Chính quyền Mỹ kỳ vọng thủ tướng mới của Đức sẽ có chính sách mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, nhưng Washington phần nào thất vọng sau cuộc điện đàm của ông Olaf Scholz với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi đầu tuần này.
Thực tế, ông Scholz đã làm đúng những gì từng cam kết khi vận động tranh cử hồi năm ngoái, tạo ra hình ảnh một người kế thừa trung thành chính sách của người tiền nhiệm Merkel. Người phụ nữ quyền lực của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong 16 năm làm thủ tướng đã thực hiện một chính sách được coi là thân thiện với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối tác kinh tế rất quan trọng, cần thiết cho sự thịnh vượng của Đức và châu Âu.
Kỳ vọng của Bắc Kinh
Theo phía Trung Quốc, cuộc điện đàm giữa hai thủ tướng diễn ra theo yêu cầu của Đức, chủ yếu tập trung về hợp tác kinh tế, trong đó có chuyện hãng xe hơi nổi tiếng của Đức BMW mở rộng đầu tư ở Thẩm Dương, Trung Quốc.
Tuy nhiên, các vấn đề gây căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc như Tân Cương, Hong Kong đã không được đề cập. Ông Lý Khắc Cường bày tỏ hy vọng nước Đức có thể đóng vai trò quan trọng trong việc “tạo ra tác động tích cực đến quan hệ và hợp tác Trung Quốc – EU”.
Trung Quốc kỳ vọng ông Scholz sẽ là cầu nối hàn gắn sự khác biệt giữa Trung Quốc và EU. Cách của ông Scholz thể hiện nước Đức mong muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương với Trung Quốc, nhất là về kinh tế, và phớt lờ cách tiếp cận chung của châu Âu với Trung Quốc. Điều này ngược với quan điểm của các đối tác liên minh với Đức bao gồm Mỹ, Anh và các nước EU với Trung Quốc thời gian qua.
Tháng 3 năm ngoái, EU cùng với Anh, Canada và Mỹ đã nhất trí trừng phạt một số quan chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Sau đó, lệnh trừng phạt được gia hạn vào cuối năm 2021. Bất chấp sự giận dữ của Trung Quốc, việc trừng phạt tập thể này của Mỹ và đồng minh là kết quả ban đầu trong một nỗ lực có chủ đích về mặt ngoại giao của Mỹ để cô lập Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã thể hiện họ vẫn là một đối thủ không dễ chơi với Mỹ. Bắc Kinh đã biết cách khai thác sức mạnh kinh tế của họ trong việc làm suy yếu các mắt xích trong các liên minh do Mỹ dẫn dắt.
Năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19 và hiểm họa từ sụp đổ thị trường bất động sản, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc 8,1%. Điều này tạo ra nhiều sức hút với các nền kinh tế khác trên thế giới, trong đó có nước Đức dưới thời ông Olaf Scholz.
Thách thức với Berlin
Ông Scholz cũng từng gọi Mỹ là “đối tác thân thiết nhất và quan trọng nhất của châu Âu”. Tuy nhiên, bỏ qua các diễn ngôn mang tính ngoại giao thì một nước Đức không còn nhiều tham vọng về chính trị và quân sự sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn luôn coi lợi ích kinh tế là mục tiêu quan trọng nhất.
Năm 2020, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Đức với tổng trị giá thương mại song phương đạt 212 tỉ euro.
Tuy nhiên, không phải ai trong nội các chính phủ liên minh bao gồm Đảng Dân chủ xã hội, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do của Đức cũng đồng ý với ông Scholz.
Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, đã cam kết một chính sách đối ngoại sẽ “dựa trên giá trị”. Điều này có nghĩa nước Đức sẽ có tiếng nói và chính sách mạnh mẽ hơn với các nước vi phạm những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của phương Tây.
Câu hỏi là liệu chính sách đối ngoại của Đức thời gian tới sẽ nằm ở dinh thủ tướng hay ở văn phòng ngoại trưởng? Và liệu chính phủ liên minh ba đảng của ông Scholz có thể dàn xếp và đưa ra các tín hiệu thống nhất hay không? Tất nhiên đây không chỉ là vấn đề của nội bộ Chính phủ Đức mà còn là vấn đề đối ngoại giữa các đồng minh của Đức, Liên minh châu Âu và Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Chính phủ liên minh ba đảng mong manh của Đức đang bị đặt trước thách thức giữa lợi ích kinh tế và các nguyên tắc giá trị chung của một EU vững mạnh. Gửi đi thông điệp đối ngoại không thống nhất đồng nghĩa với một nước Đức bị chia rẽ cũng như một EU không đồng thuận.
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Berlin và gặp ngoại trưởng Đức vào cuối tuần này. Điều đáng nói đây là cuộc gặp thứ ba của bà Baerbock với ông Blinken chỉ trong sáu tuần qua.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai ngoại trưởng sẽ tham gia cuộc họp của “Bộ tứ xuyên Đại Tây Dương” cùng các ngoại trưởng Anh và Pháp. Nước Mỹ đang trông mong vào ngoại trưởng mới của Đức như là nhân tố tích cực trong liên minh các nước phương Tây cùng thúc đẩy các giá trị dân chủ, chống lại những đối thủ chính trị như Trung Quốc và Nga.