuẩn thương mại trên toàn cầu.
Đối tác quan trọng cuối cùng mà EU nhắm tới chính là Nhật Bản. Tháng 7-2017 là một mốc thời gian quan trọng với cả hai, khi EU và Nhật Bản đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về những thành phần chính của một Hiệp định Đối tác Kinh tế EU-Nhật Bản. Theo đánh giá của giới quan sát thì đây là một hiệp định thương mại song phương quan trọng nhất mà EU từng đạt được thỏa thuận và đây cũng là lần đầu tiên một hiệp định bao hàm cả một cam kết cụ thể đối với Thỏa thuận khí hậu Paris.
Mũi tên kinh tế
Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của EU tại khu vực. Cả hai bước vào chương trình hợp tác chiến lược vào năm 2003. Chương trình hợp tác chiến lược tầm nhìn 2020 EU-Trung Quốc là một thỏa thuận toàn diện đầy tham vọng, bao gồm các biện pháp tăng cường hợp tác và đối thoại song phương.
Thương mại song phương ước tính đạt hàng tỷ Euro một ngày. Riêng năm 2016, EU thâm hụt khoảng 175 tỷ Euro, gây ảnh hưởng đến hầu hết các thành viên EU ngoại trừ Đức và Phần Lan. Trong khi EU xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, thiết bị mô tô, máy bay, hóa chất và tỷ trọng thấp dịch vụ; thì Trung Quốc xuất khẩu sang EU rất nhiều máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng (nổi bật là hàng da giầy, dệt may), đồ gỗ, đồ chơi, v.v. Đó là chưa kể lao động tay nghề trung bình-thấp của EU bị lao động Trung Quốc lấn lượt và chiếm hàng chục ngàn công việc nhờ vào mức lương rất thấp.
Trung Quốc còn gắn với các vụ bê bối “cạnh tranh không lành mạnh” với các doanh nghiệp EU, bao gồm việc chính phủ thao túng thị trường tiền tệ, “đánh cắp” công nghệ, sự thao túng của các doanh nghiệp nhà nước với thị trường Trung Quốc, v.v. Đặc biệt cả Trung Quốc và EU đều có cạnh tranh với EU tại các thị trường ở Châu Á, nên việc ký kết các hiệp định tự do thương mại là rất cần thiết đảm bảo khả năng cạnh tranh của EU tại khu vực đầy tiềm năng này.
Một trong tâm mang tính chiến lược thứ hai mà EU sẽ tăng cường chính là ký kết các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khu vực Châu Á. Thực tế cho thấy dưới nhiệm kỳ Trump, Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU gặp nhiều khó khăn và khó có thể kỳ vọng vào những bước tiến đáng kể trong tình trạng quan hệ hai bên như thời gian qua; điều đó buộc EU phải tìm kiếm những giải pháp thay thế, trong đó xoay trục các FTAs về phía Châu Á là điều vô cùng cần thiết để giải quyết áp lực đầu tư, thương mại của EU. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Châu Á trở thành trung tâm kinh tế mới của thế giới, hay “Thế kỷ Châu Á”, và thực tế là Châu Á đã trờ thành đối tác kinh tế lớn nhất của EU. Xu hướng thúc đẩy FTAs của EU tại Châu Á đang thuận lợi khi Trump khai tử Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi hiệp định thay thế TPP (hay TPP-11) chưa đi đến những bước cuối cùng.
Các quốc gia tại Châu Á, kể cả Nhật Bản, Úc hay New Zealand, cũng đang trông chờ vào sự hiện diện của EU như một lực lượng thay thế Mỹ tại khu vực, không chỉ có ý nghĩa về mặt hợp tác kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề an ninh tại khu vực (trước sự trỗi dậy của Trung Quốc).
Chiến lược an ninh
Vấn đề an ninh bao gồm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Về an ninh truyền thống, trong thập niên qua EU liên tục tăng cường hợp tác an ninh với khu vực Châu Á như một giải pháp nhằm củng cố các chiến lược và thành tựu với trụ cột kinh tế trong xu hướng xoay trục của mình. Điển hình là EU trở thành thành viên nổi bật trong Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), một diễn đàn cấp cao được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1996, gồm các nhà lãnh đạo Châu Á và Châu Âu. EU là đơn vị đóng góp lớn nhất về các vấn đề tài chính cho ASEAN, đồng thời hỗ trợ cho các tổ chức khác như Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC).
Về hiện diện quân sự, khác với Mỹ, EU lâu nay không triển khai mạnh mẽ các hoạt động quân sự tại khu vực do năng lực không thể đảm bảo như lực của Washington. Thay vào đó EU định vị mình như một bên đảm bảo “an ninh mềm” tại khu vực, một tổ chức có đóng góp lớn với các vấn đề an ninh khu vực thông qua mặt trận ngoại giao, một “nhà hòa giải” các vấn đề an ninh diễn ra tại khu vực Châu Á, điển hình tại Biển Đông, vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, v.v. Trong đó có thể kể đến việc EU đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt vấn đề bất ổn tại Aceh (thuộc Indonesia), vùng Mindanao (của Philippines), hay ở East Timor. Hơn nữa EU có dấu ấn quan trọng trong việc thúc đẩy Sáng kiến Hợp tác hòa bình khu vực Đông Bắc Á” (NAPCI) bắt đầu từ năm 2013 do Hàn Quốc khởi xướng, trong đó có nhắm vào vấn đề an ninh hàng hải tại Đông Nam Á.
Đó là chưa kể EU có vai trò lớn trong thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với các hoạt động thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong vai trò là “bên hòa giải”, EU đứng ra kêu gọi giải quyết khủng hoảng tại Georgia năm 2008 sau can thiệp quân sự của Nga. Trong khi nhiều người xem việc “thiếu vắng lực lượng quân sự” của EU là một hạn chế trong can dự khu vực, nhưng đồng thời đây cũng là điểm mạnh của EU.
Đi vào từng vấn đề cốt lõi tại khu vực, có thể thấy nổi bật là tranh chấp Biển Đông. Một là EU tăng cường các hoạt động nhằm đảo bảo vai trò và sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Dựa vào các điều khoảng của UNCLOS, EU hoàn toàn có đủ lý lẽ để buộc Trung Quốc và các quốc gia liên quan phải thừa nhận tính đúng đắn trong phán quyết của tòa dựa vào UNCLOS. Sự bác bỏ của Trung Quốc và chiến lược truyền thông cổ súy của Trung Quốc khiến uy tín của việc tận dụng luật quốc tế giải quyết tranh chấp có thể bị suy giảm, vì thế khả năng EU sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tuyên bố phản đối đối với các hoạt động cải tạo và quân sự hóa khu vực của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thêm vào đó, việc EU đứng ra làm bên trung gian hòa giải thông qua các thỏa thuận hạn chế quân sự hóa khu vực sẽ là khả dĩ cho vấn đề an ninh. Việc can dự của EU như vậy sẽ hạn chế hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, chí ít đó là lực cản mà Trung Quốc phải suy nghĩ về quy mô, số lượng, loại hình, v.v. vũ khí mà nước này muốn triển khai ở Biển Đông. Ngoài ra, EU cũng có thể sẽ đề xuất lộ trình đàm phán và thực hiện một số quy tắc ủng xử ở Biển Đông cho các bên liên quan, bao gồm quyền đánh bắt hải sản và tiếp cận các nguồn tài nguyên. Ví dụ như việc ngăn chặn đánh bắt quá mức ở các vùng biển. Ngoài ra, việc EU yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ yêu sách “Đường chín đoạn” của nước này cũng là cách gián tiếp thúc đẩy luật quốc tế, giảm căng thẳng khu vực.
Anh Thùy