Sau hơn 5 năm thảo luận và trì hoãn, Nghị viện châu Âu đã thông qua Luật lưu giữ dữ liệu cá nhân của hành khách đi máy bay và chuyển tiếp cho các cơ quan an ninh nhằm ngăn ngừa âm mưu khủng bố và tội phạm có tổ chức như buôn lậu ma túy, vũ khí, tội phạm mạng.
Theo đó, tất cả các nước thuộc khối EU phải lưu tất cả dữ liệu hành khách của tất cả các chuyến bay đến và bay từ châu Âu tại Ngân hàng dữ liệu trung ương trong vòng 5 năm.
Những dữ liệu phải thu thập: Tổng số có đến 60 thông số kỹ thuật khác nhau, gồm mã số, nơi cấp và hiệu lực của hộ chiếu, tất cả thông tin khi đặt vé trực tuyến hoặc qua dịch vụ du lịch như tên nhân viên làm việc, số chỗ ngồi, chi tiết hành lý, tuyến bay, sở thích ăn uống để biết tôn giáo, giá vé, chỗ ở khách sạn, thuê xe, thông tin thẻ tín dụng. Ngoài ra nhà chức trách cũng muốn biết tuyến du lịch là bay một chiều hay cả đi lẫn về. Cả số điện thoại để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, địa chỉ thanh toán hóa đơn và mọi thông tin cá nhân như tên, ngày sinh, địa chỉ, E-Mail, giới tính, quốc tịch… cũng được lưu lại. Ngoài ra, còn có mục ghi chú dành cho nhân viên hàng không tự điền khi quan sát thấy điều khả nghi như mang theo sách về cần sa chẳng hạn. Các thông tin về hành khách sẽ được đối chiếu với các ngân hàng dữ liệu khác nhằm phát hiện các hành vi đáng ngờ, qua đó tìm ra kẻ tình nghi. Cảnh sát thuộc các nước thành viên EU có thể trao đổi thông tin qua lại và với Cảnh sát châu Âu Europol.
Áp dụng cho tất cả chuyến bay: Hiện nay chỉ mới lưu trữ dữ liệu các tuyến đi từ EU đến một nước thứ ba, bất kỳ đó là Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay Nam Dương. Riêng với Hoa kỳ có thỏa ước đặc biệt. Thỏa ước với Canada chưa ngã ngũ. Các thành viên EU cũng như những chuyến bay thuê bao (Charterflüge) được quyền tự quyết định có lưu trữ dữ liệu hành khách nhập cảnh vào EU hay không.
Trách nhiệm cập nhật thông tin và nơi lưu trữ: Các hãng hàng không giữ vai trò chính vì có đủ những dữ liệu cập nhật khi khách hàng đặt vé. Thông tin được báo về cơ quan quốc gia có trách nhiệm để các nước thành viên khác có thể truy cập.
Những nơi được phép sử dụng dữ liệu thu thập: Chỉ có tình báo các nước thành viên cũng như Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol tại den Haag được phép truy cập. Thanh tra có thể dùng những từ khóa để rà thông tin, một hình thức truy lùng kiểu giàn mắt cáo hiện đại.
Thời hạn lưu giữ: Mỗi bộ dữ liệu được lưu trữ 6 tháng, sau đó thông tin được ẩn danh hóa nhưng vẫn lưu lại trong 5 năm rồi xóa hẳn. Trong khoảng thời gian này nếu được phép vẫn có thể giải mã thông tin ẩn danh khi cần.
Nghị quyết Tòa án tối cao châu Âu EuGH (Europäischer Gerichtshof): Toà cấm không được lưu trữ dữ liệu không liên quan. Thỏa thuận mới có thể sẽ không phù hợp. Nếu Tòa án vẫn giữ hướng đi cũ, việc lưu lại dữ liệu hành khách có thể gây tranh cãi. Hiện nay không thành viên EU nào muốn khởi kiện nghị quyết này.
Thời điểm thỏa thuận có hiệu lực: Trong vòng 2 năm, các nước thành viên EU phải sửa đổi pháp luật quốc gia của họ. Hoang mang bởi những cuộc khủng bố, nên Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác ở châu Âu đã lục tục chuẩn bị. Vì vậy thời điểm hiệu lực chính thức có thể sớm hơn dự định.
Thanh Thành (tổng hợp)