Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Oktoberfest – Lễ hội bia của Đức

Oktoberfest cho đến hôm nay thật sự có thể nói là một lễ hội “có một không hai” trên thế giới, vừa truyền tải được ý nghĩa của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán Đức, lại vừa là một lễ hội rất cởi mở với những phát triển hiện đại … mà bất cứ ai đến Đức chơi hay đang sinh sống, học tập tại đây cũng cần đến tham dự một vài lần

Đức là một đất nước có rất nhiều ngày lễ hội đặc sắc và tiêu biểu, được đặt ra theo từng bang và cũng chịu ảnh hưởng của phong tục, tập quán từng vùng miền. Ngày lễ quan trọng nhất của nước Đức phải nói đến là mùa Giáng Sinh (Weihnachten), có thể ví như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam vậy. Tuy rằng bắt nguồn từ Thiên Chúa Giáo, nhưng trải qua nhiều năm dài, giờ đây nó đã trở thành mùa lễ hội dân gian tiêu biểu và là dịp để gia đình, người thân đoàn tụ, sum vầy, cùng nhau kết thúc một năm cũ, đón chào năm mới … Ngoài lễ hội Giáng Sinh, người Đức còn có lễ Phục Sinh (Ostern), lễ tạ ơn mùa màng (Erntedankfest) hoặc các ngày lễ quốc gia như ngày thống nhất nước Đức (Deutsche Einheit), ngày lễ cải cách ân xá (Reformationstag) v.v…

Một lễ hội vô cùng đặc biệt khiến nước Đức nổi danh khắp nơi là lễ hội bia Oktoberfest thường được tổ chức vào tháng 9/tháng 10 ở München/Munich. Đó là lễ hội dân gian (Volksfest) lớn nhất thế giới, còn được gọi là hội “Wiesn”. Năm nay (2017) lễ hội này lại diễn ra trên quảng trường Theresa từ ngày 16.9. đến ngày 03.10., dự tính cũng sẽ chào đón tới 6-7 triệu khách như mọi năm.

Oktoberfest bắt nguồn từ đám cưới kéo dài 5 ngày của hoàng thái tử Ludwig (sau này lên ngôi là vua Ludwig Đệ Nhất) với công nương Therese von Sachsen-Hildburghausen – từ ngày 12.10.1810 đến ngày 17.10.1810 – cũng là dịp để hoàng thân quốc thích Bayern bày tỏ lòng biết ơn với các cận thần trung thành sau khi vùng này chính thức trở thành một vương triều (Königreich) của Đức. Ông Andreas Michael Dall’ Armi – một giám đốc ngân hàng đồng thời là người có địa vị cao trong triều đình thời đó – đã tổ chức cuộc đua ngựa lớn trên bãi cỏ trước bức tường thành München vào ngày cuối cùng của lễ hội. Rồi từ đó, người ta đã đặt luôn cho lễ hội này cái tên là Volksfest, là “ngày hội dân gian”, và để vinh danh công nương Therese, họ gọi bãi cỏ rộng lớn giữa München là “Theresens-Wiese” (“Theresienwiese”) – “die Wiesn”.

Khi lễ hội Oktoberfest chính thức được tổ chức hàng năm, cũng là lúc nhiều dịch vụ nảy sinh và người người thi nhau đổ về München. Từ những lều bán bia nhỏ, các ông chủ “móc ngoặc” với các hãng sản xuất bia phát triển thành những “pháo đài bia” rộng lớn (Bierburgen). Đặc biệt, họ còn chế biến riêng một loại bia cho những ngày này, gọi là “Wiesn-Märzen”, với lượng hèm rượu (bỗng hay bã rượu) cao hơn bình thường, nghĩa là độ cồn cũng cao hơn (từ 6-7%). Các món “nhậu” từ đó cũng đa dạng hơn, và người ta dần tạo nên một góc ẩm thực rất đặc sắc theo riêng phong cách Oktoberfest với đủ các món đặc trưng của vùng Bayern như xúc xích trắng (Weißwurst), salat trộn xúc xích, gà quay, các loại phô-mai … Ngoài ra không thể thiếu món bánh mỳ cuộn thừng nướng mang tên Brezn (hoặc Brezel). Đó là món “nhậu” với bia rất đặc trưng của tiểu bang này. Bánh mỳ Brezn ngon phải là loại có lớp vỏ vàng nâu óng ánh, dai dai, dính những hạt muối mằn mặn, bên trong bánh lại thật mềm và thơm. Ở phần bụng của bánh, vỏ bánh phải hơi vỡ nứt, tạo cho người thưởng thức cảm giác bánh nướng vừa đủ nhiệt độ. Đoạn bánh cuộn thừng phải giòn, nhưng không được khô – đó là bánh Brezn đạt chất lượng cao, hoàn chỉnh, nhắm bia rất tuyệt!

Nếu muốn đến dự hội theo đúng truyền thống thì bạn nên tậu riêng một bộ đồng phục của tiểu bang Bayern. Các cô gái thường mặc váy gọi là Dirndl, đàn ông thì phải có áo gi-lê và quần lửng bằng da. Váy Dirndl là kiểu váy truyền thống rất đơn giản. Đẹp nhất là phối hợp váy với một chiếc sơ mi trắng có che kín vai. Người biết mặc còn “tậu” thêm loại áo lót dành riêng cho váy Dirndl, vì chỉ như vậy, nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ mới nổi bật hơn! Bản thân chiếc váy không được gắn đá óng ánh, không được thêu rườm rà và phải che kín đầu gối. Yếm quàng trước váy thường bằng loại vải bông hoặc bằng lụa, có hình hoa hoặc kẻ ô vuông. Một đặc điểm cần lưu ý khi mặc váy Dirndl là vị trí của chiếc nơ yếm thắt trên váy: Chị em nào còn single thì thắt nơ bên trái, người đã có “ý trung nhân” thì thắt nơ bên phải, nơ thắt đằng sau lưng là dành cho góa phụ và nơ thẳng đằng trước nghĩa là “for virgins”! Và tất nhiên, để mặc Dirndl “chuẩn” và đẹp, các chị em còn phải có kiểu tóc phù hợp. Hầu như là tóc tết (tóc bện) hoặc vừa tết vừa búi lên cao. Dưới đây là một số kiểu váy và tóc khá cầu kỳ cho hội Oktoberfest kèm với vài tấm ảnh riêng, mời các bạn cùng ngắm nhé!

Oktoberfest cho đến hôm nay thật sự có thể nói là một lễ hội “có một không hai” trên thế giới, vừa truyền tải được ý nghĩa của truyền thống văn hóa, phong tục tập quán Đức, lại vừa là một lễ hội rất cởi mở với những phát triển hiện đại … mà bất cứ ai đến Đức chơi hay đang sinh sống, học tập tại đây cũng cần đến tham dự một vài lần – lúc đó mới có thể nói “tôi từng đặt chân đến Đức!”

Cẩm Chi / Những nẻo đường nước Đức